Bí quyết gì giúp cửa hàng sách nhỏ vốn yếu thế hơn hẳn Amazon, nhưng lại bật lên được nhờ Internet?

12/10/2016 13:39 PM | Công nghệ

Trong khi các cửa hàng bán sách truyền thống đang trên đà tăng trưởng đến 6%, Amazon và chuỗi cửa hàng Barnes & Noble lại giảm kỉ lục 6,6% chỉ trong quý vừa rồi.

Cứ tới mùa hè, thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc Detroit, Mỹ lại hóa thành "thiên đường" cho du khách và người dân đến thưởng thức kì nghỉ, cùng với các loại rượu vang hảo hạng.

Nhưng ngay khi mùa thu đến, mặt hồ Michigan đóng băng, dân cư vùng gần như biến mất. Duy nhất, cửa hàng sách Brilliant Books vẫn nhộn nhịp…

5 năm trước, tại thành phố Traverse City bang Michigan, Peter Makin mở một hiệu sách mang tên Brilliant Books. Một thời gian sau, ông nhận ra cửa hiệu của mình sẽ không thể tồn tại nhờ những vị khách thân thuộc ở vùng quê xa xôi này.

Cùng lúc đó, Internet đang trên đà phát triển, và thương mại điện tử nhăm nhe xóa sổ các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, như hiệu sách của ông Makin là một ví dụ điển hình.

Thế nhưng, ông Makin đã thành công khi giành được thiện cảm ngày một nhiều của khách hàng, nhờ có sự trợ giúp của công nghệ.

Peter Makin hiểu rất rõ một điều: Brilliant Books không thể cạnh tranh với các hệ thống lớn như Amazon về giá cả.

Vì vậy, ông đã nghĩ ra giải pháp: tiếp cận khách hàng qua Internet, nhưng phục vụ họ theo cách một hiệu sách truyền thống vẫn hay làm.

Trước tiên, Makin miễn phí vận chuyển cho người mua hàng tại bất cứ đâu trên nước Mĩ. Đồng thời, ông cũng thuê luôn cả một người chăm sóc mảng bán hàng trên mạng xã hội, sử dụng Twitter, Facebook và Instagram để tư vấn cho độc giả ở xa.

Nhờ đó, Brilliant Books có một lượng khách hàng ổn định, ngay cả khi họ chưa từng đặt chân tới cửa hàng sách nhỏ lẻ này.

Nhưng đây mới thực sự là chiến lược "ăn khách" của Brilliant Books: Mỗi tháng một cuốn sách.

Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào hình thức tương tác qua mạng xã hội hay bình chọn từ web, Peter Makin đã gửi thư giới thiệu cho hơn 2.000 độc giả mỗi tháng về một cuốn sách. Đổi lại, Brilliant Books sẽ nhận về những lựa chọn, đánh giá và cảm nghĩ của khách hàng được viết hoàn toàn "bằng tay".

Nghĩa là cửa hàng sách của Makin vừa có tương tác trên mạng ảo, vừa thu về được những tương tác thật với khách hàng - điều mà cả Amazon, lẫn các hệ thống bán sách online hiện tại không có được.

Tiếp theo, nhân viên sẽ lưu lại những đánh giá này vào hệ thống, coi đây là một cơ sở dữ liệu để tham chiếu "gout đọc" sau này. Cuối cùng, các đơn đặt hàng sẽ được in ra, dán tem, ghi địa chỉ và gửi đến cho độc giả.

Ông cười và nói: "Mỗi người có một cách cảm nhận riêng biệt về một cuốn sách, có người thì trả lời nguệch ngoạc, có người thì vẽ mũi tên… Riêng việc chọn đầu sách cho 2000 người đã rất khó khăn rồi, nhưng chính công nghệ đã giúp tôi làm được điều thần kì đó".

Vài năm trước đây thôi, các cửa hàng sách nhỏ lẻ như Brilliant Books dường như đã chìm vào quên lãng. Không thể cạnh tranh với Amazon hay các hệ thống bán lẻ đình đám Barnes & Noble, nhiều hiệu sách nhỏ lẻ thậm chí đã phải đóng cửa.

Thế nhưng, sau nhiều năm thua lỗ, các nhà sách tư nhân đang dần trở lại mạnh mẽ. Bằng chứng là số lượng nhà sách đã tăng 21% trong giai đoạn 2010 - 2015.

Theo số liệu thống kê từ Cục điều tra dân số, doanh số của các nhà bán lẻ sách (không bao gồm các hệ thống bán lẻ online) đã tăng đến 6% trong năm nay. Trái lại, Amazon và chuỗi cửa hàng Barnes & Noble đã giảm kỉ lục 6,6% chỉ trong quý vừa rồi.

"Các hiệu sách đang dần hồi sinh nhờ xu hướng số hóa trên toàn thế giới. Việc áp dụng công nghệ để phục vụ con người đã cho thấy bước đầu hiệu quả”, ông Oren Teicher, Giám đốc điều hành Hiệp hội bán sách của Mỹ nhận định.

Minh chứng là một số nhà sách tư nhân đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng như máy in, máy scan, trong khi số khác lại quân tâm đến phương tiện truyền thông nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
XEM