Yeah1 muốn gì thông qua việc bắt tay hợp tác với một đối tác hoàn toàn khác ngành nghề như Tân Hiệp Phát?

13/03/2020 07:12 AM | Kinh doanh

Đầu tháng 4/2019, sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa Yeah1 và Tân Hiệp Phát là ứng dụng Mega1, sẽ ra mắt người dùng. Theo đó, ngoài thúc đẩy Yeah1 đi trước 2 năm so với kế hoạch trong mảng thương mại truyền thông, sau này Tân Hiện Phát còn có thể trợ giúp Yeah1 trong việc quản trị doanh nghiệp.

Có thể nói, năm 2019 là một năm biến động nhất trong lịch sử Tập đoàn Yeah1 kể từ khi thành lập năm 2006 đến nay. Khởi đầu trên sàn HOSE của Yeah1 hết sức tuyệt vời, khi giữa năm 2018, họ chào sân với mức giá hơn 300.000 đồng/cổ, biến doanh nghiệp này trở thành một ngôi sao sáng giá trên bầu trời khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, cả Ban lãnh đạo Yeah1 và các nhà đầu tư đã gặp một cú sốc chí mạng khi Youtube thông báo ngừng hợp tác với tập đoàn này vì phát hiện có những vi phạm về chính sách từ các công ty con của Yeah1. Ngay lập tức, cổ phiếu của tân binh này lao dốc không phanh trong thời gian dài, thậm chí có lúc cổ phiếu của họ có mức giá còn dưới 50.000 đồng/cổ.

Tuy nhiên, như người ta hay nói, trong cái rủi vẫn có cái may, nhờ sự cố đó, Yeah1 mới nhận ra là mảng kinh doanh cốt lõi của mình không thể quá phụ thuộc vào bên thứ ba như Youtube. Dù như thế nào, họ cũng cần phải có những cái của riêng mình để có thể tự nắm vận mệnh của bản thân, không thể đặt vận mệnh của bản thân vào tay người khác.

Cũng theo đó, họ có thời gian nhìn lại bản thân, suy xét một cách cẩn thận xem tương lai mình nên đi theo hướng nào để vừa tăng trưởng bền vững vừa kiếm được nhiều tiền cho bản thân và các cổ đông.

5 mảng phát triển trọng tâm của Yeah1 trong tương lai

Và theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo Yeah1, sau gần 1 năm tự ‘phản tỉnh", họ đã có rất nhiều thay đổi cả trong chiến lược kinh doanh và đường hướng phát triển sản phẩm.

Nhằm tối ưu chi phí hoạt động cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp, Yeah1 đã có những động thái cụ thể như sau: cắt hai kênh truyền hình không hiệu quả là Yeah1 Family và iMovie từ cuối tháng 3/2020, sẽ tiết kiệm được 1,4 triệu USD/năm; tái cấu trúc các mảng kinh doanh và ngừng đầu tư vào việc sản xuất phim ảnh chiếu rạp từ Yeah1 CMG; định hướng lại các mảng truyền thông kỹ thuật số với tập trung vào các kênh kết hợp Online & Offline – sản xuất nội dung để phát triển trên các nền tảng như Facebook, Youtube.

Ngoài ra, Yeah1 cũng tiếp tục phát triển và ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ mới như tập trung vào các nền tảng có thể tương tác trực tiếp với người dùng như Appfast, nền tảng KOLs, Adnetwork, Mega1; hoàn tất trích lập/xóa các khoản dự phòng: trích lập toàn bộ cho ScaleLab vào năm 2019 (cho Springme năm 2018).

Theo đó, Yeah1 sẽ chính thức chuyển đổi từ doanh nghiệp về đa phương tiện truyền thông sang công nghệ truyền thông. Cụ thể, trong tương lai, Yeah1 sẽ có 5 mảng phát triển trọng tâm.

Yeah1 muốn gì thông qua việc bắt tay hợp tác với một đối tác hoàn toàn khác ngành nghề như Tân Hiệp Phát? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Tập đoàn Yeah1

Đầu tiên là truyền thông số - digital media: trước kia, Yeah1 chủ yếu là người trung gian quản lý các kênh Youtube của đối tác, sau đó ăn hoa hồng trên doanh thu. Nhưng sau sự cố vào tháng 3/2019 mà chúng ta nói ở trên, họ không muốn làm thế nữa mà muốn tự đứng ra mở các kênh Youtube. Sau gần 1 năm, Yeah1 đã tự phát triển và vận hành khoảng hơn 200 kênh Youtube, có tổng cộng 650 triệu view hàng tháng, 70 page trên Facebook với 85 triệu người theo dõi cùng 12 website, 2 kênh truyền hình.

200 kênh Youtube của Yeah1 có nội dung vô cùng đa dạng, đối tượng phục vụ từ trẻ em đến người lớn, các kênh nổi tiếng của họ có Break, Thích Ăn Phở, Lớp Học Vui Nhộn…

"Ai cũng biết truyền thông đang đi xuống, nên để tối ưu chi phí chúng tôi phải cắt bỏ một vài thứ, nhưng vấn đề là cắt cái gì?! Hiện tại, Yeah1 đang muốn đánh mạnh vào các kênh Youtube thay vì truyền hình như trước kia bởi 2 lý do: doanh số thu lại từ kênh Youtube cao hơn truyền hình và mức lời trên mức đầu tư của các kênh Youtube cũng cao hơn truyền hình. Đầu tư vào một kênh truyền hình là vô cùng tốn kém", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Tập đoàn Yeah1 cho biết.

Ông Tống cũng chia sẻ thêm: nhiều người nói rằng, nếu Yeah1 có thể câu kéo lượng người dùng khổng lồ của mình từ Youtube và Facebook qua các nền tảng của mình, vậy tại sao lại không tự sáng tạo một mạng xã hội của riêng để quản lý? Thật ra, tạo ra một mạng xã hội không khó, quan trọng là nó có thành công hay không mà thôi! Thêm nữa, hiện tại Yeah1 hoàn toàn không đủ lực để đấu lại Youtube hay Facebook.

Thế nên, dù bị Youtube ‘chơi’ 1 vố khá đau, nhưng Yeah1 không thể ‘tuyệt tình’ với những nền tảng công nghệ lớn như Youtube hay Facebook, bởi lợi ích mà chúng mang lại cho doanh nghiệp này quá lớn.

Thứ hai là quảng cáo bằng công nghệ - Ad technology: tối ưu hóa quảng cáo đổi mới cho các nhà xuất bản, kết nối thương hiệu đúng chỗ và đúng lúc với hàng triệu người dùng thông qua Netlink và Yeah1 Adnetwork. Hiện Yeah1 có hơn 1.300 đối tác xuất bản, là 1/35 chứng nhận Google đối tác xuất bản, trên 5 tỷ lượt xem hàng tháng.

Thứ ba là mạng lưới KOLs và Người ảnh hưởng – Influencers: Yeah1 đang đào tạo và phát triển ngôi sao như nhóm nhạc thần tượng Việt Nam SGO48, được ra mắt với sự hợp tác của AKS Nhật Bản; nền tảng Celuv với slogan ‘mọi người đều có thể nổi tiếng’. Celuv được phát triển bởi THE E&M, một nền tảng KOLs hàng đầu tại Hàn Quốc với doanh thu hàng năm 90 triệu USD, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 5/2020.

Yeah1 muốn gì thông qua việc bắt tay hợp tác với một đối tác hoàn toàn khác ngành nghề như Tân Hiệp Phát? - Ảnh 2.

Nhóm nhạc thần tượng SGO48 được đào tạo và phát triển theo công nghệ Nhật Bản.

Thứ tư là giải trí số - digital entertainment: gồm mảng kinh doanh game tập trung vào những câu chuyện tình yêu lãng mạn và truyện tranh trên nền tảng số (webtoon) - hợp tác cùng People & Story, nhà cung cấp truyện tranh kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mảng này sẽ đánh mạnh vào đối tượng nữ giới thích các truyện ngôn tình lãng mạn.

Cuối cùng là những nền tảng nuôi dưỡng khách hàng thân thiết – loyalty platform: Mega1 được phát triển bởi MediaOne, công ty con của Yeah1, chuyên cung cấp các giải pháp tiếp thị sáng tạo có thể tương tác trực tiếp với người dùng/khách hàng tiềm năng thay vì chỉ quảng cáo dựa trên lượt xem.

Với tâm thế làm lại từ đầu, mục tiêu mà Yeah1 đặt ra trong năm 2020 khá khiêm tốn nếu so với trước khi lên sàn. Năm 2020, tập đoàn này dự đoán doanh thu của mình sẽ vào khoảng 78 triệu USD, tăng trưởng 25,5% so với trước đó. Nên biết: năm 2018, Yeah1 có doanh thu 72,1 triệu USD, tăng trưởng tới 97,8%; năm 2019, doanh thu 62,2 triệu đô giảm 13,8%.

Tân Hiệp Phát đã thúc đẩy Yeah1 đi trước 2 năm so với kế hoạch trong mảng thương mại truyền thông và giúp đỡ quản trị doanh nghiệp sau này

Sáng nay 12/3, trong lễ ký kết hợp tác chiến lược với Tân Hiệp Phát, Ban lãnh đạo của cả hai đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị.

Đầu tháng 4/2019, Yeah1 và Tân Hiệp Phát sẽ cho ra mắt chương trình "Xé ngay trúng liền" với hơn 2 triệu giải thưởng trị giá 69 tỷ đồng, thông qua ứng dụng Mega1- Vui mỗi ngày. Chương trình này khá đơn giản: người dùng tải app về, sau đó đăng ký tài khoản, mua sản phẩm của Tân Hiệp Phát, uống xong xé nhãn, điền mã số trên nhãn lên Mega1 sau đó ngồi chờ quay số trúng thưởng.

"Ứng dụng Mega1 xây dựng trên nền tảng không mới, chúng tôi đã từng phát triển các chương trình marketing – PR của Viettel, BIDV, Samsung, Prudential…trên đó.

Thật ra, chúng tôi cũng có tham vọng lớn với nền tảng Mega1, như sau này nếu tập người dùng đủ lớn chúng tôi có thể ra mắt các tiện ích khác như chat, thanh toán… Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi cần phải đi những bước thật thận trọng, đơn thuần là mang lại những niềm vui mỗi ngày cho người mua và trải nghiệm sản phẩm. Sẽ có nhiều đối tác lớn khác sau Tân Hiệp Phát và càng nhiều đối tác thì chúng tôi càng mang tới cho người dùng nhiều tiện ích hơn", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giải thích.

Yeah1 muốn gì thông qua việc bắt tay hợp tác với một đối tác hoàn toàn khác ngành nghề như Tân Hiệp Phát? - Ảnh 3.

Đại diện Yeah1 và Tân Hiệp Phát đang tiến hành ký kết hợp tác chiến lược.

Về mục tiêu 2 triệu người dùng cho Mega1, ông Tống tin rằng Yeah1 sẽ là được, vì "không gì là không thể". Ông đưa ra ví dụ: có một app bán vé bóng đá online độc quyền vừa ra mắt trên thị trường, trong 1 ngày họ thu hút được 5 triệu user.

Ở chiều ngược lại, Mega1 sẽ giúp Tân Hiệp Phát tiếp cận sâu hơn với giới trẻ - tập người dùng chủ yếu của Yeah1 cũng như triển khai các chương trình marketing đột phá.

Thêm nữa, Mega1là sản phẩm quan trọng trong việc thực hiện chiến lược thương mại truyền thông - media commerce mà Yeah1 đang nhấn vào.

Cũng theo ông Tống, mọi người thường nhầm lẫn giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thông, trong khi tính chất của 2 lĩnh vực này là khác nhau. Thương mại điện tử là lĩnh vực đốt tiền trong khi thương mại truyền thông ngược lại. Và sở dĩ ông Tống chọn mảng này để đẩy mạnh là bởi doanh nghiệp này sở hữu những lợi thế mà không phải ai cũng có.

Về lý thuyết, để tạo ra một nền tảng như Mega1 không khó, khó nhất là làm sao để lôi kéo người dùng đến sử dụng chúng. Mà về mặt này, sau nhiều năm lăn lộn trong mảng truyền thông, ít ai tại Việt Nam giỏi hơn Yeah1 cùng lượng người dùng có sẵn khá lớn. Nhờ sự xuất hiện của Tân Hiệp Phát, Yeah1 đã đi sớm 2 năm so với kế hoạch trong mảng thương mại truyền thông.

Ngoài ra, trước đó, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chi ra 300 tỷ đồng nhằm thâu tóm 21,61% cổ phần của Yeah1. Bà Trần Uyên Phương đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau ông Tống.

"Bên cạnh những nhà đầu tư với thế mạnh về tài chính, thì bề dày kinh nghiệm trong quản trị và vận hành của tập đoàn Tân Hiệp Phát là giá trị mà chúng tôi muốn tìm kiếm và học hỏi. Một công ty muốn phải triển mạnh mẽ phải có sự cộng hưởng giữa các nhà đầu tư tài chính và các cổ đông chiến lược lớn như Tan Hiệp Phát. Tuy nhiên, do Tân Hiệp Phát là nhà đầu tư mới, nên họ vẫn chưa có mặt trong Hội đồng quản trị của công ty, nhưng trong tương lai sẽ thế", Chủ tịch Yeah1 kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM