“Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple

11/04/2021 11:34 AM | Xã hội

Ngay sát bên toà nhà lớn và đắt nhất thế giới là nơi ở của khoảng 15-20 người vô gia cư, những người kiếm sống bằng cách bới các bãi rác quanh đó và mong chờ sự đối thoại từ chính quyền địa phương.

Ở khu vực giao giữa East Homestead và đường North Wolfe (Cupertino, California) có một cây sồi lớn được trồng bởi một trong những công ty thành công nhất lịch sử - Apple. Cây sồi này được xem là cột mốc, đánh dấu việc bạn sắp bước vào Apple Park – trụ sở hình phi thuyền giá trị 5 tỷ USD. Cao bằng một toà nhà 3-4 tầng, đây là một trong những loại cây lớn nhất trong số hơn 9.000 cây được trồng trong "Vườn địa đàng" rộng 175 mẫu Anh bao quanh trụ sở Apple. Có tất cả 37 loại cây ăn quả ở đây: mận, mơ, hồng, anh đào và tất nhiên, cả táo.

Người bên ngoài không được phép đi vào toà nhà trung tâm rộng 2,8 triệu foot vuông của khu trụ sở. Nó được bảo vệ bởi một bức tường cao với các thanh xà dọc gợi nhớ đến hàng rào ở biên giới Mỹ - Mexico. Bên trong, nội thất của khu văn phòng có những chiếc "ghế da cao cấp được đặt làm riêng bởi Louis Vuitton, theo ảnh rò rỉ nhân viên Apple đăng trên Instagram.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 1.

Với cây sồi già, nhiều khả năng Apple phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD để mua và vận chuyển nó đến đây bằng xe tải và cần cẩu. Apple là một doanh nghiệp trị giá 2.000 tỷ USD, bỏ ra khoảng 85 triệu USD để tạo ra khu "Vườn địa đàng" quanh trụ sở. Nó hoàn toàn đối lập với điều kiện sống khắc nghiệt của những người "hàng xóm" gần đó.

Nếu đi bộ về phía nam xuống đường North Wolfe, băng qua những đồng cỏ ẩm ướt, bạn sẽ thấy một bộ mặt khác của thung lũng Silicon. Chỉ cách trụ sở của Apple nửa dãy nhà, những căn lều và bạt trải dài trên vỉa hè phía trước khu chung cư The Hamptons. Xa hơn chút nữa, những nhà bạt đó thậm chí che khuất những bụi cây dọc theo con đường I-280.

Cộng đồng người vô gia cư bên ngoài khuôn viên Apple đã gắn bó với nhau từ cuối tháng 2/2020 với khoảng 15-20 người. Cupertino là cộng đồng giàu có nhất trong khu vực giàu có nhất tại Mỹ. Thu nhập bình quân của một hộ gia đình tại đây là 150.000 USD. Mệt mỏi vì liên tục bị đuổi khỏi thị trấn, một nhóm người vô gia cư đã dựng lều ở đây. Với các nhân viên Apple đi lại dọc theo con đường bận rộn, họ tin rằng cảnh sát sẽ cân nhắc trước khi đuổi họ một lần nữa.

Một số cấu trúc của "dãy nhà" này là sự kết hợp phức tạp của lều, bạt, quần áo ướt, đồ đạc bị phá huỷ, bếp lò đầy dầu mỡ. Họ cũng có một "phòng sinh hoạt tập thể" đặt trên một dải đất hẹp dọc theo lề đường.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 2.

Bên cạnh trụ sở trị giá 5 tỷ USD là Wolfe Camp - "dãy nhà" gồm tổ hợp của lều, bạt, quần áo, đồ đạc cũ bị phá huỷ

Tháng 10/2020, Ron ngồi trên mặt đất, chân trần và mỉm cười với một vài người bạn. Người đàn ông cao lớn, mập mạp, 43 tuổi mặc một chiếc áo khoác sành điệu, bộ râu được cắt tỉa gọn gàng, Ron từng là nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học. Tên của ông xuất hiện trên các bài báo học thuật với tiêu đề như: "Phân tích Proteomic làm nổi bật vai trò của các cánh giải độc tăng khả năng chịu đựng đối với bệnh Huanglongbing".

Những ngày này, anh dành phần lớn thời gian để nhặt nhạnh những món đồ có thể bán được thùng rác của các chung cư và công viên xung quanh. Ron là "cư dân Wolfe Camp", những người hàng xóm của anh cũng là công dân tại thung lũng Silicon, chẳng hạn như cựu đại diện bán hàng của Infineon với mái tóc màu hồng, móng chân màu đỏ. Một người khác từng làm tài xế xe đưa đón của Google trước khi bị cho thôi việc khi đại dịch bùng phát. Một ai đó phun sơn dòng chữ: "Hãy hạnh phúc, cuộc sống là một món quà" trên bức tường ngôi nhà bạt của họ.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 3.

Sau khi lều bạt được dựng lên, các tờ báo địa phương đăng hàng loạt câu chuyện về họ. Các cuộc trò chuyện trên mạng bùng lên. Người dân địa phương cũng ghé qua với hàng đống đồ tạp hoá, đồ dùng vệ sinh, tò mò muốn gặp gỡ những người "hàng xóm" của họ.

Một số người khác ít thân thiện hơn. Họ ném đồ vật ra khỏi xe khi đi qua, cùng những lời chê bai, tục tĩu. Một ai đó đã phun sơn dòng chữ "cút" trên ghế bên trong căn nhà của những người vô gia cư. Nhưng họ sẽ đi đâu? Cupertino không có chỗ cho người vô gia cư và hầu như không có nhà ở trợ cấp. Thành phố với 60.000 cư dân này đã dành 142 căn hộ cho thuê giá "thấp" dành cho những hộ gia đình kiếm được dưới 55.300 USD/năm. Trong đó, mức thấp nhất dành cho gia đình kiếm được ít hơn 139.100 USD. Giá thuê từ 1.250 đến 1.800 USD/tháng. Những người cắm trại trên đường Wolfe chắc chắn không nằm trong số này.

Trong tháng đầu tiên khi lều bạt được dựng lên, chính quyền địa phương hứng chịu hàng loạt lời phàn nàn. "Họ chắc chắn không quen nhìn thấy những thứ như thế này ở Cupertino", Đại uý Ricardo Urena của văn phòng cảnh sát Cupertino nói với Mercury News hồi năm ngoái.

Ron biết rõ chuyện già xảy ra, và vì sao một trong những khu giàu có nhất hành tinh lại trở thành nơi cư ngụ của những người vô gia cư. Ron trở thành người vô gia cư sau cú sốc tinh thần thời kỳ hậu ly hôn. Anh sinh ra tại một thị trấn của khu vực giàu có Los Altos. "Tất cả mọi người tôi quen đều giàu có" anh nói.

"Chúng tôi cũng là con người", đó là thông điệp của Steve, 50 tuổi muốn gửi đến chính quyền thành phố. Steve coi Wolfe Camp là khu vực chiến lược, phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo đáng kinh ngạc tại đây. "Ngay cả khi tôi có 3 công việc, tôi vẫn không đủ tiền thuê nhà", anh nói.

Trey, một người da màu 30 tuổi sống tại đây cho biết anh rất ngạc nhiên khi Apple không có động thái nào để giải quyết cho những người vô gia cư. "Chúng tôi đang ở bên cạnh họ theo đúng nghĩa đen. Họ là công ty đầu tiên trên thế giới đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD. Nhưng họ đã làm gì giúp đỡ chúng tôi chưa? Nhấc một ngón tay? Hỏi chúng tôi bất cứ điều gì? Không. Tất cả những gì họ thấy là một sự phiền toái".

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 4.

Là hàng xóm của những người giàu nhất hành tinh nhưng "xóm vô gia cư" ở Cupertino lại không được giúp đỡ gì

Trong 2 thập kỷ qua, nhóm những người làm việc trong ngành công nghệ được trả lương cao và các chính sách hạn chế về nhà ở đã đẩy giá bất động sản ở Thung lũng Silicon lên mức cao chóng mặt. Những người làm công việc như nhân viên vệ sinh, phụ vụ quán ăn, tài xế và các lao động thu nhập thấp khác có đủ tiền để mua nhà trong vòng một giờ lái xe từ Thung lũng Silicon.

Giá thuê trung bình cho một căn hộ 2 phòng ngủ tại Cupertino là 4.000 USD cho đến khi thị trường hạ nhiệt vào năm ngoái do đại dịch. Giá nhà trung bình ở đây là 2 triệu USD và vẫn đang tăng.

Steve, con trai của một gia đình Cupertino giàu có cho biết, ông từng làm lễ rửa tội trong nhà thờ đối diện với nơi giờ đây trở thành trụ sở Apple. Ông lớn lên cách đó vài dãy nhà và ông nhớ khu đất khuôn viên của Apple là một trang trại trồng cây ăn quả. HP sau đó đã mua lại khu đất và bán cho Apple.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 5.

Với các vườn cây mới, Apple hy vọng sẽ tái tạo lại đôi chút hình ảnh ngày xưa của khu đất. Khi Steve Jobs trình bày thiết kế của trụ sở trị giá 5 tỷ USD cho Hội đồng thành phố Cupertino năm 2011, họ đã hỏi công ty sẽ đóng góp gì để cải thiện cuộc sống cho người dân xung quanh. Jobs cho biết: "Tôi là một người đơn giản. Tôi cho rằng chúng tôi đóng thuế, còn thành phố nên làm những điều đó. Chúng tôi đóng thuế lớn nhất của Cupertino. Vì vậy, chúng tôi muốn tiếp tục ở lại đây và nộp thuế".

Apple sau đó đóng góp 5,85 triệu USD vào quỹ nhà ở giá rẻ của thành phố như một phần của thoả thuận. Năm 2019, hãng cam kết bổ sung 2,5 tỷ USD để giải quyết các vấn đề nhà ở trên toàn tiểu bang, trong đó 400 triệu USD đã được giải ngân cho đến nay, phần lớn tài trợ cho các dự án phục vụ người vô gia cư ở thung lũng Silicon.

Apple từ chối yêu cầu phỏng vấn về câu chuyện này nhưng phát ngôn viên của họ cho biết công ty cũng tặng trái cây từ vườn cây của họ cho một cửa hàng thực phẩm địa phương. Deborah Feng - Giám đốc quản lý thành Cupertino nói với OneZero rằng Apple không hợp tác với thành phố về tình trạng của người vô gia cư và nhà ở. "Họ không tìm đến tôi với một giải pháp. Google cũng vậy", bà nói.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 6.

"Apple không tìm đến chúng tôi với một giải pháp. Google cũng vậy" – Deborah Feng, Giám đốc quản lý thành phố Cupertino.

Mùa hè 2020 là quãng thời gian sôi động tại Wolfe Camp. Những người nhiều năm sống trong sự che giấu, sợ hãi đã gạt sự xấu hổ sang một bên để đối diện với những "người hàng xóm" của họ. Ron và nhóm người vô gia cư muốn kêu gọi hành động cụ thể, quyết liệt để chấm dứt tình trạng vô gia cư, đồng thời hạ giá nhà đất. Họ tin rằng với sự giàu có tại Cupertino, cộng đồng người vô gia cư địa phương sẽ được giúp đỡ.

Họ đã nói chuyện với các nhóm vận động, văn phòng cảnh sát trưởng, chính trị gia địa phương, quan chức thành phố - những người tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ. "Có rất nhiều tiền ở đây", Trey nói. "Hãy cho chúng tôi một cơ hội, sống trong một môi trường ổn định với mái che trên đầu, cơ hội thức dậy trên giường, đi tắm và đi làm". Trey từng có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực bán hàng (điện thoại, ô tô, bảo hiểm", có thời điểm kiếm được mức lương trăm nghìn USD. "Tôi có kỹ năng. Chỉ là tôi có cơ hội để sử dụng chúng tay không".

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 7.

Tháng 6/2020, một bảng thông báo xuất hiện bên cạnh khu trại thông báo rằng vỉa hè cần phải được dỡ bỏ, phục vụ cho dự án xây dựng trên khu đất gần đó. Các "trại viên" bị yêu cầu phải di chuyển với lý do không an toàn cho họ ở lại trong quá trình xây dựng.

Sau đó, nhiều cuộc tranh cãi và bất đồng nổ ra giữa các trại viên (cùng nhóm vận động) và thành viên hội đồng thành phố. Một số trại viên ngừng đấu tranh và dọn đi nơi khác. "Không dễ để sống ở đây, đối mặt với tất cả áp lực hiện tại", Steve nhìn đi chỗ khác và bắt đầu khóc.

Vài lần một tuần, Ron, Trey và những người bạn mạo hiểm ra ngoài sau nửa đêm để lùng sục các bãi rác của công viên và khu chung cư xung quanh. Họ luôn cố gắng rời đi trước khi nhân viên bảo vệ đuổi họ đi. Họ quay trở lại với TV màn hình phẳng, máy tính bảng, Kindle, quần áo hàng hiệu, túi xách – thường ở tình trạng cũ kỹ nhưng đôi khi còn nguyên bao bì. Những thứ này sẽ được bán trên các trang web như Craigslist, OfferUp và LetGo để thanh toán hoá đơn điện thoại, chạy máy phát diện. Ron cho biết anh kiếm được khoảng 500-800 USD mỗi tuần.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 8.

Cư dân Wolfe Camp bới rác để tìm TV, máy tính bảng, quần áo hàng hiệu, túi xách để bán lại kiếm sống

Khi được hỏi có bao giờ tìm kiếm tại thùng rác của Apple, Ron nói: "Những người ở đó coi thùng rác như là vàng vậy". Bất chấp khó khăn, một số trại viên nói họ không muốn rời bỏ cộng đồng này. "Rất nhiều người trong chúng tôi muốn ở lại đây. Chúng tôi có thể khóc, thảm hại, ồn ào hoặc tức giận nhưng sẽ không bao giờ tìm thấy sự thanh thản ở các nơi khác. Tôi yêu những chàng trai này".

Một tuần trước lễ Thanksgiving (2020), nhóm trại viên nhận được tin hội đồng thành phố chuẩn bị thông qua kế hoạch di dời khu cắm trại. Thành phố sẽ trả tiền để họ ở trong một khu motel cách San Jose 5 dặm, chi trả tiền ăn và đi lại trong 6 tháng. Họ cũng được quyền lên tiếng trong cuộc họp qua Zoom với Hội đồng thành phố Cupertino.

Ron cho biết một vài trại viên không chấp nhận đề nghị trên, bao gồm cả ông. "Chúng tôi có những nhu cầu khác. Chúng tôi muốn các anh cân nhắc làm việc trực tiếp với chúng tôi. Chúng tôi là người có học. Chúng tôi thông minh, không bạo lực. Đây là một khu dành cho người vô gia cư ở cạnh toà nhà lớn và đắt tiền nhất thế giới". "Cảm ơn anh, Ron", Phó thị trưởng thành phố nhấn nút tắt tiếng vì Ron đã hết 3 phút trình bày.

Sáng hôm sau, thông báo di dời khu cắm trại được dán ở mỗi căn lều. Một người đàn ông được thành phố uỷ thác đi vòng quanh với bảng ghi lại danh sách những người muốn chuyển đến khu motel. Chỉ có 7 người chấp nhận đề nghị.

Feng – người quản lý thành phố, dự đoán trước rằng điều này có thể xảy ra. Ngoài khu motel, thành phố cũng chuẩn bị một khu trại khác. Những ai sẵn sàng đến đó sẽ được tặng lều và túi ngủ. Một vài công ty địa phương sẵn sàng chi trả cho motel và khu trại mới. Apple không nằm trong số đó.

 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 9.
 “Xóm vô gia cư” bên cạnh trụ sở 5 tỷ USD của Apple - Ảnh 10.

Thành Duy

Cùng chuyên mục
XEM