Vì sao iPhone càng thành công, Apple càng khổ?

03/11/2015 09:25 AM | Công nghệ

12 tháng qua, mảng kinh doanh iPhone đã tăng trưởng 52% - nhưng tất cả những mảng còn lại, lại giảm 3%.

14 năm trước, Steve Jobs đã ra mắt một thiết bị nghe nhạc nhưng không gây ấn tượng với nhiều người. iPod hoàn toàn giống với những máy nghe nhạc khác và không phải là một sản phẩm có thể tạo ra bước chuyển mình lớn dành cho Apple. Kết quả là sau đó, công ty này đã gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận.

Vào thứ 3 vừa qua, Apple tuyên bố lợi nhuận hàng năm cao kỷ lục lên tới 53,3 tỷ USD. Trong giai đoạn từ tháng 6 - 9, doanh số bán iPhone tăng 1/4 so với cùng kỳ năm 2014, thậm chí những đối thủ lớn như Samsung và LG đều đang chứng kiến sự sụt giảm. Cuộc cải cách gần như đã hoàn thành.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn băn khoăn: Liệu Apple đã đạt đỉnh cao hay chưa? Liệu có phải cuối cùng, mọi việc sẽ xuống dốc từ đây hay không? Ít nhất hiện tại, câu trả lời là không. Từ bây giờ cho tới tháng 12 có lẽ sẽ là giai đoạn tốt đẹp nhất của Apple. Công ty này dự đoán doanh thu đạt 76,5 tỷ USD - tăng nhẹ so với năm trước đó và lợi nhuận có thể cao hơn hẳn so với mức 18 tỷ USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một vài dấu hiệu đáng lo ngại: Doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu sụt giảm, sự dịch chuyển sang những lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo - nơi Apple đang bị tụt lại phía sau so với Goolge và triển vọng đánh cược vào mảng xe tự lái không khả quan.

Thử thách mấu chốt để công ty tìm ra một sản phẩm đột phá tiếp theo chính là “điện thoại thông minh là sản phẩm tiêu dùng quan trọng nhất từng xuất hiện”, theo Andy Hargreaves - một chuyên gia phân tích tài chính. Nó là sản phẩm tiêu dùng được phân bổ rộng rãi nhất trong lịch sử với 2,4 tỷ chiếc được đưa vào sử dụng, là thiết bị cần thiết của tất cả mọi người từ nhân viên ngân hàng phố Wall tới người tị nạn. Và 400 triệu chiếc trong số đó là iPhone.

“Apple có thể trở thành nạn nhân của thành công do chính họ tạo ra”, theo Geoff Blaber - Phó chủ tịch US research nói. “iPhone bán được nhiều hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh của họ nhưng không chắc có thể tìm ra được một sản phẩm nào khác có thể được bán với mức giá và số lượng như vậy”.

Thời điểm hiện tại, số lượng iPhone bán ra vẫn tăng. 12 tháng qua, doanh số bán hàng đạt 51 tỷ USD - lớn hơn doanh số của gần 90% công ty thuộc Fortune 500. Sau khi Steve Jobs mất vào năm 2011, 2 năm sau đó doanh thu của công ty đã sụt giảm. Tuy nhiên hiện tại, con số này đang tăng trưởng trở lại dù vẫn xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy sự suy yếu dần.

Doanh thu từ việc bán iPhone (màu xanh) và các sản phẩm khác ngoài iPhone của Apple (màu cam):

Apple có thể được xem là 2 công ty: 1 chỉ bán iPhone và một bán các thiết bị khác bao gồm iPad, iPod, Apple Watch, iTunes, ứng dụng, phụ kiện…

Daniel Tello - người luôn theo dõi sát sao tình hình tài chính của Apple chỉ ra rằng 12 tháng qua, mảng kinh doanh iPhone đã tăng trưởng 52% - nhưng tất cả những mảng còn lại, lại giảm 3%. Phần lớn trong số đó là doanh thu bán iPad - thiết bị tăng trưởng chậm lại trong 2 năm gần đây sau 3 năm phát triển thần tốc kể từ năm 2010.

Tim Cook và đội ngũ nhân viên của ông đang nỗ lực thay đổi cục diện. Bên cạnh những dòng iPhone mới, năm nay Apple đã ra mắt chiếc đồng hồ Apple Watch, thế hệ iPad có kích thước lớn hơn và Apple TV. Cuối cùng, hiện có 6,5 triệu người đang trả 10 USD/tháng cho dịch vụ Apple Music.

Tuy nhiên, con số 65 triệu USD thuê bao mỗi tháng hay 780 triệu USD/năm chưa thể gây được ấn tượng mạnh. “Chúng tôi nghĩ rằng các sản phẩm và dịch vụ mới của công ty sẽ đạt tốc độ phát triển chậm chạp”.

Hiện tại Apple vẫn chưa công bố doanh số bán và doanh thu của Apple Watch. Mặc dù đang dẫn đầu thị trường nhưng các chuyên gia phân tích dự đoán rằng tổng doanh số bán hàng của sản phẩm này không vượt quá mức 10 triệu chiếc và chỉ tạo ra khoảng vài tỷ USD.

Chính vì vậy, trừ khi phát triển thật nhanh chóng nếu không nó sẽ khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán iPhone. Dẫu vậy, Colello nói rằng: “Chúng tôi vẫn lạc quan rằng thiết bị này sẽ thăng hoa, đặc biệt khi khách hàng hài lòng”.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều bài học xương máu. Giai đoạn 1999 – 2000, thậm chí Microsoft còn có giá trị cao hơn cả Apple (tính cả lạm phát) nhưng hiện tại trước sự bùng phát của điện thoại thông minh, sự thống trị trong mảng máy tính của họ đã hoàn toàn bị suy giảm.

Giống như vậy, mảng di động của Nokia đã từng “xưng vương” trước khi sụp đổ hoàn toàn trước đòn tấn công của Apple và Android. BlackBerry cũng từng đắm mình trong ánh hào quang trước khi suy sụp như hiện tại. Nếu doanh số bán iPhone cũng giảm như iPad, đế chế Apple cũng nhanh chóng sụp đổ theo.

Hiện tại với sự gia tăng của Google và Facebook, luật chơi đang dần dịch chuyển sang việc tập trung riêng vào mảng phần mềm và những công nghệ mới có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu từ người dùng.

Có lẽ, bước đột phá trong thời gian tới sẽ là ô tô. Từ nhiều tháng nay, Apple đã “dụ dỗ” nhân viên tại các công ty khác như Tesla, Mission Motors và nhà sản xuất pin 123 System. Một số tài liệu rò rỉ cũng cho thấy công ty này đang thử nghiệm xe tự lái với dự án mang tên “Project Titan’.

Sir Jony Ive – Giám đốc thiết kế của công ty từng ám chỉ rằng: “Sẽ có một vài chiếc xe ô tô gây sốc trên đường phố thời gian tới”. Tuy nhiên, mảng kinh doanh xe ô tô sẽ sớm trở nên thông dụng. Yếu tố chính tạo ra khác biệt có lẽ là phần mềm điều khiển hệ thống. Liệu Apple có thể làm được hay không? “Sẽ có những rủi ro đáng kể. Apple thực chất không rành về không gian tự động”.

Đầu tháng này, CEO Elon Musk của Tesla cũng đã cảnh báo về kế hoạch sản xuất ô tô của Apple. “Ô tô phức tạp hơn rất nhiều so với điện thoại di động. Bạn không thể chỉ cần tìm đến một nhà sản xuất như Foxconn (đối tác Apple ký thoả thuận sản xuất iPhone) để yêu cầu họ sản xuất 1 chiếc ô tô được”. Có lẽ lúc này, Apple vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào iPhone…

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM