Xử lý sai vết trầy xước ở tay, thanh niên 28 tuổi bị hoại tử, suy đa tạng rồi tử vong, bác sĩ chỉ ra 5 điều cần nhớ

29/08/2021 14:30 PM | Sống

Không ít người thường xem nhẹ, không xử lý hoặc xử lý sai cách khi có những vết thương nhỏ. Tuy nhiên, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Ngày 10/08/2021, 1 người đàn ông 28 tuổi, sống tại Liêu Thành (Sơn Đông, Trung Quốc) được đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện nhân dân số 2 Liêu Thành trong tình trạng nguy kịch.

Kiểm tra ban đầu cho thấy huyết áp cao 95/49mmHg, tim đập nhanh 126 nhịp/phút, nhịp thở ngắn và gấp: 34 nhịp/phút, trong khi thân nhiệt thấp ở 35,7 độ C và đang có xu hướng giảm dần.

Đặc biệt, cánh tay phải của bệnh nhân nổi nhiều chấm đen, có vết thương dài khoảng 4cm đã đóng vảy, đau vùng ngực sát nách phải, đau bụng và có dấu hiệu nhiễm trùng ở nhiều nơi. Tổ cấp cứu lập tức cho thở máy, bổ sung dịch, giải nén đường tiêu hóa và áp dụng kháng sinh để điều trị chống nhiễm trùng.

Xử lý sai vết trầy xước ở tay, thanh niên 28 tuổi bị hoại tử, suy đa tạng rồi tử vong, bác sĩ chỉ ra 5 điều cần nhớ - Ảnh 1.

Người nhà bệnh nhân cho biết, anh ta trước giờ vô cùng khỏe mạnh, gia đình cũng không có tiền sử bệnh tật gì. Chỉ là trước đó khoảng 1 tuần, anh vô tình bị trầy xước cánh tay phải, vết thương không nghiêm trọng nên chỉ tự rửa bằng hydrogen peroxide.

Không ngờ, vài ngày sau, anh ta bắt đầu đau và khó chịu vùng cánh tay, nách và ngực phải. Cơn đau tập trung ở thành trước ngực phải sát nách, lúc đầu đau âm ỉ, sau đó là đau dữ dội, đồng thời sốt cao và tiêu chảy, gia đình lập tức đưa đến bệnh viện.

Sau khi giành giật được sự sống của bệnh nhân từ tay thần chết, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, kết quả cho thấy nhiều chỉ số bất thường. Siêu âm chỉ ra nhiều huyết khối dẫn đến thuyên tắc trong tĩnh mạch, bắt đầu tràn dịch màng phổi, hạch nách phải phình to, có các triệu chứng suy gan, suy thận, suy giảm chức năng tiêu hóa.

Xử lý sai vết trầy xước ở tay, thanh niên 28 tuổi bị hoại tử, suy đa tạng rồi tử vong, bác sĩ chỉ ra 5 điều cần nhớ - Ảnh 2.

Nhóm hội chẩn đưa ra thông báo khẩn, chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm trùng và suy đa tạng, bắt đầu có dấu hiệu hoại tử, khả năng tử vong rất cao, các bác sĩ chuyên khoa phải túc trực tại ICU liên tục 24/7.

Ngày hôm sau, tình trạng bệnh nhân chuyển biến tiêu cực. Toàn bộ cánh tay phải, nách phải, ngực, 2 chân và khu vực quanh cơ quan sinh dục của bệnh nhân tụ máu nặng, nhiều vùng hoại tử, chảy dịch và mủ khó kiểm soát. Các bác sĩ phải can thiệp bằng phẫu thuật và thực hiện lọc máu tại giường.

Đến 17h34 ngày 12/08/2021, bệnh nhân tử vong sau rất nhiều nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ. Bác sĩ chủ trị buồn bã ghi nguyên nhân tử vong: viêm hoại tử Fasciitis diễn biến nhanh chóng dẫn đến nhiễm trùng huyết và suy đa chức năng.

Bác sĩ: 5 điều cần lưu ý khi xử lý vết thương hở

Bác sĩ Wang Xiaoyan, tham gia điều trị cho bệnh nhân trên tại Bệnh viện nhân dân số 2 Liêu Thành (Trung Quốc) cho biết, viêm hoại tử Fasciitis còn được gọi là “bệnh vi khuẩn ăn thịt người”. Đây là bệnh nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng ăn lan 1 cách nhanh chóng các mô tế bào xung quanh các cơ bắp.

Bệnh viêm hoại tử có thể bắt đầu bằng một vết đứt hoặc vết bầm nhỏ bị nhiễm trùng hoặc sau khi nhiễm bệnh thủy đậu, đôi khi không có vết thương hoặc thương tích rõ rệt ở da. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, cứ 4 người mắc thì có 1 người tử vong, thời gian tử vong có thể chỉ cần 12 - 24 tiếng.

Xử lý sai vết trầy xước ở tay, thanh niên 28 tuổi bị hoại tử, suy đa tạng rồi tử vong, bác sĩ chỉ ra 5 điều cần nhớ - Ảnh 3.

Ông nhấn mạnh, khi có các vết thương hở, tốt nhất là chúng ta nên nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia y tế và lưu ý 5 điều sau:

- Tùy theo loại chấn thương mà chọn các loại thuốc sát trùng bên ngoài phù hợp. Các loại thuốc sát trùng thường dùng cho chấn thương bao gồm iodophor, cồn y tế, siro đỏ, hydrogen peroxide… và nhớ phải sát trùng kỹ, tránh để lại nơi sinh sản cho vi khuẩn.

- Cố gắng không băng vết thương nhỏ vào mùa hè nắng nóng, nếu có thì tránh quấn quá chặt để vết thương mau lành hơn.

- Khi mở vết thương cần tránh chạm vào nước. Trong nước có nhiều vi khuẩn, đặc biệt là khi tắm hoặc bơi lội.

- Khi vết thương có triệu chứng nhiễm trùng, hãy đi khám và điều trị kịp thời, điều trị khoa học, thay băng đúng thời gian.

- Băng vết thương và tiêm thuốc uốn ván kịp thời để phòng bệnh sán.

Ông cũng hướng dẫn cách kiểm tra vết thương có nhiễm trùng hay không với 3 triệu chứng sau:

- Vết thương và vùng da xung quanh bị sưng đỏ.

- Nhiệt độ xung quanh vết thương cao.

- Vết thương có mủ hoặc chảy dịch bất thường.

Nếu tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, thường sẽ gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, chán ăn, hoặc hôn mê. Còn nếu vi khuẩn từ vùng nhiễm trùng xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn máu, nó có khả năng gây ra các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, Bác sĩ Wang khuyến cáo mọi người đừng xem nhẹ những vết thương nhỏ và tìm đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nhiễm trùng trước khi quá muộn.

Nguồn và ảnh: Sohu, ETtoday, Healthline


Khuê Lăng

Cùng chuyên mục
XEM