6 kiểu ế phổ biến đi đâu cũng có thể gặp trong xã hội hiện đại

30/09/2017 11:27 AM | Sống

Trước đây, ế chỉ đơn giản là ế. Nhưng cùng với sự phát triển vũ bão của xã hội, ế, hay thân mật hơn thì là FA (forever alone), ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã.

Và sau đây, dựa theo kinh nghiệm của bản thân, tôi xin phép liệt kê một số "chủng loại" FA phổ biến mà chúng ta hay gặp trong xã hội .

1. Quý tộc độc thân

Họ là những người đã giành cả tuổi thanh xuân để phấn đấu, gây dựng sự nghiệp. Sau khi đã đạt tới ngưỡng ổn định, họ mới giật mình nhận ra cuộc sống cô đơn thật nhàm chán và ráo riết đi tìm nửa còn lại của đời mình.

Thường thì kiểu FA này hơi khó tìm "gấu". Vì tuổi thanh xuân của họ chỉ là một cuộc chạy đua với kiến thức. Cuộc sống của họ va chạm, cọ xát với những thứ vô cùng khô khan, học thuật, nên một việc rất "đời" như yêu trở nên khó khăn.

Hơn thế nữa, dạng FA này thường đặt tiêu chuẩn cao, yêu là cưới, chứ không còn thời gian cho những xu thế thời thượng bây giờ như thả thính, trà sữa, dạo phố…

2. Hội chứng sợ yêu

Đây cũng là một dạng rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Nhóm này tập trung những nam thanh, nữ tú ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thường là có va chạm sớm với văn hóa phương tây, đề cao sự độc lập, tự chủ.

Tâm sinh lý của nhóm này vô cùng phức tạp: Họ vẫn có những rung cảm với người khác giới, vẫn thích, tán tỉnh, nhưng khi bước đến giai đoạn yêu thì bỗng dưng sợ hãi, ngột ngạt.

Đây là những đại diện tiêu biểu nhất cho những mối quan hệ vẫn chưa được chấp nhận phổ biến trong văn hóa Á Đông như One night stand (tình một đêm), FWB (friend with benefits)… Họ chỉ cần giải quyết nhu cầu sinh lý, chứ không thích những sự ràng buộc đặc thù của tình yêu.

3. Trai xinh, gái đẹp

Quả có chút ngược đời, nhưng thực tế đã chứng minh: Những cô nàng, anh chàng có ngoại hình quá đẹp lại thường rất khó có người yêu. Thứ nhất là do ai nhìn vào cũng nghĩ "đẹp thế này kiểu gì chả là hoa đã có chậu, mình làm sao với tới được".

Thứ hai, do bản thân họ cũng ý thức được sự vượt trội về ngoại hình của bản thân nên tiêu chuẩn chọn người yêu rất cao. Đôi khi những mỹ nam, mỹ nữ này hay bị mặc định phải đeo theo cái mác "kiêu, chảnh", nên càng khó tiếp xúc với một nửa của đời mình.

4. Lập dị, cá tính

Nhóm này đích thị là sản phẩm của xã hội hiện đại. Sự va đập dữ dội của văn hóa phương Tây vào Việt Nam đã tạo ra một nhóm người thần tượng hóa một lối sống nào đó có phần tiêu cực.

Ví dụ như câu chuyện về huyền thoại phượt thủ Christopher McCandless, bỏ tất cả vinh quang và mối quan hệ ở lại, một mình chinh phục Alaska vô tình đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người.

Hay như bộ phim về một ông bố chủ động xa lánh cuộc sống hiện đại, đưa tất cả các con vào rừng sinh sống như thổ dân, cũng được một bộ phận tán dương. Họ cho rằng cuộc đời quá ngắn, tại sao phải tự ràng buộc bản thân vào những mối quan hệ truyền thống.

Bên ngoài kia thế giới rộng lớn, tại sao chúng ta không dám thử những điều mà rất ít người làm. Và thế là những cô, cậu nhắm mắt chạy theo một lối sống có phần lập dị và cho rằng bản thân đang làm những điều ít người dám làm.

5. Quá lãng mạn, bay bổng

Đích thị đây là con nghiện những cuốn tiểu thuyết ngôn tình. Những con tin của ngôn tình cho rằng, xã hội quá thực dụng. Tình yêu phải là thứ gì đó bay bổng, lãng mạn, thoát tục, chứ không thể thực dụng như chuyện cơm áo gạo tiền được.

Vậy nên thay vì chờ đợi một tình yêu bình thường, những thành viên trong nhóm này thường có xu hướng chờ đợi một bạch mã hoàng tử, một kẻ sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu.

Chỉ cần có một dấu hiệu nhỏ của sự thực dụng thì dù có say mê đối tượng đến mấy, những tín đồ của ngôn tình cũng sẽ dễ dàng chán nản và thất vọng.

6. Những người không theo kịp thời đại

Tình yêu của bây giờ và của 30 năm trước khác nhau một trời một vực. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người lấy tiêu chuẩn mà ông bà, bố mẹ của họ đề cao để tìm bạn đời trong thời đại này.

Ví dụ một cô gái phải còn nguyên trinh trắng mới thật sự là người ngoan ngoãn, sống lành mạnh; một chàng trai phải có chí tiến thủ, không cờ bạc, rượu chè, không hình xăm… mới đúng nghĩa là người để dựa dẫm.

Xã hội phát triển, tiêu chuẩn để đánh giá con người cũng đã khác đi rất nhiều. Nếu đến cả thời ông bà chúng ta cũng đã ý thức được chuyện không nên "trông mặt mà bắt hình dong" thì tại sao 30 năm sau câu nói đó, chúng ta vẫn đánh giá con người dựa trên hình thức và "phông bạt" mà họ căng ra?

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM