18 nguyên nhân khiến bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, hay quên và thiếu tập trung

19/02/2024 20:00 PM | Sống

Sương mù não là một rối loạn chức năng nhận thức được đặc trưng bởi sự nhầm lẫn, các vấn đề về trí nhớ và thiếu tập trung. Đây không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.

Sương mù não, hay còn được gọi là "brain fog" trong tiếng Anh, là một thuật ngữ không chính thức được dùng để mô tả tình trạng không rõ ràng, mơ hồ trong tư duy và nhận thức. Người có triệu chứng sương mù não thường cảm thấy thiếu sự tập trung, khó ghi nhớ và gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin.

Sương mù não có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm thiếu ngủ, căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, một số bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc,...

1. Nguyên nhân gây sương mù não

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng sương mù não, nắm rõ các nguyên nhân này giúp cho việc chẩn đoán và kiểm soát được dễ dàng hơn.

- Căng thẳng

Theo Healthline, căng thẳng mãn tính có thể gây tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch và dẫn tới trầm cảm cũng như những mệt mỏi về tinh thần. Khi bộ não của bạn kiệt sức thì việc suy nghĩ, lý luận và tập trung sẽ trở nên khó khăn hơn.

- Rối loạn giấc ngủ

Chất lượng giấc ngủ kém có thể cản trở chức năng não của một người, theo nghiên cứu năm 2021 trên NCBI. Một người trưởng thành khỏe mạnh cần ngủ từ 8 - 9 giờ mỗi đêm, ngủ quá ít hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn tới kém tập trung và mơ hồ.

Bạn có thể bị sương mù não thường xuyên và nghiêm trọng nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ. Một số rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất bao gồm: mất ngủ, chứng ngủ rũ, hội chứng chân không yên và chứng ngưng thở khi ngủ.

Những rối loạn giấc ngủ đó có thể dẫn tới thiếu ngủ và mệt mỏi, từ đó gây ra các triệu chứng liên quan tới sương mù não như khó tập trung và khó hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc trong ngày.

- Thay đổi nội tiết tố

Nghiên cứu năm 2018 trên NCBI cho thấy sự thay đổi nội tiết tố cũng là một trong những nguyên nhân gây sương mù não. Mức độ hormone progesterone và estrogen tăng lên trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn tới tình trạng "nhớ nhớ, quên quên" và suy giảm nhận thức trong thời gian ngắn sau đó.

Tương tự, phụ nữ giai đoạn mãn kinh cũng có thể gặp chứng hay quên, kém tập trung và suy nghĩ mơ hồ do sự sụt giảm nồng độ estrogen.

- Ăn kiêng

Chế độ ăn uống cũng có thể đóng một vai trò quan trọng liên quan tới tình trạng sương mù não. Chẳng hạn sự thiếu hụt vitamin B12 có thể ảnh hưởng tới chức năng nhận thức do suy giảm chức năng não bộ. Trong đó nhóm bị dị ứng với các thực phẩm như đậu phộng, chế phẩm từ bơ sữa dễ có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 hơn cả.

Hãy thảo luận với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng thực phẩm để nhận lời khuyên thay thế phù hợp, đặc biệt cần tìm hiểu kĩ càng khi bắt đầu một chế độ ăn kiêng có sự cắt giảm dinh dưỡng.

- Tác dụng phụ của thuốc

Thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ bao gồm sương mù não. Sương mù não cũng có thể xảy ra sau điều trị ung thư (được gọi là "chemo brain" - tạm dịch là não hóa trị).

Nói chuyện với bác sĩ chủ trị để có cách đối phó với tác dụng phụ hoặc thay thế liều nếu được, tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không được dừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tình trạng sức khỏe

Một số tình trạng bệnh lý có liên quan tới viêm nhiễm, mệt mỏi hoặc sự thay đổi của lượng đường trong máu cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần và gây ra sương mù não. Cụ thể:

+ Dị ứng

Dị ứng hay viêm mũi dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, khói bụi có các triệu chứng đặc trưng bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Theo Health, một số người bị viêm mũi dị ứng đã báo cáo về các triệu chứng liên quan tới sương mù não như vấn đề về trí nhớ và khó tập trung.

18 nguyên nhân khiến bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, hay quên và thiếu tập trung- Ảnh 2.

Dị ứng hay viêm mũi dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, khói bụi có các triệu chứng đặc trưng bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi (Ảnh: Internet)

+ Bệnh Celiac và nhạy cảm với gluten

Bệnh Celiac và tình trạng nhạy cảm với gluten đều liên quan đến sương mù não thông qua cơ chế dị ứng hoặc nhạy cảm với gluten, một loại protein có trong lúa mì và một số loại ngũ cốc khác. Khi người mắc bệnh Celiac ăn phải thực phẩm chứa gluten, hệ miễn dịch của họ phản ứng bằng cách gây viêm và tổn thương niêm mạc ruột non, dẫn đến một loạt các vấn đề tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết do tổn thương ruột gây ra có thể dẫn đến sương mù não do não bộ không nhận đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để hoạt động hiệu quả.

Tình trạng nhạy cảm với gluten không phải là bệnh Celiac, nhưng những người có tình trạng này khi tiêu thụ gluten cũng có thể trải qua các triệu chứng tương tự như tiêu hóa kém và sương mù não.

Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra sương mù não do mất cân bằng trong cơ thể, khó khăn trong việc hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng cũng như phản ứng viêm toàn thân có thể ảnh hưởng đến chức năng não.

+ Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS, còn được gọi là viêm cơ não tủy/hội chứng mệt mỏi mạn tính [ME/CFS])

Hội chứng mệt mỏi mãn tính gây ra tình trạng mệt mỏi cả về nhận thức và thể chất kéo dài trên 6 tháng. Hiện tại nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định nhưng có một số bằng chứng cho thấy tình trạng viêm lan rộng trong não có thể là thủ phạm. Kết quả là người bị CFS thường gặp các triệu chứng sương mù não như thiếu tập trung và suy nghĩ chậm chạp.

+ Xơ gan

Xơ gan là một tình trạng mãn tính tại gan khiến các mô sẹo hình thành trong gan do nghiện rượu, viêm gan C. Những người bị xơ gan có thể phát triển bệnh não gan - một rối loạn thần kinh có ảnh hưởng tới chức năng nhận thức do cơ thể tích tự amoniac vì gan không thể chuyển hóa được, amoniac đi vào não và gây ra sương mù não. Não gan nghiêm trọng có thể dẫn tới hôn mê.

18 nguyên nhân khiến bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, hay quên và thiếu tập trung- Ảnh 3.

Những người bị xơ gan có thể phát triển bệnh não gan (Ảnh: Internet)

+ COVID-19

COVID-19 có thể gây ra sương mù não do một số cơ chế khác nhau. Nhiễm trùng do virus SARS-CoV-2 có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm cục bộ hoặc toàn thân, ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch và có thể gây rối loạn trong quá trình cung cấp oxy và dưỡng chất đến não. Thêm vào đó, các triệu chứng COVID-19 như sốt cao, mệt mỏi và khó thở cũng có thể góp phần làm suy giảm tư duy và gây sương mù não.

Ngoài ra, những người hồi phục sau COVID-19, đặc biệt là những trường hợp bị "hậu COVID" hoặc "COVID kéo dài", trong đó sương mù não là một trong những triệu chứng thường gặp. Các nghiên cứu cho thấy rằng sương mù não có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau khi hồi phục, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

+ Hội chứng đau cơ xơ hóa

Hội chứng đau cơ xơ hóa, hay còn gọi là fibromyalgia, là một trong những rối loạn mạn tính gây đau nhức cơ bắp và mệt mỏi. Một trong những triệu chứng phổ biến mà người bệnh fibromyalgia thường gặp phải là sương mù não, hay còn gọi là "fibro fog".

Sương mù não ở những người mắc hội chứng đau cơ xơ hóa thường biểu hiện qua sự khó khăn trong việc tập trung tư duy, ghi nhớ và thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày. Mặc dù nguyên nhân chính xác của "fibro fog" chưa được hiểu rõ nhưng các yếu tố như mất ngủ, đau mãn tính và căng thẳng tinh thần được cho là có liên quan đến tình trạng này.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ, quản lý đau và giảm căng thẳng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của sương mù não liên quan đến hội chứng đau cơ xơ hóa.

+ Suy thận

Suy thận khiến chất thải và chất lỏng bị dư thừa trong cơ thể. Suy thận có thể liên quan đến sương mù não do chức năng lọc và loại bỏ chất cặn của thận bị suy giảm. Khi thận không thể loại bỏ chất thải và chất độc hại khỏi cơ thể một cách hiệu quả, nồng độ các chất này trong máu tăng lên, có thể gây ra độc tính cho não và các cơ quan khác.

Điều này có thể dẫn đến sương mù não, làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin. Ngoài ra, suy thận cũng có thể gây ra mệt mỏi, yếu cơ và các vấn đề khác, ảnh hưởng đến chức năng nhận thức tổng thể.

Theo Health, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sương mù não có thể là một tác dụng phụ của phương pháp điều trị suy thận là chạy thận nhân tạo.

+ Lupus

Lupus, một bệnh tự miễn dịch mạn tính, có thể liên quan đến sương mù não thông qua việc gây đau và viêm nhiễm trong cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương. Sương mù não ở những người mắc lupus thường được mô tả là sự khó khăn trong việc tập trung, giảm trí nhớ, hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc, tư duy hoặc giao tiếp.

Ngoài ra, mệt mỏi, một trong những triệu chứng chính của lupus, cũng có thể góp phần gây ra tình trạng sương mù não. Việc quản lý lupus thông qua điều trị y khoa và các biện pháp hỗ trợ có thể giúp giảm bớt tình trạng sương mù não ở người bệnh.

+ Bệnh Lyme

Bệnh Lyme, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra, thường truyền sang người qua vết cắn của bọ chét và ve. Một trong những triệu chứng thần kinh phổ biến của bệnh Lyme là sương mù não, nó khiến người bệnh cảm thấy khó tập trung, gặp vấn đề với trí nhớ và trải qua sự mơ hồ trong suy nghĩ.

18 nguyên nhân khiến bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, hay quên và thiếu tập trung- Ảnh 4.

Vết ban ở bệnh Lyme (Ảnh: Internet)

Sương mù não trong bệnh Lyme có thể phát sinh do sự viêm nhiễm trong hệ thần kinh cũng như mệt mỏi và đau nhức khác do bệnh gây ra. Điều trị hiệu quả nhiễm trùng Lyme có thể giúp cải thiện các triệu chứng của sương mù não.

+ Chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là một tình trạng sức khỏe gây suy nhược nghiêm trọng với các triệu chứng từ đau đầu dữ dội đến mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Những triệu chứng đó có thể tạo ra cảm giác mơ hồ trong não bạn.

Sương mù não có thể là một phần của tình trạng này trong vài giờ hoặc vài ngày sau cơn đau nửa đầu, phổ biến nhất là kém tập trung.

+ Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh viêm mãn tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Những tổn thương đó thường ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc, cách bạn suy nghĩ và chức năng vận động. Sương mù não do bệnh đa xơ cứng cũng có thể khiến bạn gặp khó khăn khi đưa ra quyết định hoặc ghi nhớ cách thực hiện công việc.

Một số bằng chứng cho thấy có sự chồng chéo giữa MS với rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ hoặc khó ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sương mù não.

+ Hội chứng Sjögren

Khô mắt và miệng là những triệu chứng điển hình của hội chứng Sjögren, một bệnh tự miễn viêm mãn tính. Một số người mắc hội chứng Sjögren bị sương mù não thường liên quan đến suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung kém.

Theo Health, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thách thức về nhận thức đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Sjögren và có thể do mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu mối quan hệ giữa hội chứng Sjögren và những khó khăn về nhận thức.

+ Vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp của bạn tiết ra các hormone kiểm soát năng lượng của cơ thể. Suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém có thể dẫn đến trầm cảm, uể oải và tăng cân.

Sương mù não liên quan đến tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng khác như: lú lẫn, vấn đề về trí nhớ, khó tập trung,... Bệnh suy giáp có thể tiến triển chậm, vì vậy ban đầu bạn có thể không nhận thấy nó và có thể nhầm lẫn tình trạng sương mù não với trầm cảm.

Theo thời gian, tình trạng sương mù não liên tục có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày của bạn. Một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2022 cho thấy những người bị suy giáp cho biết sự xuất hiện của tình trạng sương mù não cũng cảm thấy mệt mỏi và hay quên.

18 nguyên nhân khiến bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, hay quên và thiếu tập trung- Ảnh 5.

Suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém có thể dẫn đến trầm cảm, uể oải và tăng cân (Ảnh: Internet)

- Rối loạn tâm trạng

Trầm cảm thường khiến bạn mất hứng thú với những hoạt động vốn được yêu thích trước đây kèm theo những "nỗi buồn" dai dẳng hoặc thay đổi tâm trạng thất thường. Nhiều người bị trầm cảm báo cáo rằng họ cảm thấy việc suy nghĩ và giao tiếp bị chậm lại, gặp khó khăn trong vấn đề đưa ra quyết định hay ghi nhớ.

Lo lắng là một phản ứng trước căng thẳng, lo lắng quá mức cũng có thể gây ra các triệu chứng liên quan tới sương mù não như suy giảm trí nhớ. Tệ hơn nữa là hình thành các suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

2. Lời khuyên đối phó với tình trạng sương mù não

Như đã nói ở trên, tình trạng sương mù não không phải là một bệnh lý mà là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và có thể nghiêm trọng cần xử lý ngay.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra sương mù não là gì mà biện pháp điều trị và đối phó cũng sẽ có những sự khác biệt nhất định chẳng hạn như thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống tăng cường thực phẩm chống và giảm viêm nhiễm như chế độ ăn Địa Trung Hải (thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hat, hạn chế thịt đỏ và đồ ngọt,..); hoạt động thể dục thể thao thường xuyên để hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần tăng cung cấp oxy cho não; ngủ đủ giấc mỗi đêm; trị liệu nghề nghiệp; trị liệu hành vi nhận thức;...

Hãy liên hệ với bác sĩ để thăm khám sớm nếu những khó khăn về nhận thức xảy ra trên vài tuần hoặc lâu hơn đồng thời ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày của bạn. Theo dõi các triệu chứng ngay khi mới xuất hiện và nói cho bác sĩ càng chi tiết càng tốt để hỗ trợ cho việc chẩn đoán được dễ dàng hơn.

Chứng sương mù não thường là tình trạng ngắn hạn và không kéo dài lâu. Hãy nhớ rằng, sức khỏe tinh thần và thể chất luôn có sự gắn kết mật thiết, việc chăm sóc bản thân một cách toàn diện là chìa khóa để giải quyết sương mù não và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn: Health, Healthline

Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM