28-35 tuổi vẫn gặp khủng hoảng vì lương tăng chậm, không được công nhận đúng mức, ông Hoàng Nam Tiến bày cách: Nhảy việc hoặc đi học

22/10/2023 07:55 AM | Kinh doanh

Bạn sẽ lựa chọn phương án nào?

Trẻ nhỏ gặp khủng hoảng tuổi lên 3, thanh thiếu niên gặp khủng hoảng tuổi dậy thì, còn người lớn cũng gặp khủng hoảng của... tuổi trưởng thành. Khủng hoảng tuổi trưởng thành là trạng thái lo âu, mất phương hướng về mọi mặt trong cuộc sống, từ nghề nghiệp, tài chính đến các mối quan hệ.

Ở độ tuổi 28-35, nhân sự thường đã có một số mối quan hệ, làm ra ít tiền bạc, đạt được một vài thành tựu, có thể đang ở vị trí lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, họ cảm thấy rất bức bối ở vị trí trí của mình vì không được đánh giá đúng, mức lương không như kỳ vọng. Thông thường, tại một doanh nghiệp hay tổ chức, nếu năng lực không quá kém thì có thể được tăng đương sau mỗi 2-3 năm. Như vậy, sau 10 năm, mức lương có thể tăng được 5 bậc, mỗi bậc cách nhau 1 triệu - con số không quá đáng kể.

Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, có hai cách để nhân sự tăng lương cũng như thay đổi vị thế của bản thân: nhảy việc đi học.

Với phương án nhảy việc, nếu nhân sự có năng lực, khi chuyển sang một công ty khác, thu nhập thường sẽ tăng lên. "Sau 1-2 năm, bạn lại quay về công ty cũ. Khi ấy bạn được coi là người mới, ở một vị trí khác, thu nhập cũng tăng lên 30%", ông Tiến chia sẻ bí quyết tại Toạ đàm Phát triển sự nghiệp thời suy thoái. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cũng lưu ý, phương án này có rủi ro vì khi quay về công ty cũ có thể đã "mất chỗ".

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT

Trong khi đó, đi học là một phương án tốt hơn.

"Hãy dám dừng lại để đi học. Sau khi học, các anh chị xuất hiện ở công ty mới với toàn bộ những điều tốt đẹp mình đã có, được dán nhãn vào một trình độ khác. Kinh nghiệm chúng tôi khi đào tạo bậc thạc sĩ, nếu như lúc bắt đầu trình độ trình bày của các bạn được 6 điểm thì sau đó sẽ được 8 điểm. Bạn nói năng có ý tứ rõ ràng, biết cách chốt hạ, tô điểm, khoa học và có lý luận. Tôi nghĩ tuổi đi học phù hợp nhất là 28-35. Tự làm mới bản thân, khi quay về doanh nghiệp sẽ được cân nhắc ở vị trí khác biệt hơn", ông Tiến nói.

Lãnh đạo trường Đại học FPT chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân mình, năm nào cũng đi học 4-6 khóa học ngắn hạn. Hơn chục năm về trước, khi đang quản trị công ty doanh thu 700-800 triệu USD – lúc ấy là con số lớn, quản lý hàng nghìn người, ông Tiến hiểu rằng bản thân sắp gặp giới hạn kiến thức của mình.

"Tôi quyết định đi học. Tôi chọn 10 trường quản trị kinh doanh tốt nhất thế giới rồi ứng tuyển, xem trường nào nhận mình. Các ngôi trường đó đều có vòng "gửi xe", yêu cầu người học có hàng chục năm làm lãnh đạo, doanh thu trên 200 triệu USD, quản lý trên 400 người. Tôi quyết định học tại Walton College. Sau đó, chúng tôi quyết định đưa những khoá học như vậy về Việt Nam, ví dụ như Tâm lý học lãnh đạo, Authentic leader (Lãnh đạo đích thực)".

Tại FPT, Chủ tịch Tập đoàn - Trương Gia Bình cũng yêu cầu tất cả các lãnh đạo, dù ở bất kể vị trí nào, cũng phải đi học. Nếu cuối năm không nộp về chứng chỉ, nhân sự sẽ bị giữ thưởng. Trong 1-2 năm đầu tiên, nhân sự có thể học bất cứ khoá học ở lĩnh vực nào theo ý thích. Sau đó, công ty sẽ lựa chọn những khoá học để giúp nhân sự phát triển những kỹ năng có lợi có tổ chức. Ở mức độ cao hơn nữa, ví dụ khi Tập đoàn FPT đang tập trung đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, công ty sẽ lựa chọn những nhân sự để đào tạo chuyên sâu cho ngành này.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM