Nhận "tối hậu thư", doanh nghiệp kinh doanh tàu thuyền tại Hồ Tây đứng trước nguy cơ phá sản

17/02/2017 21:34 PM | Kinh doanh

Ngày 16/2, UBND quận Tây Hồ đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi, du thuyền tại Hồ Tây yêu cầu chấm dứt hoạt động và tháo dỡ, di dời ra khỏi khu vực Hồ Tây trước ngày 10/3.

Tối hậu thư chấm dứt hoạt động và di dời xong trước 10/3

Đây là tối hậu thư dành cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, du thuyền tại Hồ Tây, Hà Nội.

Tại buổi làm việc giữa UBND phường Thụy Khê và các doanh nghiệp sáng 16/2, ông Vũ Bá Đông, Phó Chủ tịch UBND Phường Thụy Khuê yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm tục việc dừng hoạt động và di dời theo thông báo của UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành.

UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu nhà nổi, du thuyền hoạt động trên Hồ Tây phải di dời do che chắn cảnh quan hồ và gây ô nhiễm môi trường nước.

Ngay sau buổi làm việc, chiều 16/2, UBND Quận Tây Hồ đã gửi thông báo số 174 đến các doanh nghiệp yêu cầu thực hiện ba nội dung.

Thứ nhất, chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý của Hồ Tây.

Thứ hai, tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (gần khu vực Công viên nước) xong trước ngày 25/2.

Thứ ba, tổ chức tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện thủy nội địa (tàu, thuyền, phương tiện nổi) ra khỏi Hồ Tây xong trước ngày 10/3.

Trong quyết định mới này UBND quận Tây Hồ đã gia hạn thêm thời gian cho các doanh nghiệp, trong thông báo trước đó, các doanh nghiệp phải thực hiện xong trước ngày 20/2, nay được kéo dài thêm thời gian, và hoàn thành trước ngày 10/3.


Công văn của UBND quận Tây Hồ gửi các DN ngày 16/2 (ảnh Hải Minh - NDH)

Công văn của UBND quận Tây Hồ gửi các DN ngày 16/2 (ảnh Hải Minh - NDH)

Doanh nghiệp muốn được định giá tài sản và bồi thường

Bà Lê Thị Minh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Hồ Tây cho biết việc di dời các du thuyền, nhà hàng nổi tại Hồ Tây được bắt đầu từ năm 2009. Tại thời điểm đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về việc bảo đảm cảnh quan Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu các doanh nghiệp có tàu, thuyền kinh doanh trên Hồ Tây dọc tuyến đường Thanh Niên di chuyển bến neo đậu đến địa điểm tạm thời tại số 2 – 10 Thụy Khuê.


Chấm dứt hoạt động, các DN đứng trước nguy cơ tay trắng(ảnh Hải Minh - NDH)

Chấm dứt hoạt động, các DN đứng trước nguy cơ tay trắng(ảnh Hải Minh - NDH)

Đến năm 2010, dự án mở rộng vườn hoa Lý Tự Trọng hoàn thành, các bến neo đậu tàu thuyền tại đường Thụy Khuê gây chắn tầm nhìn mất mỹ quan đô thị, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ tìm một địa điểm khác phù hợp để làm bến neo đậu cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trên Hồ Tây.

Theo bà Minh Phương, trong nhiều lần làm việc với phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ và UBND TP Hà Nội các doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương di dời tàu, thuyền ra khỏi khu vực Hồ Tây để cải tạo làm đẹp cảnh quan hồ, phát triển du lịch Hồ Tây xứng tầm đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp như bà Phương rất mong muốn được chính quyền hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền vào đây và đang đứng trước nguy cơ phá sản, hàng chục lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.

Vị Giám đốc Công ty Dịch vụ Hồ Tây cho biết các doanh nghiệp kinh doanh tại Hồ Tây được cấp phép sử dụng mặt nước 30 năm nên mới mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, làm các công trình tốn kém nhưng hiện nay mới sử dụng được 13 năm, vẫn còn 17 năm nữa.

“Bây giờ di dời bán sắt vụn chúng tôi thua lỗ quá, cần có sự định giá để bồi thường hỗ trợ chúng tôi không để doanh nghiệp mất trắng”, bà Minh Phương bày tỏ.

Tàu của công ty TNHH Nhuận Mai chuẩn bị di dời ra khỏi Hồ Tây (ảnh Hải Minh - NDH)

Ông Phương Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây cho biết các doanh nghiệp chấp hành chủ trương của thành phố và đã thuê các phương tiện để tổ chức tháo dỡ, di dời tuy nhiên điều doanh nghiệp băn khoăn là thành phổ yêu cầu di dời lên Đầm Bảy nhưng lại không phân vị trí cụ thể cho doanh nghiệp.

“Khi không định vị được nơi đỗ cụ thể, doanh nghiệp không thể xây dựng cầu cảng, không biết neo đậu tàu thuyền vào đâu”, ông Hùng cho hay.


Doanh nghiệp đã chuẩn bị phương tiện để di dời tàu (ảnh Hải Minh - NDH)

Doanh nghiệp đã chuẩn bị phương tiện để di dời tàu (ảnh Hải Minh - NDH)

Bản thân doanh nghiệp trong quá trình thực hiện di dời đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc thuê dỡ và cả bị xử phạt. Ông Đỗ Việt Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai cho biết công ty đã tổ chức kéo tàu lên Đầm Bảy thực hiện theo đúng yêu cầu, tuy nhiên công ty đã bị lực lượng chức năng phường Nhật Tân xử phạt vì hành vi đóng cọc xuống Hồ Tây. “Không đóng cọc thì sao giữ được thuyền, mà đóng cọc thì phải nộp phạt”, ông Việt Anh nói.

Hiện tại các doanh nghiệp mong muốn nhất là được chính quyền hỗ trợ bồi thường để tránh nguy cơ phá sản, tay trắng. “Chúng tôi dự định sẽ mời đơn vị định giá tài sản, và mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là được bồi thường tài sản. Số tiền chúng tôi bỏ vào đây đầu tư rất lớn trong khi thời gian được phép kinh doanh trên mặt nước vẫn còn 17 năm”, bà Minh Phương, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Hồ Tây nói.

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM