Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh

26/07/2019 14:35 PM | Kinh doanh

Với vợ chồng nhà sáng lập Lê Đăng Ninh, Tí Toáy là dự án khởi nghiệp với tất cả những gì trong trẻo, ngây thơ nhất. Triết lý kinh doanh của cặp đôi nghệ sỹ này giống như công việc nuôi dưỡng và chăm chút cho một đứa trẻ: Kiên nhẫn, tỉ mỉ nhưng vẫn đầy mộng mơ.

Nằm khuất cuối ngõ yên tĩnh trên con phố Nguyên Hồng, căn nhà 4 tầng nơi Tí Toáy đặt xưởng nghệ thuật nổi bật với màu vàng. Đằng sau vẻ trầm tĩnh của căn nhà nhỏ là nơi gặp gỡ của những tâm hồn nghệ thuật đầy nhiệt huyết và luôn cựa mình đổi mới.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 1.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành nghệ thuật trường Ecole Superieure des Beaux-Arts d’Angers tại Pháp, Nguyễn Thùy Trang trở về Việt Nam tham gia sáng tác nghệ thuật và đi dạy vẽ tại một số trung tâm. Công việc gắn bó với trẻ em và nghệ thuật nhưng không làm Trang hài lòng bởi chương trình giảng dạy lạc hậu, khuôn mẫu. Cùng với sự giúp sức của chồng là Lê Đăng Ninh, Tí Toáy ra đời với một phòng học nhỏ khoảng 20m2.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 2.

Năm 2015 khi số lượng học viên tăng lên các công việc chăm sóc và quản lý lớp học cũng nhiều hơn, Lê Đăng Ninh quyết định nghỉ hẳn việc chính trong lĩnh vực truyền thông để tập trung cho Tí Toáy. 

"Lúc đó cũng suy nghĩ lắm, nhưng mà giờ nếu mình không toàn tâm toàn ý cho công ty thì sẽ chẳng đi đến đâu hết. Hoặc là đóng cửa luôn lo làm việc khác, hoặc là nghỉ việc khác về tập trung làm. Đóng cửa thì không đành, nên thôi về làm tới bây giờ", Ninh cho biết.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 3.

"Ý tưởng, nhạy bén và mộng mơ", Lê Đăng Ninh tự nhận đây là những từ đúng khi miêu tả về bản thân. Anh cho biết nếu không mộng mơ, Tí Toáy đã không còn tồn tại đến bây giờ. Với hai vợ chồng Ninh, đây là dự án khởi nghiệp với tất cả những gì trong trẻo và ngây thơ nhất của họ. Những mô hình tương tự đều đã đóng cửa vào giai đoạn 2015 - 2016 bởi thua lỗ hay không đem lại hiệu quả về mặt tài chính. Ngay cả thời điểm hiện tại, Tí Toáy vẫn chưa có lãi, nhưng ít nhất nó đã có thể tự vận hành được.

"Nếu khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật mà chỉ quan tâm đến lãi sớm thì chắc chúng tôi đóng cửa từ lâu rồi. Không có người thì mình tự đào tạo, không có tiền thì đi vay, vì ở trong hoàn cảnh nào tôi vẫn tin tưởng rằng nếu giáo viên của mình giỏi, chương trình của mình hay, thì việc thành công nó sẽ tự đến", Ninh chia sẻ.

Câu hỏi "Khó khăn lớn nhất mà anh đã từng đối mặt là gì?", của người viết khiến Lê Đăng Ninh nhớ lại giai đoạn cuối 2017, khi phá bỏ mô hình lớp học truyền thống để chuyển sang mô hình lớp học chủ động, nhằm mục đích hướng tới sự tự học cho học sinh.

"Để học sinh tự học thì mình phải tổ chức lại các công việc trong lớp học, các em đến lớp phải tự chọn chất liệu, tự thực hành và tự suy nghĩ tìm ra ý tưởng. Tiếp theo là định nghĩa lại các công việc của người giáo viên, mọi hoạt động của người giáo viên trong lớp học là nhằm mục đích khuyến khích sự tự học cho học sinh mà thôi", anh cho biết.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 4.

Nhưng quyết định này vấp phải sự phản đối của chính phụ huynh, vì ai cho con đi học cũng đều muốn thầy cô luôn luôn phải kèm cặp, để mắt tới con của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, học sinh bị giảm một nửa. Không có học sinh đồng nghĩa với không có doanh thu, công ty đứng bên bờ vực phá sản.

"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng nếu làm thực hành giáo dục mà mình không dám thay đổi, cách tân hướng đến các giá trị tốt đẹp hơn cho người học thì mình không nên làm trong lĩnh vực này nữa. Nhất là vấn đề tự học cho học sinh hiện nay ở Việt Nam vẫn là một vấn đề nan giải ở tất cả các mô hình giáo dục", Ninh chia sẻ thêm. Chỉ sau 3 tháng thay đổi mô hình, Tí Toáy đã dần ổn định và phụ huynh bắt đầu nhận thấy sự thay đổi của con trong việc chủ động học và thực hành.

Một trong những quyết định khác được cho là "đau đớn" của Lê Đăng Ninh đó là dừng lớp nghệ thuật dành cho người lớn tuổi khiến cho nhiều người bất ngờ. Từ năm 2015, Tí Toáy là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tổ chức các lớp học nghệ thuật cho người trung niên trên 50 tuổi, qua đó tạo thành một trào lưu đến tận bây giờ. Thời gian đầu, lớp hoạt động rất tốt, có những người 70 tuổi mới lần đầu cầm cọ vẽ một bức tranh.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 6.

Học sinh Ti Toáy đi ngoại khóa tại bảo tàng

Lê Đăng Ninh chia sẻ: "Concept của lớp học đó là nghệ thuật duy trì niềm vui sống, tức là nghệ thuật là một công cụ để người ta vui sống. Nhưng sau một thời gian tổ chức thì người học luôn đưa ra những yêu cầu cao hơn về mặt kỹ thuật vẽ. Thậm chí nhiều người luôn muốn giảng viên phải vẽ hộ, sửa bài hộ gần như là hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Lúc này, không khí trong lớp học không còn sự vui tươi nữa, mà vô cùng căng thẳng giữa đúng và sai, đẹp và xấu. Khi đó tôi biết mình đã thất bại trong việc giữ tinh thần concept".

Không mất nhiều thời gian, anh quyết định dừng lại lớp học, thiết kế lại chương trình và cách thức tiếp cận mới mẻ hơn chờ thời điểm thích hợp sẽ ra mắt chương trình mới.

Việc đào tạo nhân sự tại Tí Toáy cũng là một câu chuyện thú vị. Sự ưu tiên được dành cho các bạn trẻ nửa cuối 9X đến thế hệ 2000. Theo Ninh lý giải thì làm việc với các bạn trẻ sẽ gặp nhiều phiền toái về tác phong làm việc, kỹ năng chuyên môn, nhưng bù lại họ lại là những người gần gũi về khoảng cách thế hệ với học sinh. Họ cũng giàu năng lượng và học hỏi tiếp thu nhanh.

"Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi và sáng tạo nhưng đi kèm với đó là sự thiếu hụt về các kỹ năng để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp. Vấn đề của chúng tôi là làm sao giữ được năng lượng nhiệt huyết đó và bù đắp những kỹ năng còn thiếu. Dù sao đi nữa thì người trẻ vẫn là tương lai của giáo dục", anh nhận định.

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 7.

Năm 2013, Ninh từng dự đoán 5 năm tới thị trường dịch vụ giáo dục mà Tí Toáy theo đuổi sẽ bùng nổ. Thời điểm hiện tại, anh cho rằng những điều mình dự đoán năm xưa đã phần nào thành hiện thực. Nhưng lĩnh vực giáo dục nghệ thuật vẫn chưa thực sự có chỗ đứng nhất định hiện nay cả ở môi trường chính khóa lẫn ngoại khóa.

Lý giải về điều này, Ninh nói thêm: "Vấn đề là phần lớn phụ huynh Việt Nam hồi nhỏ không được tiếp xúc với nghệ thuật. Nên có sự đứt gãy trong quan điểm giáo dục con cái dẫn đến việc phụ huynh không mặn mà với môn này. Nhiều phụ huynh cho rằng nghệ thuật chỉ là để giải trí cho vui thôi, hoặc có người còn nói thẳng trung tâm cũng chỉ là chỗ trông trẻ chứ chưa coi nó là một môn quan trọng để trải nghiệm hàng ngày. Bây giờ chúng tôi phải làm thế nào để phụ huynh không coi giáo dục nghệ thuật chỉ để giải trí cho vui thì mới có cơ hội để phát triển được."

Xưởng nghệ thuật Tí Toáy: Chuyện kể về những kẻ mộng mơ đi làm kinh doanh - Ảnh 8.

Với Tí Toáy, sau một thời gian dài vượt qua những thách thức để tồn tại, thương hiệu này đã được nhiều phụ huynh tin tưởng về chất lượng cũng như triết lý giáo dục. Lê Đăng Ninh cho biết thời gian tới công ty sẽ liên kết hợp tác với các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm phát triển đội ngũ giáo viên và chương trình.

Nói về hành trình đang đi và những dự định mới của Tí Toáy cũng như bản thân, Ninh cho biết: "Chúng tôi vẫn còn rất non trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi công ty, cũng trải qua nhiều thất bại và sẽ còn nhiều thách thức khác nữa trong tương lai nhưng chúng tôi luôn cố gắng để sự mơ mộng là không bao giờ mất đi. Với nhiều người 'go global' là đích đến, nhưng với Tí Toáy tôi hy vọng mình và đội ngũ có thể làm việc cùng với nhau đến lúc già".

Thu Thúy
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM