Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại

22/04/2021 19:30 PM | Xã hội

Chiều ngày 22/4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM).

HĐXX bắt đầu làm việc

14h20, Phiên tòa xét xử phúc thẩm tiếp tục với phần tranh luận.

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên xét xử phúc thẩm chiều 22/4

15h00, Các luật sư nêu luận điểm trước tòa

Một luật sư của bị hại Hường nêu quan điểm cho rằng phía công ty Khang Gia và Fumita cần chịu trách nhiệm liên đới về việc cho bị cáo Phong thuê xe Mercedes dẫn đến tai nạn. 

Luật sư cho rằng công ty Fumita khi thuê xe của ông Phúc (chủ xe) chỉ được quyền quản lý và sử dụng nhưng không được cho thuê lại chiếc xe này. Trong hợp đồng cho thuê xe cũng có nội dung công ty Fumita không có quyền cho thuê lại. Thế nhưng công ty Fumita lại đem ô tô Mercedes này cho phía công ty Khang gia thuê, như vậy công ty Fumita đã vi phạm nội dung trong hợp đồng. 

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại - Ảnh 2.

Luật sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Bích Hường nêu quan điểm trước tòa

Mặt khác ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty Fumita chỉ là cho thuê xe đạp, xích lô và xe thô sơ không kèm theo người điều khiển. Còn việc cho thuê ô tô thì công ty này không có. 

Bên cạnh đó, căn cứ vào hợp đồng thuê xe giữa công ty Fumita và Khang Gia chỉ có đóng dấu, không có chữ ký của người đại diện cho công ty Fumita, nên hợp đồng này không có giá trị pháp lý. Hơn nữa giữa hai công ty này đều không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hồ sơ báo cáo thuế… để chứng minh việc thuê xe giữa 2 công ty là sự thật. 

Luật sư đặt vấn đề hợp đồng này có phải là ký giả mạo sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa 2 công ty này hay không? 

Đối với việc thuê xe giữa công ty Khang Gia và bị cáo Phong, luật sư cho rằng công ty này cho bị cáo thuê xe thì cũng có vi phạm vô ý khi không yêu cầu bị cáo xuất trình bằng lái mà vẫn đồng ý cho thuê xe. 

Trên hợp đồng cho thuê xe thể hiện tên Hà Tấn Sang (tên giả mà bị cáo Phong lấy để thuê xe) nhưng công ty Khang Gia không đối chiếu CMND, hình ảnh của Phong trước khi cho thuê xe. "Công ty Khang Gia cho rằng Phong đã nhiều lần thuê xe trước đó nên công ty này không cần kiểm tra giấy tờ nữa đây là lỗi chủ quan vì những lần thuê xe trước đó đã xong và kết thúc. Đến ngày 29/1/2020, Phong thuê xe là một giao dịch mới, nhưng công ty này khi giao xe cho Phong không cần kiểm tra lại giấy tờ là công ty này cũng có lỗi", luật sư trình bày.

Luật sư cũng cho rằng 2 công ty trên khi thuê ô tô và cho thuê lại là mục đích kinh doanh kiếm lời. Nhưng cũng có lỗi trong việc quản lý, việc cho thuê lại phương tiện không đúng pháp luật thì cũng phải có trách nhiệm bồi thường, chứ không thể khi có lợi thì hưởng lợi nhuận, khi có rủi ro tai nạn thì đẩy toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho một mình bị cáo Phong. Như vậy là không đúng pháp luật và không công bằng, thiệt thòi cho bị cáo Phong trong việc bồi thường cho bị hại.

Hơn nữa theo hồ sơ vụ án thể hiện vào thời điểm gây tai nạn thì giấy tờ xe bản chính ông Phúc đang cầm để thế chấp ngân hàng. Ô tô được mua bảo hiểm vật chất hai chiều nên khi có tai nạn thì bảo hiểm sẽ bồi thường. Tại toà phía ông Phúc từ chối khai báo nên không cho biết thông tin là chi phí sửa xe có được bảo hiểm bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu?

Vì nếu xe hư đã được sữa chữa, bảo hiểm bồi thường xong thì công ty Khang Gia có thiệt hại gì mà nhận bồi thường từ phía bà Mi (mẹ bị cáo) với số tiền 200 triệu đồng? Nếu không có căn cứ để phía công ty Khang Gia nhận số tiền 200 triệu đồng này thì phải trả lại cho gia đình bà Mi để mẹ bị cáo khắc phục thiệt hại đã gây ra.

"Xin HĐXX lưu tâm xem xét làm rõ số tiền 200 triệu đồng mà công ty Khang Gia đã nhận của bà Mi để giúp đỡ, bảo vệ chính đáng cho bà Mi và cho bị cáo. Số tiền này cũng quá lớn so với hoàn cảnh, tình trạng của bà Mi và bị cáo ở thời điểm hiện tại", luật sư nói trước toà.

Cuối cùng luật sư cho rằng Công ty Khang Gia, Fumita đều có lỗi trong việc giao xe cho bị cáo Phong điều khiển, do đó 3 chủ thể này phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại là hoàn toàn phù hợp với quy định.

15h25, HĐXX nghị án.

Sau khi nghe các bên tranh luận, HĐXX yêu cầu bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án. 

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên tòa phúc thẩm chiều 22/4

Trình bày trước Toà, bị cáo Phong nói: "Bị cáo thật lòng xin lỗi 2 gia đình bị hại. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để sớm trở lại với cuộc đời và khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại".

16h25, HĐXX trở lại phiên toà sau phần nghị án.

HĐXX tóm tắt lại phần xét hỏi và tranh luận giữa các bên tại phiên toà.

16h40, HĐXX tuyên bố huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận

HĐXX đã huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận để điều tra, xét xử lại do còn nhiều vấn đề còn thiếu sót, chưa được làm rõ trong vụ án. 

Toà phúc thẩm yêu cầu TAND quận Phú Nhuận chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra lại.

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại - Ảnh 4.

Bị cáo Phong tại toà

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Bích Hường cùng người thân của tài xế GrabBike tại phiên tòa phúc thẩm

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên toà, HĐXX phúc thẩm nhận định như sau:

Xét đơn kháng của 2 bị hại và bị cáo, HĐXX chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm đối với vụ án.

Theo hồ sơ vụ án và quá trình xét xử công khai tại phiên toà, bị cáo Phong đã điều khiển xe ô tô lưu thông không đúng phần đường quy định, lấn trái đường ngược chiều, chạy quá tốc độ 84km/h gây tai nạn làm một người chết là ông Thường và làm một người bị thương với thương tật 79% là chị Bích Hường. Bị cáo còn gây thiệt hại tài sản bao gồm 13 triệu đồng tiền thiệt hại đối xe máy của ông Thường, hơn 29 triệu đồng là thiệt hại cây phượng của công ty cây xanh TP.HCM.

Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng sơ thẩm chỉ xác định ông Thường và chị Hường là bị hại trong vụ án mà không xác định đơn vị quản lý cây xanh là bị hại mà chỉ xác định đơn vị này là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là thiếu xót, chưa chính xác, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của người bị hại.

Đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được tại phiên toà.

Xét xử phúc thẩm vụ Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại

Bên cạnh đó trong quá trình xét xử phúc thẩm, Thẩm phán chủ toạ phiên toà đã ban hành công văn đề nghị VKSND TP.HCM xác minh bổ sung các tài liệu chứng cứ liên quan đến tình tiết căn hộ của bị cáo Phong đã được sang tên cho bà Mi (mẹ bị cáo).

Sau đó, VKSND TP.HCM cũng đã xác minh thu thập các tài liệu chứng cứ liên quan thể hiện vào ngày 22/6/2020 bị cáo trong quá trình tạm giam đã sang tên căn hộ cho bà Mi. Việc sang tên này xuất phát từ yêu cầu của bị cáo Phong gửi cơ quan điều tra để gặp mẹ nhằm sang tên căn hộ cho mẹ bị cáo để có điều kiện khắc phục hậu quả cho bị hại.

Tuy nhiên, theo lời khai của bà Mi tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng căn hộ trên được mua đều xuất phát từ tiền của bà, được gia đình của bà cho nhưng do giấy tờ bị thất lạc nên không đứng tên chứ không phải tài sản của bị cáo.

HĐXX nhận thấy căn hộ trên đã được sang tên cho bà Mi nhưng các bị hại trong vụ án chưa được khắc phục hậu quả. Việc bà Mi trình bày tại phiên toà mâu thuẫn với chính đơn đề nghị của bị cáo nộp cho cơ quan điều tra. Đây là vấn đề cần được điều tra làm rõ để đảm bảo việc tài sản của bị cáo sẽ được dùng để khắc phục hậu quả gây ra cho bị hại. Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ như đã nêu ở trên. 

Như đã phân tích ở trên, cấp sơ thẩm không điều tra đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Do đó, để giải quyết vụ án triệt để, cũng như làm cơ sở để đánh giá đúng mức độ, toàn diện hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án, HĐXX quyết định huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận để điều tra lại các vấn đề như đã phân tích ở trên.

Sáng ngày 22/4, TAND TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Phong là tài xế xe Mercedes gây tai nạn khiến nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (28 tuổi) thương tật 79% và ông Lê Mạnh Thường (tài xế xe Grab) tử vong.

Trong phiên toà sáng cùng ngày, VKS đã đề nghị Toà phúc thẩm tuyên y án với bản án sơ thẩm đối với bị cáo Phong là 7 năm 6 tháng tù. Theo đó, VKS đã bác kháng cáo tăng hình phạt bị cáo của theo đề nghị của bị hại và không chấp nhận giảm nhẹ hình phạt theo đề nghị của bị cáo.

Ngay khi phiên tòa buổi sáng tạm nghỉ, gia đình bị cáo đã chủ động xin bồi thường trước một phần cho bị hại.

Bà Trần Hoàng My (mẹ của Phong) đã xin phép HĐXX thực hiện việc đền bù cho đại diện gia đình tài xế GrabBike Lê Mạnh Thường (đã chết) và chị Nguyễn Thị Bích Hường mỗi bên 60 triệu đồng.

Số tiền này sẽ được trừ vào phí bồi thường cho hai bị hại theo bản án. Việc giao nhận tiền diễn ra ngay tại TAND TP.HCM, trước sự chứng kiến của hai bên và các luật sư.

TỨ QUÝ

Cùng chuyên mục
XEM