1 tỷ USD rót vào Didi hóa ra lại là khoản đầu tư cho tương lai của chính Apple

16/05/2016 15:01 PM | Công nghệ

Rõ ràng, Didi không thực sự khát vốn đến mức cần sự cứu trợ của Apple.

Mới đây, Apple tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD cho hãng cung cấp dịch vụ taxi Didi Chixing, đối thủ của Uber tại thủ đô Bắc Kinh- Trung Quốc.

Thông tin trên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quảng bá thương hiệu của Didi khi hãng có thể tự hào rằng mình là một trong số ít các doanh nghiệp được nhận đầu tư từ Apple. Tuy nhiên, cho dù khoản 1 tỷ USD trên được đầu tư như thế nào đi chăng nữa thì rõ ràng, Apple mới là người được lợi thực sự trong thỏa thuận này.

Didi không cần Apple

Việc nhận một khoản đầu tư từ công ty nổi tiếng Apple là điều đáng ăn mừng với nhiều hàng công nghệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lợi ích mà Apple đem lại cho Didi không thực sự quá nhiều như kỳ vọng.

Nếu tiền đầu tư là thước đo cho các dịch vụ taxi chung thì Didi vốn đã vượt qua Uber rất nhiều trên thị trường Trung Quốc.

Công ty này đã gọi vốn thành công 4 tỷ USD kể từ năm ngoái và hiện đang có giá trị vốn hóa khoảng 15 tỷ USD.

Trong khi đó, hãng Uber tại Trung Quốc chỉ có giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD sau vòng gọi vốn 1,2 tỷ USD tháng 1/2016.

Hiện chưa có nghiên cứu nào dám khẳng định kinh doanh của Uber hay Didi vượt trội hơn tại Trung Quốc, nhưng những số liệu cho thấy Didi nhiều khả năng chiếm đến 90% thị trường ứng dụng dịch vụ gọi taxi tại Trung Quốc.


Số lượt vận chuyển hành khách mỗi ngày sử dụng dịch vụ Uber và Didi (triệu lượt)

Số lượt vận chuyển hành khách mỗi ngày sử dụng dịch vụ Uber và Didi (triệu lượt)

Rõ ràng, Didi không thực sự khát vốn đến mức cần sự cứu trợ của Apple.

Hãng dịch vụ ứng dụng taxi này đã được rất nhiều hỗ trợ từ các quỹ đầu tư và công ty nổi tiếng tại Trung Quốc. Vào tháng 8/2015, Didi được China Investment Corporation đầu tư 2 tỷ USD. Ngoài ra, hãng Alibaba và Tencent cũng quảng bá thương hiệu Didi thông quá các trang thương mại điện tử và ứng dụng khác.

Những cái tên hỗ trợ cho Didi còn dài, như ngân hàng Softbank, Tiger Global, Management Coatue hay GGV...Đây là những công ty đã từng đầu tư cho Lyft tại Mỹ, Grab Taxi tại Đông Nam Á hay Ola ở Ấn Độ.


Ước tính giá trị vốn hóa thị trường của các công ty cung cấp ứng dụng gọi taxi (tỷ USD)

Ước tính giá trị vốn hóa thị trường của các công ty cung cấp ứng dụng gọi taxi (tỷ USD)

Trong khi đó, dù Apple nổi tiếng toàn cầu nhưng thương hiệu của hãng lại không có vị thế mấy trong ngành ứng dụng dịch vụ gọi taxi. Mặc dù ứng dụng bản đồ và công nghệ trí thông minh nhân tạo của Apple có tác dụng rất lớn trong mảng giao thông, nhưng chúng sẽ chỉ thực sự hữu ích với Didi khi sản phẩm xe tự động chiếm ưu thế trên thị trường, qua đó giảm chi phí thuê tài xế lái xe.

Nếu xét trong tình hình hiện tại, những gì Apple mang lại cho Didi không hơn gì nhiều so với những gì Alibaba hay Tencent có thể làm.

Tại sao Apple cần Didi?

Không có gì là ngẫu nhiên khi thỏa thuận của Apple và Didi diễn ra khi việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang ngày một khó khăn với với các doanh nghiệp và trớ trêu thay, giành thị phần tại quốc gia Châu Á này lại là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp.

Apple đã hưởng lợi rất lớn tại Trung Quốc khi iPhone được nhiều người tiêu dùng nước này coi là biểu tượng của sự sang chảnh và tích cực mua sản phẩm. Hiện 1/4 doanh số của Apple đến từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, thời hoàng kim của Apple đã dần qua khi doanh số bán smartphone tại Trung Quốc đang giảm tốc. Năm 2015, tăng trưởng doanh số bán smartphone tại Trung Quốc chỉ tăng 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 129% năm 2012.


Tăng trưởng doanh số bán smartphone tại Trung Quốc

Tăng trưởng doanh số bán smartphone tại Trung Quốc

Con số này cho thấy phần lớn doanh số của iPhone trong tương lai tại Trung Quốc sẽ đến từ các chủ sở hữu iPhone hơn là những người mua mới. Trong khi đó, những người đã sở hữu iPhone chưa chắc đã có thể cam kết trung thành với sản phẩm khi công nghệ đang thay đổi từng ngày.

Nếu doanh số bán iPhone không còn tăng trưởng mạnh như trước, vậy biện pháp hữu hiệu nhất để duy trì doanh thu cho Apple tại Trung Quốc là mảng dịch vụ, bao gồm cả mảng ứng dụng gọi taxi như Didi.

Việc cố gắng biến mảng kinh doanh ứng dụng dịch vụ từ một nguồn thu phụ thành thu nhập chính của Apple hiện có thể vẫn còn sơ khai, nhưng triển vọng của kế hoạch này tại Trung Quốc lại khả ảm đạm.

Tháng 4/2016, Apple tuyên bố đóng cửa dịch vụ điện ảnh trên iTunes và sách online iBook tại Trung Quốc. Theo tờ New York Times, những quy định ngặt nghèo của chính quyền Bắc Kinh là nguyên nhân chính gây ra quyết định trên.

Thời gian gần đây, hàng loạt những thông tin bất lợi với Apple tại thị trường Trung Quốc xuất hiện. Nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn mới xác nhận rằng mình đã bán hết cổ phần của công ty cách đây 2 tuần do lo ngại những chính sách mới của chính quyền Bắc Kinh có thể làm giảm doanh số bán hàng của Apple.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đưa tin hãng Huawei, nhà sản xuất các thiết bị viễn thông và smartphone của Trung Quốc đã bắt đầu tính phí bằng sáng chế liên quan đến công nghệ truyền thông không dây đối với các sản phẩm của Apple tại đây.

Dù chưa có thông tin chính xác nào xác minh, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại chính quyền Bắc Kinh đang có quan điểm khá khắt khe đối với Apple, qua đó khiến công ty có thể phải đối mặt với những quy định bất lợi trong tương lai.

Động thái “lấy lòng”

Việc đầu tư vào Didi của Apple được nhiều chuyên gia đánh giá là nhằm đối phó với các quan điểm của chính quyền Bắc Kinh.

Hiện nhiều quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ đang cố gắng chấm dứt sự thống trị của các công ty công nghệ quốc tế trên thị trường nội địa và năm 2020 được cho là năm mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ này.

Đồng thời, các công ty công nghệ trong nước cũng sẽ được trao quyền nhiều hơn để có thể đẩy mạnh sáp nhập và mua lại, nhằm tăng cường vị thế trên thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ngành giao thông được chính phủ Trung Quốc khá coi trọng và nước này đã thảo luận về kế hoạch “Internet Plus”, một chính sách nhằm đưa các công ty công nghệ mảng giao thông tăng trưởng trở lại sau khi đã được “kiểm soát” bởi chính phủ. Hiện tại, Didi là người chơi duy nhất trong kế hoạch này.

Rõ ràng, việc Apple đầu tư vào Didi là một động thái “lấy lòng” chính quyền Bắc Kinh khi thể hiện sự đồng tính với các quyết định từ trung ương.

Động thái này của Apple cũng tương tự như một canh bạc của nhà đầu tư khi chi tiền cá cược cho cuộc đối đầu giữa Baidu và Google trước đây, hay Alibaba và Amazon trên thị trường Trung Quốc.

Hiện có rất ít lý do cho sự hợp tác toàn diện giữa Didi và Apple bởi nhà sản xuất iPhone không thể làm gì nhiều để thúc đẩy vị trí đứng đầu của Didi tại Trung Quốc nữa.

Dẫu vậy, đây có thể là bước đột phá mới trong cách tiếp cận thị trường Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh không thật sự hài lòng nếu Apple gây ảnh hưởng quá lớn trên sân nhà của họ.

Nếu Apple không thể bán Apple TV dễ dàng tại Trung Quốc qua các đại lý của mình thì họ có thể bán chúng qua Alibaba hay LeCo, những nhà phân phối địa phương được sự ưu ái của chính phủ. Hoặc nếu Apple Music quá khó bán tại đây, có thể Apple nên xem xét bắt tay với Tencent QQ Music.

Hãng Apple đã từng được coi là một ví dụ cá biệt ở Trung Quốc khi công ty nước ngoài này có thể phát triển mà không hợp tác quá nhiều với những doanh nghiệp bản địa. Dẫu vậy, trước sức ép từ chinh quyền Bắc Kinh và sự phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc, có lẽ đã đến lúc Apple không còn sự lựa chọn nào khác.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM