Xu hướng dòng tiền đầu tư chung cư tiếp tục đổ về "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương trong năm 2021

26/01/2021 13:40 PM | Kinh doanh

Xu hướng ly tâm dịch chuyển dòng vốn đầu tư xuôi chiều, lan tỏa dần ra các khu vực tỉnh thành ven trung tâm, khi mà quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày một khan hiếm sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021.

Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, năm 2020, thị trường căn hộ TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn. Nguồn cung sơ cấp cả năm ở mức thấp nhất trong 5 năm với hơn 25.300 căn, giảm mạnh 38% theo năm do nguồn cung mới hạn chế và lượng hàng tồn thấp. Căn hộ hạng C tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung cả năm với 65% thị phần.

Việc khan hiếm nguồn cung đã kéo theo lượng giao dịch thấp nhất trong 5 năm, chỉ đạt gần 22.700 căn. Tuy nhiên, chính nguồn cung khan hiếm này đang "bắt lửa" cho xu hướng dịch chuyển lớn của các nhà đầu tư sang những khu vực giáp ranh TP.HCM nhằm tận dụng chính sách thu hút đầu tư của địa phương và quỹ đất lớn cũng như giá thành đáp ứng được nhu cầu người mua nhà.

Về xu hướng chung, từ những áp lực cạnh tranh gay gắt, các chủ đầu tư trên thị trường sẽ tập trung phát triển dự án căn hộ hoặc các phức hợp đô thị có sự khác biệt trong thiết kế, tích hợp nhiều yếu tố đáp ứng nhu cầu sống của cư dân. Đồng thời, áp dụng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn thu hút người mua nhà như chính sách thanh toán, gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp và thời gian ân hạn kéo dài, chương trình khuyến mãi, rút thăm may mắn,…

Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng ly tâm dịch chuyển dòng vốn đầu tư xuôi chiều, lan tỏa dần ra các khu vực tỉnh thành ven trung tâm, khi mà quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày một khan hiếm sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021. Đặc biệt, những điểm sáng như Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… đang trở thành nơi thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư và  dự báo cho đợt bùng nổ nguồn cung tiếp theo trong thời gian tới.

Góp phần to lớn trong xu hướng dịch chuyển nguồn cung nhà ở ra khỏi TP.HCM trong thời gian gần đây chính là nhiều cơ sở hạ tầng tương lai như tuyến tàu điện Metro số 1 và Đường Vành đai 2, 3, các tuyến cao tốc và đường sắt kết nối liên vùng cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Trong danh sách những thị trường mới "trỗi dậy" trong năm 2021, Bình Dương là cái tên được giới chuyên gia đánh giá rất cao về triển vọng bứt phá, trở thành "điểm trũng" hấp dẫn dòng tiền đầu tư dài hạn.

Giải thích thêm về "hiện tượng" này, chuyên gia BĐS cá nhân Phan Công Chánh cho rằng để nâng cao sức hút đối với dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, năm 2021 Bình Dương sẽ chi gần 10.000 tỉ đồng để thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng. Điển hình là đầu năm 2021 sẽ cải tạo và mở rộng tuyến đường huyết mạch Quốc Lộ 13, đoạn qua Thuận An kéo dài từ cổng chào Vĩnh Phú đến điểm giao đường Lê Hồng Phong với quy mô 8 làn xe, lộ giới 64m, dự kiến hoàn thành trước 2023.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố quy hoạch trục Quốc lộ 13 chạy từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết thành đại lộ kinh tế, tài chính, dịch vụ lớn nhất của Bình Dương. Theo quy hoạch, trong tương lai, các tòa tháp biểu tượng, tháp tài chính, bệnh viện, đại học, khu dân cư cao cấp, văn phòng, khách sạn 5 sao được bố trí dọc 2 bên đại lộ. Quanh đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, phụ trợ cho trục chính với: trung tâm 1 tọa lạc tại Lái Thiêu; trung tâm 2 thuộc khu vực ngã tư quốc lộ 13 và đường An Thạnh - Bình Chuẩn; trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và đường DT473; trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.

Không những vậy, Bình Dương còn được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp của nước ta. Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương hiện đang có hơn 50.000 chuyên gia sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp. Bình Dương hiện cũng đang quy hoạch phát triển mở rộng thêm 34 khu công nghiệp với tổng diện tích 14.790 ha. Dự kiến trong tương lai các khu công nghiệp này hoàn thành sẽ thu hút một lượng lớn chuyên gia đến làm việc tại Bình Dương, có thể tăng lên 100.000 người. Khi đó, nhu cầu về nhà ở cũng sẽ tăng mạnh theo.

Cùng với những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", thị trường bất động sản tại Bình Dương, đặc biệt là Thuận An nóng chưa từng có. Trong năm 2020, Bình Dương chứng kiến làn sóng đổ bộ của nhiều ông lớn với những siêu dự án có tổng mức đầu tư hơn 2 tỉ USD, nguồn cung căn hộ khoảng 20.000 căn nửa cuối năm.

Bình Dương không chỉ đang thu hút các nhà đầu tư trong nước như Công ty cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Đất Xanh, Phát Đạt, Danh Khôi, Quốc Cường Gia Lai, Hưng Thịnh, LDG Group, Bcons Group… mà còn hút vốn từ các nhà đầu tư ngoại như Tập đoàn Sembcorp Industries và Tokyu Group. Trong đó, Thuận An chiếm tỉ trọng cao nhất, 15.000 căn hộ. Giá bán căn hộ trung bình ở Bình Dương đã tăng 15% mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Tính đến tháng 10/2020, giá căn hộ tại đây đạt gần 42 - 45 triệu/m2, tăng đáng kể từ mức 20 - 25 triệu/m2 trong năm 2018.

Với dòng tiền đang ồ ạt đổ về Bình Dương, Long An, Đồng Nai... T.S Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thượng hiệu và Cạnh tranh cho rằng nhà đầu tư cần chú ý 4 yếu tố khi đầu tư vùng ven, bao gồm tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư "đầu đàn" và cuối cùng mới tới tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Theo ông, tính kết nối của địa phương về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt quan trọng nhất khi lựa chọn địa phương để đầu tư.

Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Pháp lý dự án là quan trọng. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro vì đây là ba yếu tố quan trọng khi chúng ta đầu tư vào một dự án.

Lan Nhi

Cùng chuyên mục
XEM