Bán cơm rang ở Hà Nội cũng có thể thu tiền tỷ nếu hiểu được những điều cơ bản sau

27/02/2017 09:43 AM | Xã hội

Người kinh doanh muốn thành công thì điểm mấu chốt luôn là hiểu đúng đối tượng khách hàng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.

"Cho em một cơm rang tôm, 2 cơm rang xá xíu nhé!". Một nhóm 3 cô gái làm văn phòng bước vào quán cơm rang nằm gần ngã ba đường Vũ Trọng Phụng. Ngoài kia, tiếng xẻng đảo cơm lách cách vẫn không ngừng từ thời điểm giờ nghỉ trưa. Chị chủ quán chia sẻ mỗi buổi trưa chị bán khoảng 50 suất cơm rang. Thi thoảng có những nhóm gọi lẩu hoặc vài người ăn cháo hoặc xôi nhưng cơm rang vẫn là mặt hàng chủ lực. Tính nhẩm mỗi đĩa cơm giá 40 nghìn đồng, kết hợp bán đồ ăn sáng, quán cơm này có thể thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Tại sao quán lại đông khách đến vậy trong khi quán phở cách đó không xa, cũng có cơm rang nhưng khá vắng vẻ? Nếu nhìn thật kỹ, mô hình tưởng chừng đơn giản này lại chứa đựng những bài học kinh doanh nếu hiểu rõ mới thấy sự tài tình của cô chủ quán.

Bài học 1: Tôi không bán cơm rang dưa bò

Nói đến ăn cơm rang ngoài tiệm, phần lớn mọi người sẽ nghĩ tới một quán phở nào đó với món cơm rang dưa bò phổ biến. Thế nhưng quán cơm này lại không có cơm rang dưa bò, thay vào đó là những món lạ hơn như cơm rang xá xíu, gà cay, cơm rang tôm hay ba chỉ mắm tép. Đi ngược đám đông, tạo sự khác biệt chính là điểm thành công đầu tiên với cô chủ này.

Phần lớn thực khách vào quán là nhân viên văn phòng làm đủ nghề từ ngân hàng, kế toán đến truyền thông của mấy tòa nhà xung quanh. Đây là nhóm khách hàng được cho là khá trung thành. Lựa chọn ăn uống lâu dài của họ là những quán ăn hay món ăn được nấu trực tiếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn lạ miệng.

Bài học 2: Tôi bán cho nhân viên văn phòng, không phải khách vãng lai

Như đã nói ở trên, nhóm khách hàng mục tiêu là nhân viên văn phòng nên cách lựa chọn phục vụ cũng được cô chủ quán cá biệt hóa. Cách bài trí nội thất theo hướng quán cà phê với cửa kính đón ánh sáng, bàn ghế lịch sự thay vì ghế nhựa như những quán phở thường thấy. Với cách thiết kế nội thất như vậy, việc các anh chị văn phòng chưa có người yêu cũng có thể chọn đây làm điểm đến vừa ăn trưa vừa hẹn hò.

Vị trí của quán là khu tập trung khá đông đúc dân công sở, cũng có nhiều quán cà phê cơm văn phòng mọc lên nhưng việc chọn kinh doanh cơm rang là điểm khá khác biệt. Điều này khiến khách hàng dễ nhớ khi muốn đổi món mà vẫn đảm bảo tiêu chí quán sạch, đẹp, có cà phê.

Bài học 3: Tại sao lại là cơm rang mà không phải cơm thường?

Chọn cơm rang kinh doanh ngoài tạo khác biệt, cô chủ quán cũng giải quyết luôn bài toán về chế biến. Một quán cà phê cơm văn phòng bình thường chế biến thường phải có thực đơn và có khá nhiều món để khách hàng cảm thấy đa dạng trong sự lựa chọn. Tuy nhiên quán cơm này chỉ giới hạn 5 món và các nhóm thức ăn như xá xíu, gà, tôm đã được chế biến sẵn.

Tất cả đều cùng một loại cơm rang chỉ khác nhau thành phần thức ăn bày phía trên nên khi thời gian phục vụ khá nhanh chóng cũng như chế biến dễ dàng. Lại nói về canh phục vụ cho cơm rang, tất cả đều đồng loạt là nước dùng có rắc thêm hành như tại các quán phở thường gặp. Vì điều này đã phổ biến nên hiếm khi khách hàng chê đơn điệu hay đòi hỏi phải có canh rau như tại các quán cơm thường nên cũng giúp tiết giảm chi phí.

Rút ngắn được thời gian chế biến, thời gian thưởng thức của khách hàng khiến cho dòng lưu chuyển khách hàng luôn liên tục, đẩy nhanh doanh thu.

Ngoài ra việc chọn giá 40 nghìn cho một bữa ăn trưa với vị trí ngồi đẹp, đồ ăn nhanh ghi điểm trong mắt dân văn phòng vốn luôn bận rộn, tiết kiệm thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi.

Bài học rút ra ở đây cũng là điều cốt lõi đơn giản: Người kinh doanh muốn thành công thì điểm mấu chốt luôn là hiểu đúng đối tượng khách hàng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.

Những người vượt đèn đỏ, đừng mong có được thành công trong cuộc sống

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM