Xuất khẩu giáo dục: Bố mẹ Việt ngày càng muốn con đi du học nước ngoài, còn Mỹ thì 'bỏ túi' gần 40 tỷ USD

06/12/2017 16:22 PM | Kinh doanh

Trong một báo cáo trước đó của HSBC, chi phí du học của các du học sinh mỗi năm rơi vào khoảng 3 tỷ USD… Việc bố mẹ thích cho con cái đi du học nước ngoài đã giúp nước Mỹ ‘bỏ túi’ gần 40 tỷ USD trong năm 2016.

Theo báo cáo mới nhất trong chuỗi khảo sát Giá trị của giáo dục của Tập đoàn HSBC, xu hướng du học trên toàn cầu không hề cho thấy dấu hiệu dừng lại.

Hơn 2/5 (42%) trong tổng số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài, một tỷ lệ cao hơn 7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc khảo sát năm ngoái (35%).

Tại Việt Nam, cũng đang diễn ra một xu hướng tương tự, với số lượng đáng kể 63.703 sinh viên Việt Nam đang theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, theo thống kê của UNESCO .

Nhìn chung, xu hướng du học đang tiếp tục gia tăng. So với chỉ 2,1 triệu trong năm 2001, số lượng sinh viên đang theo học các chương trình đại học và sau đại học trên thế giới trong năm 2017 đã lên tới hơn 4,6 triệu.

Theo số liệu của UNESCO, 5 điểm đến hàng đầu về số lượng du học sinh Việt Nam học đại học/ sau đại học là Mỹ (19.336 sinh viên), Úc (13.147), Nhật Bản (6.071), Pháp (5.284) và Vương quốc Anh (4.236).

Bên cạnh đó, 39% các bậc cha mẹ tham gia khảo sát cho biết họ đã nhắm tới một số trường đại học cho con mình, dựa trên sự cân nhắc về chất lượng giảng dạy, uy tín của trường và khả năng mở ra những cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Đa số các bậc cha mẹ (73%) cân nhắc cho con đi du học dự trù họ sẽ chịu trách nhiệm chính cho ngân sách học tập của con, và ước tính rằng chi phí trung bình để hoàn tất chương trình đại học và sau đại học ở nước ngoài là 157.782 USD (trong đó, 71.580 USD là cho chương trình đại học và 86.202 USD là cho chương trình sau đại học).

Nhiều bậc cha mẹ còn suy nghĩ xa hơn và họ cho biết sẽ cân nhắc mua bất động sản ở nước ngoài nơi con họ theo học.

Việc các bậc cha mẹ sẵn lòng đầu tư cho con cái đi du học mang lại một nguồn lợi kinh tế khổng lồ cho quốc gia chủ nhà.

Nghiên cứu của IIE cho thấy các sinh viên quốc tế đang theo đuổi các chương trình đại học/sau đại học đã đóng góp 39,4 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2016, là ngành dịch vụ xuất khẩu lớn thứ 5 của quốc gia này.

Trong một báo cáo trước đó, HSBC cho biết chi phí du học của các du học sinh mỗi năm rơi vào khoảng 3 tỷ USD.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM