22 sân bay Việt Nam công suất chỉ bằng 1 sân bay Changi của Singapore hay Suvarnabhumi của Thái Lan

10/12/2019 07:24 AM | Kinh doanh

Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay, với tổng công suất hơn 90 triệu lượt khách, chỉ bằng công suất 1 sân bay quốc tế Changi (Singapore), hay công suất của sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan), theo phân tích của ông Lương Hoài Nam. Ông Nam cũng thay mặt Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất giải pháp mà theo ông là mang tính "đột phá" ...

"Đây là một trong những hướng phát triển chúng tôi nghĩ có thể đột phá", chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch - chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch", trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2019.

Một trong những nút thắt của thị trường hàng không hiện nay là các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Nha Trang... quá tải, nhiều thời điểm chưa được đáp ứng nhu cầu. Hạ tầng hàng không quá tải không chỉ là nút thắt cho chính ngành này mà còn ảnh hưởng tới phát triển du lịch, mà như ông Nam nói là "cực chẳng đã mới phải nhận diện và nói thẳng ra", bởi e ngại tính nhạy cảm, "khi mang tiếng "ông" ngành du lịch đổ trách nhiệm sang ngành khác".

"Nói nút thắt là đương nhiên. Hiện chúng ta có 22 sân bay, công suất hơn 90 triệu lượt, chỉ bằng công suất 1 sân bay quốc tế Changi ở Singapore, bằng công suất của 1 sân bay ở Bangkok - Suvarnabhumi".

22 sân bay Việt Nam công suất chỉ bằng 1 sân bay Changi của Singapore hay Suvarnabhumi của Thái Lan - Ảnh 1.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam.

"22 sân bay chúng ta công suất bằng 1 sân bay mới ở Kuala Lumpur của Malaysia. Đương nhiên nó là nút thắt. Đã là nút thắt thì phải tháo, tháo ra các ngành mới phát triển được", vị chuyên gia hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không chia sẻ.

Với lo lắng rất lớn về nhiệm vụ phát triển du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề xuất các giải pháp về các vấn đề hàng không, trong đó có vấn đề hạ tầng hàng không.

Bên cạnh các giải pháp về đẩy mạnh xây dựng nhà ga số 3 theo hướng tôn trọng thiết kế của Pháp mà Việt Nam đã bỏ tiền thuê, và đề xuất xây sân bay Long Thành theo hướng công - tư, ông Nam cũng đại diện TAB đưa ra một giải pháp mà ông cho là "đột phá".

"Thực tế, hạ tầng sân bay nước ta có hạ tầng dân dụng và quân sự. Hiện sân bay quân sự có hạ tầng rất tốt, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét một số sân bay quân sự có hạ tầng tốt, có điều kiện, có thể khai thác được cho dân sự. Đó sẽ là giải pháp giảm tải cho hạ tầng sân bay hiện có", ông Nam kiến nghị.

Ông cũng cho biết, TAB đã phân tích và thấy rằng có 2 sân bay quân sự rất phù hợp để khai thác lưỡng dụng - kết hợp quân sự và dân sự - là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phan Rang (tên chính thức là Sân bay Thành Sơn hoặc căn cứ không quân Phan Rang, Ninh Thuận).

Đại diện TAB cũng viện dẫn ví dụ từ sân bay quốc tế U-Tapao của thiên đường du lịch Pattaya, Thái Lan, vốn trực thuộc sự quản lý của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, nhưng nay được khai thác cho cả quân sự và dân sự.

"Nếu chúng ta có cách sử dụng một phần hạ tầng các sân bay quân sự như sân bay Biên Hòa hay sân bay Phan Rang cho mục đích dân dụng thì sẽ giảm tải đáng kể hạ tầng sân bay hiện nay, và cũng phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch rất tốt", ông Nam nói.

Trước đó, năm 2016, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng đồng ý việc chuyển các hoạt động bay huấn luyện quân sự thường xuyên của không quân từ 3 sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đến các sân bay lân cận, "nhường" không gian cho hàng không dân dụng.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM