Trung Quốc đã "nuốt" những công ty công nghệ lớn nào của Mỹ, Nhật, Pháp?

27/02/2016 20:40 PM | Công nghệ

Sharp là thương hiệu tiếp theo có thể sẽ mang dòng chữ “Made in China”. Trước Sharp còn phải kể đến hàng loạt những tên tuổi đình đám một thời khác như Motorola, IBM, Acatel... từng là niềm tự hào của các quốc gia nay cũng đã thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.

Lenovo mua lại mảng PC của IBM (1,75 tỷ, năm 2004)

Sau 13 tháng đàm phán, IBM đã gật đầu đưa mảng kinh doanh PC của mình về tay Lenovo với mức giá 1,75 tỷ USD. Theo thỏa thuận này, IBM sẽ chiếm 18,9% cổ phần của Lenovo. Lenovo sẽ trả 1,25 tỷ USD cho mảng kinh doanh PC của IBM đồng thời gánh toàn bộ số nợ. Tổng cộng, con số IBM được nhận sau vụ mua bán này là 1,75 tỷ USD.

Lenovo đã trả khoảng 650 triệu bằng tiền mặt và 600 triệu bằng cổ phiếu. Sau cuộc sáp nhập này, dựa trên doanh số hàng năm của cả 2 bên là 11,9 triệu sản phẩm và doanh thu 12 tỷ USD, cái tên Lenovo đã được đẩy lên vị trí thứ 4 trong số những công ty sản xuất PC lớn nhất thế giới.

Cũng theo thỏa thuận, Lenovo là nhà phân phối máy tính cho IBM và được phép sử dụng thương hiệu IBM trong vòng 5 năm với yêu cầu kèm theo chữ “Think” trên mác sản phẩm. Vụ nhượng quyền thương hiệu đưa số nhân viên của Lenovo lên hơn 19 nghìn người trong đó có 10.000 nhân viên của IBM và 9.200 nhân viên của Lenovo. Trụ sở của hãng vẫn sẽ đặt ở New York và có văn phòng tại Bắc Kinh và Raleigh, Bắc Calorina.

Phát biểu trước sự kiện này, vị Chủ tịch của Lenovo lúc bây giờ, ông Chuanzhi Liu cho biết: “Với tư cách là nhà sáng lập Lenovo, tôi rất vui mừng trước bước đột phá này trong hành trình của Lenovo để trở thành một công ty quốc tế”.

Trước khi mua lại mảng kinh doanh PC của IBM năm 2005, Lenovo đứng vị trí số 9 trong ngành công nghiệp PC toàn cầu với thị phần 2,3% và doanh thu hàng năm chỉ 3 tỉ USD. Đúng 10 năm sau, Lenovo đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về PC với thị phần 20% và doanh thu tăng gấp 13 lần đạt 39 tỉ USD.

Đáng chú ý, việc mua lại mảng PC của IBM và sự tăng trưởng vượt bậc của mảng kinh doanh này đã mang lại cho Lenovo sức mạnh để mở rộng thành 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với quy mô toàn cầu: đó là PC, di động và doanh nghiệp.

9 năm sau khi mua lại mảng PC, Lenovo tiếp tục “mua đứt” mảng kinh doanh máy chủ phổ thông của IBM. Tháng 8/2014, IBM thông báo bán mảng kinh doanh máy chủ phổ thông của mình (x68) cho Tập đoàn Lenovo với giá 2,3 tỷ USD trong bối cảnh giữa hai nước đang có căng thẳng. Quyết định này đã được chính phủ Mỹ thông qua sau khi xem xét những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Hoàn tất thương vụ này, IBM có thể từ bỏ bộ phận kinh doanh có lợi nhuận thấp để tập trung vào những lĩnh vực đang tăng trưởng, như điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Công ty sẽ tiếp tục phát triển phần mềm Windows và Linux cho nền tảng x86, tuy nhiên mảng phần cứng sẽ được nhanh chóng chuyển giao lại cho Lenovo. Đổi lại, Lenovo sẽ có một thị phần lớn hơn trong lĩnh vực phần cứng điện toán toàn cầu. Lực lượng nhân sự trước kia cũng sẽ giao lại cho công ty Trung Quốc sau khi 2 bên hoàn thành các thủ tục pháp lý.

TCL mua lại Alcatel (20 triệu USD, năm 2005)

TCL Corporation là một công ty điện tử đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở tại Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Công ty này chuyên thiết kế, sản xuất, phát triển và bán các sản phẩm như TV, di động, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh và các thiết bị điện tử khác. Năm 2013, TCL nhà sản xuất TV lớn thứ 3 trên thế giới.

Tháng 5/2005, TCL tuyên bố chi nhánh được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông của mình đã mua lại 45% cổ phần của Alcatel. Sự hợp tác này đã tạo ra cái tên Công ty di động TCT (tên cũ là TCL – Alcatel Mobiphone Ltd) điều hành 3 mảng kinh doanh gồm điện thoại Alcatel, điện thoại TCL và thiết kế thương hiệu. TCL đã bỏ ra 20 triêu USD để chi trả cho vụ mua lại này. Với 45% cổ phần, TCL toàn quyền điều hành Alcatel.

Lenovo mua lại Motorola Mobility (2,91 tỷ, năm 2014)

CEO Google bắt tay CEO Levono
CEO Google bắt tay CEO Levono

Giữa năm 2012, gã khổng lồ Google gây bất ngờ cho giới công nghệ khi tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại Motorola với giá 12,5 tỷ USD, thế nhưng khi bản hợp đồng này còn chưa thực hiện xong, Google đã lại đẩy Motorola sang cho một tập đoàn Trung Quốc là Lenovo với mức giá rẻ mạt, chỉ hơn phần lẻ của con số 12,5 tỷ USD Mỹ.

Theo thỏa thuận được ký đầu năm 2014, Lenovo đã mua lại Motorola Mobility với mức giá 2,91 tỉ USD. Khi về ta Lenovo, Motorola Mobility vẫn hoạt động dưới dạng công ty con và giữ nguyên trụ sở tại Mỹ. Trong số 2,91 tỷ USD này, 660 triệu USD được thanh toán bằng tiền mặt, 750 triệu USD quy đổi thành 519 triệu cổ phiếu của Lenovo, phần 1,5 tỷ USD còn lại sẽ được trả cho Google trong vòng 3 năm. Ngoài ra, Lenovo cũng sẽ mất một khoảng 228 triệu USD để “bù đắp” cho Google.

Yang Yuanqing, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Lenovo phát biểu: “Ngày hôm nay là cột mốc lịch sử đánh dấu việc Lenovo và Motorola là một và sẽ cùng nhau phát triển, cạnh tranh và giành chiến thắng trên thị trường smartphone toàn cầu".

Không giống như Microsoft đã loại bỏ thương hiệu Nokia khi thâu tóm mảng di động và dịch vụ của hãng điện thoại Phần Lan, ban đầu Lenovo vẫn sử dụng thương hiệu Motorola hay Moto Droid. Thế nhưng đến tháng 1/2016, Lenovo đã quyết định “xóa sổ” cái tên Motorola mà chỉ giữ lại chữ M và biểu tượng cánh dơi. Quyết định này của Lenovo khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối bởi cái tên Motorola gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử của ngành di động.

Cũng theo thỏa thuận, mặc dù toàn bộ Motorola thuộc về Lenovo nhưng Google vẫn sẽ giữ lại các bằng sáng chế. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Lenovo mua lại Motorola Mobility cũng là một bước cờ đúng đắn nhằm nâng cao vị thế của thương hiệu này.

Foxconn mua lại Sharp (6,25 tỷ USD, 2016)

Vụ Foxconn, nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp iPhone đến từ Trung Quốc đang nỗ lực thâu tóm công ty điện tử Nhật Bản Sharp là cú “nuốt chửng” mới đây nhất. Sau nhiều nỗ lực thỏa thuận, cách đây ít ngày, hai bên đã thống nhất mức giá 6,25 tỷ USD. Với mức giá này, Foxconn đã đánh bại công ty Innovation Network Corporation (INCJ), một tập đoàn do chính phủ Nhật Bản “chống lưng”, từng hỗ trợ các cuộc sáp nhập của Hitachi, Sony...

Theo thỏa thuận, ngoài 6,25 tỷ trả cho Sharp, Foxconn sẽ gánh toàn bộ số nợ của Sharp. Thế nhưng chính vì điều khoản này mà Foxconn đang “lừng khừng” chưa ký kết bản thỏa thuận. Theo Wall Street Journal, Foxconn không tiết lộ chi tiết, song những người liên quan đến sự việc nói rằng nhà lắp ráp iPhone trì hoãn mua Sharp sau khi xem xét những rủi ro tài chính tương lai của Sharp. Foxconn đã nhận được một bản danh sách bao gồm “những công nợ tiềm tàng” trị giá đến khoảng 350 tỷ yên (khoảng 3 tỷ USD) của Sharp.

Hiện tại, Foxconn đang xem xét một bản danh sách gồm 100 danh mục, và công ty vẫn chưa từ bỏ thương vụ này. Foxconn tuyên bố: “Chúng tôi đã thông báo với Sharp rằng chúng tôi phải làm rõ các nội dung. Chúng tôi phản hoãn việc ký kết mua bán trước khi cả hai có thể đạt đến thỏa thuận. Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng xác minh và đưa thương vụ này đến thành công cuối cùng”.

Nếu thành công, thương vụ giữa Sharp và Foxconn sẽ là là cuộc mua bán với nước ngoài lớn nhất trong lịch sử công nghệ của Nhật. Điều này có ảnh hưởng rất lớn với lĩnh vực công nghệ của Nhật, quốc gia nổi tiếng luôn bảo vệ tài sản của mình, đặc biệt là khi cuộc mua bán đó liên quan đến lợi ích của bên ngoài.

Sau Sharp sẽ là những cái tên đình đám nào của thế giới rơi vào tay Trung Quốc nữa? Bạn có nghĩ một ngày nào đó cả Apple, Samsung hay những hãng điện tử Nhật Bản yêu thích một thời của chúng ta sẽ đều chỉ là "hàng Tàu" không?

Theo Lê Nga

Cùng chuyên mục
XEM