Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty?

26/05/2018 10:41 AM | Kinh doanh

LTS: Như đã thông tin, sau phiên xử sơ thẩm vụ án Huyền Như giai đoạn 2 hồi tháng 2-2018, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc và chuyên gia pháp lý về việc Huyền Như phạm tội gì, tham ô tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Song song đó là trách nhiệm dân sự trong vụ án, ai phải bồi thường thiệt hại cho năm công ty bị chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng, Huyền Như hay là VietinBank?

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin lược trích và giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.

Luật sư (LS) LÊ VĂN BÌNH, Đoàn LS TP.HCM:

Huyền Như tham ô tài sản

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 1.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH

Nội dung vụ án cho thấy việc đăng ký thủ tục mở tài khoản thanh toán tiền gửi của năm công ty tại VietinBank là có thật, hợp lệ và hợp pháp, đúng với quy định của pháp luật.

Ban đầu Huyền Như đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối như ký giả các chữ ký trong các hợp đồng nhưng ở giai đoạn này, cả năm công ty đều chưa gửi tiền vào VietinBank và do đó, với hành vi dùng thủ đoạn gian dối ở giai đoạn này, Huyền Như không chiếm đoạt được tiền của năm công ty.

Sau khi cả năm công ty đăng ký thủ tục mở tài khoản thanh toán tiền gửi tại VietinBank (với mục đích gửi tiền để nhận lãi suất cao) và đã chuyển tiền vào tài khoản, được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán, Huyền Như mới lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại VietinBank để dùng nhiều thủ đoạn gian dối tiếp theo. Cụ thể, Huyền Như giả chữ ký của chủ tài khoản và con dấu của năm công ty, lập các phiếu chi và phê duyệt trên cương vị kiểm soát viên, đồng thời tự hạch toán trên máy tính để chuyển toàn bộ số tiền gửi của năm công ty ra khỏi hệ thống tiền gửi tại VietinBank và chiếm đoạt. Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại VietinBank để chiếm đoạt tiền của năm công ty gửi tại VietinBank nên phải xác định tội danh của Huyền Như là tham ô tài sản.

LS VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Ngân hàng phải bồi thường!

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 2.

LS VŨ PHI LONG

Khi xảy ra những vụ việc “bốc hơi” tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng (NH) với số lượng khá lớn gần đây, dường như các NH đã có sự lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp trong xử lý. Thường các NH trông chờ vào sự can thiệp, kết luận và đưa ra hướng xử lý từ cơ quan điều tra và kết quả là trong một số trường hợp lại phát sinh nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều giữa ứng xử của NH và dư luận.

Theo tôi, nếu người chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tại NH là người có chức vụ, quyền hạn ở NH, sử dụng nghiệp vụ, hệ thống tín dụng hoặc các thủ tục tài liệu, chứng từ của NH như là phương tiện, thủ đoạn để phạm tội thì chính NH đó phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 3.

Hai bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: NN

LS TRẦN VĂN HOÀNG, Đoàn LS TP.HCM:

Lỗi thuộc ai thì người đó bồi thường

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 4.

LS TRẦN VĂN HOÀNG

Khi NH nhận tiền gửi của khách hàng thì NH phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng tiền của khách hàng đúng mục đích; nếu vì bất kỳ lý do gì mà NH để cho bất kỳ ai hoặc nhân viên của NH chiếm đoạt tiền của khách hàng thì NH phải có trách nhiệm trực tiếp đối với khách hàng.

Trong trường hợp này, khi tiền của khách hàng đã nằm trong tài khoản do VietinBank quản lý thì VietinBank phải có trách nhiệm đối với đồng tiền của khách hàng, thực hiện theo lệnh của khách hàng và sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

VietinBank đã không quản lý chặt chẽ nên để cho nhân viên của mình dùng chứng từ giả rút tiền của khách hàng để chiếm đoạt thì VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường.

LS NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn LS TP.HCM:

Năm công ty không có lỗi

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 5.

LS NGUYỄN VĂN HỒNG

Năm công ty này không giao dịch với cá nhân Huyền Như mà giao dịch với một Huyền Như lúc đó có tư cách là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Vì vậy, những thông tin về nhu cầu huy động vốn kinh doanh, đầu tư, về lãi suất trần và vượt trần kèm theo mà Huyền Như đưa ra thỏa thuận với các công ty phải được hiểu là những thông tin của VietinBank Chi nhánh TP.HCM.

Các công ty với tư cách là doanh nghiệp khách hàng, hoạt động kinh doanh đầu tư có quyền chọn NH nào có mức lãi suất thu hút để đầu tư, sinh lợi nhuận. Điều này các công ty không có lỗi.

Lỗi mức lãi suất vượt trần (nếu có) là thuộc về NH huy động vốn. Điều cần lưu ý là quy định “cấm huy động vốn với mức lãi suất vượt trần” chỉ áp dụng đối với NH.

Chuyên gia kinh tế TRẦN NGUYỄN MINH HẢI, giảng viên ĐH NH:

Cần khôi phục niềm tin của người dân

Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? - Ảnh 6.

TRẦN NGUYỄN MINH HẢI

Ba rủi ro lớn nhất và phổ biến nhất mà một NH thường phải chấp nhận đối mặt đó là rủi ro tín dụng, rủi ro kinh doanh và rủi ro tác nghiệp. Rủi ro tác nghiệp bao gồm rủi ro con người, rủi ro công nghệ, rủi ro uy tín, rủi ro do rửa tiền và lừa đảo.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy những NH khi gặp phải rủi ro tác nghiệp từ các gian lận bên trong của các cán bộ quản lý, nhân viên NH do hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ yếu kém và cố tình che giấu thì dù NH có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong

nền kinh tế thì đều phải đền bù thiệt hại cho khách hàng gửi tiền, các nhà đầu tư, thậm chí ngay cả NH trung ương cũng không cứu cánh và một số NH lớn tưởng chừng như “quá lớn để thất bại” cũng bị cấm hoạt động tại một số thị trường, buộc phải phá sản hoặc tư nhân hóa, uy tín quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng (Credits Lyonnais, BCCI, Daiwa - Chi nhánh New York, Barings, Banker Trust, Natwest Market).

Nếu trong phiên tòa phúc thẩm tới, VietinBank được tòa tuyên xử không liên quan đến việc bồi thường cho các khách hàng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tất nhiên VietinBank được hưởng lợi trước mắt vì không phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng do cho rằng lỗi sai nằm ở cán bộ quản lý, nhân viên của VietinBank. Nhưng xét về bình diện chung, điều đó sẽ gây ra nhiều cái hại về lâu về dài, chẳng hạn uy tín trong nước và quốc tế của NH liên can bị ảnh hưởng nặng nề, niềm tin của người dân vào NH ấy bị xói mòn; các nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập do vấn đề pháp lý về quyền lợi cho nhà đầu tư chưa được bảo đảm.

Luật sư của SBBS: Chính VietinBank mới là bị hại

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2-2018, LS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) phân tích: Cáo trạng quy lỗi cho SBBS khi cho rằng SBBS mở tài khoản tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM là do (nghe theo lời) "dẫn dụ" ký hợp đồng, mở tài khoản của Huyền Như để Như dễ dàng chiếm đoạt tiền của SBBS khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của Như. Thực tế, các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do SBBS ký với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc SBBS bị Huyền Như chiếm đoạt tiền trong tài khoản đó. Tiền của SBBS chuyển vào tài khoản của mình mở tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM vẫn chưa bị mất. Chỉ đến khi Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ NH để rút số tiền 210 tỉ đồng từ tài khoản của SBBS tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM thì số tiền đó mới bị mất...

Các thủ đoạn gian dối được Huyền Như áp dụng là: giả chữ ký của chủ tài khoản, làm giả con dấu của SBBS để đóng vào lệnh chuyển tiền, lừa các giao dịch viên và chính Huyền Như ký tên với tư cách kiểm soát viên để chuyển tiền đi theo các địa chỉ của Huyền Như. Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ VietinBank Chi nhánh TP.HCM mới là nguyên nhân trực tiếp, tất yếu dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền. Vì Huyền Như chiếm đoạt trong tình trạng tiền đang được VietinBank Chi nhánh TP.HCM giữ và phải thực hiện các dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của chủ tài khoản SBBS.

SBBS không phải là người bị lừa trong thủ đoạn gian dối này. Nạn nhân của các thủ đoạn gian dối này chính là VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Họ mới chính là đơn vị bị hại (nguyên đơn dân sự) trong hành vi của Huyền Như chiếm đoạt 210 tỉ đồng của SBBS. Và như vậy, SBBS không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án...

Triệu tập lãnh đạo VietinBank TP.HCM

HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán: Đặng Văn Thành (chủ tọa), Võ Văn Cường và Huỳnh Sáng. Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM tham gia phiên tòa phúc thẩm là kiểm sát viên Hồ Sỹ Hoàn.

Tòa đã triệu tập năm nguyên đơn dân sự gồm: SBBS, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc. VietinBank và 17 cá nhân được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có nguyên giám đốc, phó giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Văn Sẽ và Nguyễn Thị Minh Hương, phó giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM Trương Minh Hoàng.

Theo Lê Anh

Cùng chuyên mục
XEM