Xứng danh 'công xưởng thế giới', thương nhân Trung Quốc đang kiếm bộn từ Squid Game dù phim không được chiếu tại đây
Các thương gia Trung Quốc đang bán trang phục và mặt nạ lấy cảm hứng từ bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc Squid Game, mặc dù nó chưa được phát hành chính thức ở đất nước này.
Loạt phim Squid Game mới của Netflix vẫn chưa được phát hành chính thức ở Trung Quốc, nhưng các nhà máy ở nước này đã bận rộn với việc sản xuất các sản phẩm liên quan cho người hâm mộ mua sắm cả trong nước lẫn quốc tế để tận dụng trào lưu ăn khách này.
Các trang phục lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị Hàn Quốc đã phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử khắp thế giới, với hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc.
Trên Coupang, một trong những trang web mua sắm lớn nhất ở Hàn Quốc, một số kết quả tìm kiếm hàng đầu cho các sản phẩm của Squid Game được liệt kê bởi các công ty có trụ sở tại các thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến, cũng như các địa phương ở tỉnh An Huy. Các trang sản phẩm chứa đầy các yêu cầu từ khách hàng hỏi rằng liệu người bán có thể giao đơn đặt hàng vào dịp lễ Halloween hay không.
Các dịch vụ bán sản phẩm tương tự cũng có thể được tìm thấy trên Taobao, ứng dụng mua sắm nội địa lớn nhất Trung Quốc và trên trang bán buôn quốc tế Alibaba.com. Cả hai nền tảng đều được vận hành bởi tập đoàn Alibaba.
Trong bộ phim truyền hình kinh dị và tâm lý dài 9 tập, ra mắt vào ngày 17/9 này, hàng trăm ứng viên là các con nợ mặc những bộ đồ thể thao màu xanh lá cây giống hệt nhau, tham gia vào cuộc đối đầu sinh tử với nhau trong một loạt trò chơi truyền thống dành cho trẻ em. Người chiến thắng nhận được giải thưởng khổng lồ bằng tiền mặt, trong khi tất cả những người thua cuộc đều bị giết ngay lập tức bởi những lính canh mặc những bộ áo liền quần màu đỏ và đeo mặt nạ đen.
Anna Feng, một nhân viên tại một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Hàng Châu tự nhận mình là người theo xu hướng của Hàn Quốc. Cô cho biết đã đề nghị công ty của mình bắt đầu cung cấp các vật phẩm như trong Squid Game sau khi tự mình xem chương trình và nhận thấy mức độ phổ biến tăng vọt của nó.
Với sự giúp đỡ của một nhà máy nằm ngay ngoại ô Hàng Châu, công ty được thành lập vào năm 2011 và hiện chỉ sử dụng không quá 10 nhân sự này, chỉ mất 2 ngày để đưa các bộ trang phục ăn theo Squid Game lên kệ của mình trên Alibaba.com.
"Nhu cầu là rất lớn, với hầu hết các đơn đặt hàng đến từ bên ngoài Trung Quốc, ở các quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Anh và Hàn Quốc", Feng cho biết. "Bộ phim quá nổi tiếng."
Theo Dianshang Zaixian, một doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, họ đã bán được hơn 2.000 chiếc mặt nạ đen chỉ trong ba ngày của tuần đầu tiên khi loạt phim ra mắt. Cho đến nay, cửa hàng đã kiếm được hơn 300.000 nhân dân tệ (khoảng 46.535 USD) từ việc bán các mặt hàng này.
Squid Game vẫn chưa được phát hành chính thức ở Trung Quốc, nơi dịch vụ phát trực tuyến Netflix có trụ sở tại Mỹ không có sẵn. Mặc dù không có nền tảng Trung Quốc nào công bố kế hoạch cấp phép chiếu loạt phim này cho khán giả trong nước, nhưng những khán giả háo hức và tháo vát ở nước này đã tìm ra những cách không chính thức để xem nó nhờ những phần mềm "vượt tường lửa" hoặc tải xuống các phiên bản vi phạm bản quyền.
Trên Douban, nền tảng đánh giá phim và sách lớn nhất Trung Quốc, Squid Game đã nhận được đánh giá 7,7/10 từ hơn 229,800 người dùng. Nó hiện đang được xếp hạng là bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng thứ ba trong danh sách.
Trong khi Squid Game đang trên đà trở thành một hiện tượng toàn cầu, các thương gia Trung Quốc cho biết họ không mong đợi sự phổ biến của các sản phẩm lấy cảm hứng từ series này sẽ kéo dài lâu. Cửa hàng trực tuyến chính thức của Netflix vừa tiết lộ bộ sưu tập áo phông có các biểu tượng và hình ảnh từ chương trình, mặc dù nó không bán các trang phục nhân vật mặc trong phim.
Feng nói: "Tôi nghĩ rằng sự nổi tiếng sẽ kéo dài trong khoảng hai đến ba tuần, và sau đó sẽ từ từ giảm xuống."
Tham khảo SCMP