Bên trong đế chế kinh doanh 'miễn nhiễm' trước đại dịch của BTS

13/06/2021 07:27 AM | Kinh doanh

Nhờ nền tảng người hâm mộ đông đảo trải khắp toàn cầu, Hybe vẫn tăng trưởng tốt thông qua hàng loạt sự kiện, biểu diễn trực tuyến trong thời kỳ đại dịch.

Trong ngành giải trí, thành công đồng nghĩa với việc luôn phải có những kế hoạch bảo đảm cho tương lai. Big Hit Entertainment đã trở nên nổi tiếng với nhóm nhạc nam đình đám BTS, và đây cũng là lý do những người đứng đầu đế chế này đang phải tính toán những bước đi tiếp theo để giữ vững thành công.

Trong suốt quá trình hoạt động kể từ khi bước chân vào ngành công nghiệp giải trí, Big Hit Entertainment - công ty chủ quản của nhóm nhạc nam BTS đã không ít lần thực hiện những thay đổi mang tính cách mạng, bao gồm cả việc đổi trụ sở công ty từ Gangnam - “trung tâm quyền lực” của K-pop tới khu vực phía Bắc sông Hàn. Mới đây nhất, Big Hit Entertainment tiếp tục khiến công chúng ngỡ ngàng khi tuyên bố đổi tên gọi đã quen thuộc sang tên “Hybe” cùng với câu slogan mới “We believe in music” (Chúng tôi tin vào âm nhạc).

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất âm nhạc trong một phạm vi rộng lớn hơn, không bị cản trở bởi biên giới,” CEO Hybe Lenzo Yoon cho biết.

Dù không giải thích về lý do chọn cái tên mới, song việc thay tên đổi họ ngay trong giai đoạn quan trọng này dường như đã thể hiện tham vọng đưa hoạt động kinh doanh của Hybe ra tầm thế giới.

Bên trong đế chế kinh doanh miễn nhiễm trước đại dịch của BTS - Ảnh 1.

BTS xuất hiện trong Tonight Show với Jimmy Fallon vào năm 2018. Ảnh: Getty Images

Hybe, công ty đứng sau hiện tượng BTS và nhiều nhóm nhạc Kpop khác tỏ ra lão luyện hơn các đối thủ cùng ngành ở Hàn Quốc trong việc tiếp cận thị trường âm nhạc ngoài châu Á.

Nhờ nền tảng người hâm mộ đông đảo trải khắp toàn cầu, Hybe vẫn tăng trưởng tốt thông qua hàng loạt sự kiện, biểu diễn trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, Hybe ghi nhận doanh thu tăng 36% so với năm 2019, bất chấp việc các nghệ sĩ không thể tổ chức các tour lưu diễn trực tiếp.

Riêng trong nửa đầu năm ngoái, BTS đem về 87,7% doanh thu của Hybe, góp công lớn giúp Big Hit Entertainment (tiền thân của Hybe) được định giá 4 tỷ USD.

Thế nhưng, việc các thành viên BTS phải tạm ngừng hoạt động để thực hiện nghĩa vụ quân sự chắc chắn sẽ đặt ra không ít rủi ro cho các cổ đông mới của Hybe. Câu hỏi đặt ra lúc này là Hybe cần phải làm gì để vượt qua điều này cũng như định hình tương lai của công ty.

Hiện tượng BTS

BTS là một trong những ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên chinh phục thành công thị trường Mỹ. Sản phẩm của nhóm xuất hiện ở khắp các trung tâm thương mại và làm nhạc nền cho nhiều video khoe vũ đạo trên TikTok. 7 thành viên cũng từng phát biểu trước Liên Hợp Quốc và là khách mời thường xuyên trên chương trình giải trí đêm chính thống ở Mỹ.

Đĩa đơn tiếng Anh thứ hai của BTS - "Butter", lọt vào Top 10 Spotify Streaming tại Mỹ chỉ hai tuần sau khi được phát hành, trong khi album gần nhất "Map of the Soul: 7" đã bám rễ hơn 60 tuần trên bảng xếp hạng BillBoard 200.

Nhân vật góp công cho chiến thắng thương mại của BTS chính là ông Bang Si-hyuk, nhà sáng lập Big Hit Entertainment (nay là Hybe), Nikkei Asia viết. Có biệt danh "Hitman", ông Bang bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu quân cho JYP, một trong các công ty lớn nhất K-pop hiện nay và sau đó tự tách ra để thành lập Big Hit vào năm 2005.

BTS phát hành album đầu tay vào năm 2013. Tuy nhiên, album này và các sản phẩm về sau vẫn không tạo được nhiều tiếng vang, bất luận ở quê nhà Hàn Quốc hay ở thị trường nước ngoài. Mãi tới năm 2015, BTS mới đạt được bước tiến lớn với mini album thứ ba, lấy chủ đề về tuổi trẻ.

Bên trong đế chế kinh doanh miễn nhiễm trước đại dịch của BTS - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Hybe qua các năm.


Đội quân hâm mộ nhiệt thành

Thành công của BTS sẽ không thiếu dấu chân của Army - đội quân người hâm mộ nhiệt thành bậc nhất K-pop.

Theo nhiều học giả nghiên cứu, Army có thể so sánh với những người yêu mến The Beatles. Âm nhạc của The Beatles khiến người hâm mộ say sưa qua nhiều thập kỷ và bất chấp chênh lệch về tuổi tác.

“Mối quan hệ giữa BTS và Army gần như là bạn bè, chứ không giống giữa những ngôi sao và người theo dõi đơn thuần", giáo sư Lee Ji-young của Đại học Sejong (Hàn Quốc) nhận xét.

Dù các nghệ sĩ Hàn Quốc từ lâu đã có lượng người theo dõi lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á thì Mỹ - thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, dường như lại khó chạm đến hơn.

Để tiếp cận với thị trường này, tháng 4 vừa qua, Hybe đã công bố một thỏa thuận giá trị ước tính 1 tỷ USD để mua lại 100% cổ phần của "đế chế" Ithaca Holdings, tức chủ sở hữu của SB Projects - công ty giải trí quản lý những ngôi sao đình đám như Justin Bieber, Ariana Grande....

Tham vọng của Hybe là đưa các nghệ sĩ của Ithaca lên Weverse, một nền tảng do công ty chủ quản BTS phát triển bằng cách kết hợp các chức năng của Twitter, Instagram và YouTube thành một kênh tích hợp để nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ.

"K-pop liên tục phát triển nhưng không có diễn đàn nào để fandom quốc tế có thể tụ họp để giao lưu và kết nối. Chúng tôi cảm thấy chúng ta cần một không gian để người hâm mộ khắp mọi nơi có thể giao lưu với nghệ sĩ mà không tồn tại rào cản ngôn ngữ... Đó chính là Weverse", CEO Bang Si-hyuk chia sẻ.

Bên trong đế chế kinh doanh miễn nhiễm trước đại dịch của BTS - Ảnh 3.

Những người hâm mộ của BTS giữ khoảng cách khi theo dõi "online concert" của nhóm. Ảnh: Reuters


Quả ngọt

Chiến lược tiếp cận của Hybe với người hâm mộ đã mang lại quả ngọt, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.

Một báo cáo gần đây của Samsung Securities cho thấy trong quý IV/2020, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Big Hit đạt 52,5 tỷ won (khoảng 47 triệu USD), tăng 122% so với cùng kỳ, bất chấp việc công ty không thể tổ chức bất kỳ hoạt động tụ tập trực tiếp nào như các buổi hòa nhạc, ký tặng fan...

Doanh số album, các buổi hòa nhạc trực tuyến và các hàng hóa liên quan đến thần tượng như quần áo, poster... là yếu tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng trên. Tốc độ tăng trưởng của Hybe vượt xa cả những tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới như Universal Music Group (tăng 3,8%), Sony Music (tăng 9%).

Mài giũa những “viên ngọc mới”

Những nỗ lực của Hybe trong việc tiếp cận các thị trường mới, thử nghiệm các lĩnh vực âm nhạc mới trong thời gian qua cho thấy đế chế này đã hiểu rằng, BTS - tương tự hầu hết nhóm nhạc khác, đều không thể mãi duy trì vị thế hàng đầu.

Tháng 12 năm ngoái, cơ quan lập pháp của Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật cho phép các thành viên của BTS hoãn thực hiện nghĩa vụ bắt buộc cho đến tuổi 30. Nhóm nhận được đặc quyền này nhờ những đóng góp trong việc quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài. Dự luật mới được cho là sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tổn thất mà BTS phải chịu do quãng thời gian vắng mặt làm gián đoạn sự nghiệp.

Câu hỏi đặt ra cho Hybe là liệu công ty có thể tìm ra những “viên ngọc mới” thay thế đàn anh BTS để bù đắp tổn thất doanh thu trong thời gian nhóm vắng mặt hay không.

Hybe nhiều khả năng sẽ tăng cường quảng bá cho các nhóm nhạc hiện có như Enhypen và TXT. Công ty gần đây cũng đã ký kết dự án hợp tác chiến lược cùng YG Entertainment - công ty đại diện cho nhóm nhạc nữ hàng đầu Kpop BLACKPINK. Bên cạnh đó, Hybe cũng mở rộng hơn nữa đế chế của mình, lấn sân sang lĩnh vực mạng xã hội, giáo dục...

“Hybe đang làm những thứ mà các công ty khác từng làm trước đây, nhưng điểm khác biệt là họ làm nhanh hơn và đầu tư mạnh tay hơn", bà Jenna Gibson, giảng viên tại Đại học Chicago nhận xét. “Ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để kết luận bất kì điều gì”.

Năm 2020, nhóm nhạc 7 thành viên đã đạt cú hit với với single 'Dynamite'. Theo Bộ văn hóa Hàn Quốc, chỉ riêng bài hát đã giúp đem lại hiệu quả kinh tế trị giá 1,43 tỷ USD cho nước này thông qua xuất khẩu hàng hóa, tạo ra 8.000 việc làm trong ngành du lịch...

Đỗ Hiền

Từ khóa:  bts , hàn quốc , idol
Cùng chuyên mục
XEM