Xuất hiện cứu tinh giải cứu châu Âu giữa cơn khát khí đốt

22/08/2022 14:27 PM | Xã hội

Xuất hiện cứu tinh giải cứu châu Âu giữa cơn khát khí đốt

Cuộc săn lùng khí đốt Trung Đông của Đức gặp trở ngại

Hãng tin RT dẫn thông tin từ tờ Deutsche Wirtschaftsnachrichten (Đức) đưa tin, nước này đã không nhận được lời hứa đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar.

Theo đó, cho đến nay chưa có công ty năng lượng lớn nào của Đức ký hợp đồng với các nhà cung cấp từ Qatar. Một số công ty chỉ được cam kết về việc giao hàng bổ sung từ Mỹ. Ví dụ, EnBW đã công bố một hợp đồng với nhà cung cấp Bắc Mỹ Venture Global LNG, theo đó công ty có kế hoạch mua 1,5 triệu tấn LNG mỗi năm, nhưng chỉ bắt đầu vào năm 2026.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Đức cho biết, công ty năng lượng Ý Eni đã mua cổ phần trong dự án North Field East LNG trị giá 28 tỷ USD của Qatar hồi giữa tháng 6, và trở thành cổ đông lớn thứ hai của liên doanh này, sau TotalEnergies của Pháp.

Nhằm tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp LNG của Qatar trong bối cảnh nhập khẩu khí đốt giảm, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến Doha vào tháng 3 vừa qua. Sau chuyến đi đó, ông nói rằng Đức sẽ sớm nhận khí đốt từ Qatar.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5, Reuters đã đưa tin về sự bất đồng giữa Đức và Qatar liên quan đến thời hạn của các hợp đồng xuất khẩu. Theo hãng tin Anh, Berlin không đồng ý với yêu cầu của Doha về các hợp đồng có thời hạn ít nhất 20 năm.

Xuất hiện cứu tinh giải cứu châu Âu giữa cơn khát khí đốt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Qatar còn yêu cầu Berlin không được phép chuyển hướng khí đốt nhập khẩu từ Qatar sang các nước châu Âu khác. Đến cuối tháng, Berlin và Doha đã ký một thỏa thuận chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác năng lượng, tập trung vào thương mại hydro và LNG. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng chỉ mang tính biểu tượng: Thời gian giao hàng cũng như sản lượng cụ thể đều không được nêu ra.

Vào cuối tháng trước, ông Habeck thừa nhận, "Qatar đã quyết định không đưa ra một lời đề nghị tốt".

Số phận của thỏa thuận với Qatar rất quan trọng đối với Đức, nước đang cố gắng tích trữ đủ khí đốt cho mùa sưởi ấm sắp tới. Các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đang ở mức trên 70% một chút. Theo quy định mới, họ phải đạt ít nhất 75% vào ngày 1/9, đủ 85% vào ngày 1/10 và đủ 95% vào ngày 1/11.

Giá khí đốt ở EU cao gấp bảy lần so với ở Mỹ

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đang giao dịch ở mức tương đương khoảng 70 USD/triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), cao hơn gần 7 lần so với giá ở Mỹ, hãng tin CNN dẫn thông tin từ Hiệp hội Dầu mỏ Lipow.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang góp phần khiến giá tại Mỹ của mặt hàng này cũng bị đẩy cao. Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008, đạt mức 9,33 USD/triệu BTU vào 16/8.

Ông Rob Thummel, Giám đốc đầu tư cấp cao của Tortoise Capital Advisors cho biết: "Sự tăng giá toàn cầu đang lan sang Mỹ. Với sự xuất hiện của LNG, khí đốt tự nhiên đã trở thành một mặt hàng toàn cầu".

Mỹ đã tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu để giảm thiểu tác động của dòng chảy giảm từ Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của lục địa này.

Ông Robert Yoger, Phó chủ tịch phụ trách hợp đồng năng lượng tại Mizuho Securities cho biết: "Mọi phân tử dự phòng mà chúng tôi có thể tìm thấy, đều sẽ được chuyển đến khu vực đồng tiền chung châu Âu".

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu năm do nguồn cung giảm. Trong tuần này, giá khí tự nhiên kỳ hạn tại trung tâm TTF của Hà Lan lần đầu tiên vượt quá 2.600 USD/nghìn mét khối kể từ tháng 3. Giá dự kiến sẽ tăng 60% trong mùa đông này lên hơn 4.000 USD/nghìn mét khối.

Xuất hiện cứu tinh giải cứu châu Âu giữa cơn khát khí đốt - Ảnh 2.

Giá khí đốt ở EU cao gấp bảy lần so với ở Mỹ. Ảnh: RT

Xuất hiện cứu tinh "giải cứu" châu Âu

Theo tờ Euractiv (Châu Âu), Hà Lan có thể là cứu tinh của chính châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang dần trở nên thiếu nhiên liệu.

Hà Lan có mỏ khí đốt Groningen, một trong những trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, chứa khoảng 450 tỷ mét khối, tương đương gần ba năm nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga.

Vào giữa những năm 2010, Groningen vẫn bơm hàng năm khoảng 30 tỷ mét khôi, nhưng năm nay dự kiến chỉ sản xuất được 4,6 tỷ mét khối. Cách đây vài năm, chính phủ Hà Lan đã quyết định ngừng sản xuất khí đốt ở Groningen để khắc phục các trận động đất do quá trình khai thác gây ra.

Mặc dù những trận động đất này được báo cáo không gây ra bất kỳ trường hợp thương vong nào nhưng trong những năm qua, chúng đã gây ra hơn 1 tỷ Euro thiệt hại về cơ sở hạ tầng.

Cho đến nay, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, giới chức Hà Lan viện dẫn những lo ngại về an toàn, nói rằng chỉ khi tất cả các quốc gia Tây Bắc Âu kích hoạt giai đoạn ba của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (về cơ bản là phân bổ khí đốt) thì họ mới xem xét tăng cường sản xuất khí đốt ở Groningen.

Tờ Euractiv cho rằng, mặc dù sự thận trọng của Hà Lan là điều dễ hiểu, nhưng xét đến mức độ nghiêm trọng của tình hình, có những lý do thuyết phục khiến Hà Lan sớm gia tăng sản lượng khí đốt ở mỏ Groningen.

Thứ nhất, nếu Groningen không tăng sản lượng trong những tháng tiếp theo, châu Âu có thể phải đối mặt với một mùa đông rất khó khăn. Để vượt qua mùa đông đầu tiên thiếu khí đốt từ Nga, các nước EU cần bổ sung lượng khí dự trữ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ thực hiện khi Nga bắt đầu hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và các nhà cung cấp đường ống thay thế có ít công suất dự phòng.

Hơn nữa, khó có thể cho rằng chỉ riêng việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể lấp đầy khoảng trống do khí đốt của Nga để lại. Về nguồn cung, thị trường LNG hiện đang rất khan hiếm. Sau khi nhà ga Freeport LNG ngừng hoạt động, người mua châu Âu càng khó khăn hơn trong việc đảm bảo các lô hàng LNG bổ sung. Ở khía cạnh tiếp nhận, tình hình cũng căng thẳng không kém vì khả năng tái cấp lại LNG của châu Âu vốn đã bị kéo dài.

Thứ hai, nếu Moscow đột ngột ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong trường hợp như vậy, châu Âu có thể sẽ phải gánh chịu giá năng lượng thậm chí còn cao hơn, lạm phát sẽ tăng vọt và một cuộc suy thoái có thể sẽ bùng phát.

Tuy nhiên, mỏ Groningen không thể nhanh chóng giải quyết triệt để nguy cơ cạn kiệt năng lượng ở châu Âu.

Điều quan trọng nhất mà Groningen mang lại là cho châu Âu thêm thời gian để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG mới. Đồng thời, nó cũng sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội để giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu thông qua các sáng kiến hiệu quả về năng lượng khác nhau và tăng tốc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM