Xa xã hội, gần tình thân: Tình yêu của ba bằng 5 mớ rau, 2kg thịt heo và lời nhắn "hết lại nhắn ba"

07/08/2021 09:27 AM | Sống

Đại dịch kéo giãn những khoảng cách trong xã hội nhưng xích gần tình thân gia đình. Khi điều tồi tệ đã đến cực hạn, đâu đó quanh ta le lói những thay đổi tích cực không phải ai cũng nhận ra.

Không bao lâu sau ngày tôi đi du học, ba mẹ ly hôn . Tôi nghĩ rằng họ chỉ chờ con gái đi du học để có thể cởi trói nhau khỏi cuộc đời mỗi người. Ít nhất, tôi không ở Việt Nam để chứng kiến khoảnh khắc đó và ba mẹ cũng không phải nhìn sượng sùng khi đối diện trực tiếp với tôi. Mẹ cần ba còn ba cần công việc bận rộn; những căng thẳng cứ từ đó leo thang, kết thúc bằng một cuộc ly hôn mà người ngoài nhìn vào thấy êm xuôi còn tôi vẫn trách ba rất nhiều.

Mùa hè 2020, khi Covid-19 nổ ra ở nước Mỹ, 55 lá đơn xin việc của tôi rải khắp các bang đều không có hồi âm. Sinh viên ngành Văn học so sánh không dễ tìm việc ở Mỹ. Cuộc phiêu lưu trên nước Mỹ chắc đến đây là kết thúc được rồi; tôi trở về Việt Nam và bắt đầu với công việc viết lách. Tôi ở với ba một thời gian. Ngoài những phàn nàn về công việc tôi đang làm không xứng với việc mấy năm đi du học, ông kiệm lời. Ở nhà với ông như trách nhiệm tôi thấy cần phải làm sau khi đi du học về nhưng chỉ sau vài tháng, tôi quyết định dọn ra ở riêng, và ba đồng ý. Tôi và ba chưa bao giờ thét vào mặt nhau nhưng căng thẳng như sóng ngầm đang đẩy dần tôi và ông ra khỏi cuộc đời nhau.

Cuộc sống tạm gọi là ổn thỏa đến khi Sài Gòn giãn cách, phong tỏa, giới nghiêm. Từ ngày này qua ngày khác ngồi trong phòng một mình, tôi nhận ra sự bế tắc và hụt hẫng của bản thân. Tôi không trốn khỏi nước Mỹ bị bóng đêm Covid-19 bao phủ trong mùa hè 2020 để trải qua một mùa hè tương tự 2021 tại chính quê nhà mình. Mất kết nối với thế giới bên ngoài, tôi dần mất kết nối với chính bản thân khi không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc sống: Sẽ chỉ luẩn quẩn trong 4 góc nhà? Sẽ mãi ngồi nhìn chiếc laptop? Sẽ kẹt trong những cơn khủng hoảng từ Mỹ về Sài Gòn?

 Xa xã hội, gần tình thân: Tình yêu của ba bằng 5 mớ rau, 2kg thịt heo và lời nhắn hết lại nhắn ba - Ảnh 1.

Suốt 2 tháng, số tin nhắn tôi gửi tới ba để xem ông có ổn không ít hơn số status tôi đăng Facebook than phiền; rằng tôi mệt mỏi, căng thẳng, sốt cabin, mất phiếu đi siêu thị và không muốn lết dậy khỏi giường. Tôi nằm bẹp; tủ lạnh trống rỗng, đầu tôi trống rỗng. Một tiếng chuông điện thoại vang lên:

"Chị ơi xuống nhận đồ giúp em, em đang ở dưới sảnh chung cư".

Một chiếc làn đi chợ được gửi tới tôi, bên trong có 5 mớ rau đủ loại, 2kg thịt heo, rất nhiều đồ ăn sẵn, ít củ quả,... Không phải của mẹ; mẹ không ở Sài Gòn. Ba gửi, kèm một tờ giấy note nhỏ: "Hết lại nhắn ba".

Người đàn ông như ba tôi sống một mình nhưng chưa bao giờ nhà cửa tuềnh toàng, thiếu thốn. Nhận chiếc làn đi chợ của ba, tôi thấy rưng rưng, nghèn nghẹn. Chắc ông đọc thấy những dòng chia sẻ trên Facebook của tôi, biết rằng tôi không phải đứa sẽ nấu ăn đúng bữa, sẽ quan tâm xem có rau xanh trên mâm cơm không, một đứa luôn càu nhàu "con lớn rồi mà" khi ba nhắc cả việc ăn uống đủ chất.

Tôi chưa bao giờ đủ lớn trong mắt ba, và cũng chưa đủ lớn để hoàn toàn tự lập. Những thiếu sót, những mảnh ghép chưa đầy đủ của một người trưởng thành ấy vẫn được ba mẹ bao dung, chấp nhận. Đi qua những ngày khó khăn cùng cực như vậy, chúng ta mới nhận ra tình cảm gia đình ấm áp đến nhường nào.

Tôi luôn tin rằng khi đã xuống đến đáy của sự tồi tệ, chúng ta sẽ ngước lên nhìn và thấy những điều tốt đẹp hơn. Cuộc sống trong đại dịch đã đẩy người ta vào những trạng thái tiêu cực nhất, bóc trần những điều tồi tệ không bao giờ ngờ tới có thể xảy đến nhưng đó cũng là lúc mỗi người dần tái định hình thế giới quan của mình, hiểu ra những điều trước đây luôn cố chấp, thay đổi cách chúng ta quản lý cảm xúc, tài chính, cuộc sống của bản thân. Đó là bước ngoặt cho những điều tốt đẹp hơn mà nếu đại dịch không xảy ra, chúng ta sẽ không có cơ hội để nhìn lại.

Khi Sài Gòn có hàng trăm nghìn F0 đồng nghĩa với việc có những cuộc chia ly mãi mãi. Tôi không ngừng thổn thức khi đọc bài viết của một cậu bạn mất người thân vì dịch bệnh mà chẳng kịp nhìn lần cuối. Cơ chế đối mặt với nỗi mất mát luôn bắt đầu bằng sự phủ nhận, giận dữ, đau buồn rồi mới tới chấp nhận. Để đến cuối dòng chia sẻ, sau khi đã đi qua hết một chu trình của phủ nhận - giận dữ - đau buồn, cậu gửi gắm cho mọi người một lời khuyên: "Đừng để Covid cướp đi một người thân xung quanh bạn rồi mới nhận ra gia đình có ý nghĩa tới nhường nào".

Chúng ta nhận ra gia đình có ý nghĩa ra sao khi nhìn những đoàn xe máy vượt vài nghìn cây số của người công nhân từ Sài Gòn, Bình Dương mong trở về quê hương. Ở quê nhà, họ có thể không có công việc nhưng có gia đình ở bên. Chúng ta nhận ra gia đình có ý nghĩa như thế nào khi nhìn thấy người cha chờ bình oxy cho con bất chấp nguy hiểm. Và gia đình, chẳng phải ở những điều gì lớn lao xa xôi; tình yêu thương gia đình gói gọn trong chiếc làn vài mớ rau, vài kí thịt ba gửi cho tôi. Những đứa trẻ xa quê, vẫn gắn chặt với gia đình bằng con gà mẹ mổ sẵn, chút rau sạch mẹ trồng ở vườn nhà trong mỗi chuyến trở lại Sài Gòn.

Tôi không mong chờ đại dịch để dạy cho mình một bài học nhưng khi cuộc sống ném vào chúng ta những miếng chanh chua chát, bạn có thể chọn gục ngã cam chịu hoặc nhặt đám chanh đó lên và vắt cho mình một cốc nước. Tôi không thể ôm sự bực bội, chán chường, tuyệt vọng qua mùa dịch mà cố gắng gom cho mình những bài học, khởi đầu từ chiếc làn của ba. Covid kéo giãn những khoảng cách trong xã hội nhưng xích gần gia đình lại với nhau, bằng cách này hay cách khác.

****

Chúng ta nhận ra thế giới ngoài kia thực sự tươi đẹp khi phải ở mãi trong nhà. Chúng ta nhận ra mình chưa biết cách kiểm soát cảm xúc tốt và cân bằng cuộc sống - công việc. Phải đến khi mất việc vài tháng, chúng ta mới bẽ bàng khi biết tài khoản của mình mong manh đến nhường nào. Và gia đình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh ngặt nghèo đến tột độ, vẫn luôn là nơi cho ta nương náu, tìm chút vỗ về và yên ổn. Dịch bệnh như bỏ lại phía sau cánh cửa gia đình, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tôi không biết còn bao lâu nữa đại dịch mới kết thúc nhưng từ giờ cho tới khi mọi thứ qua đi, tôi cần dành thời gian đó để kết nối với bản thân và chuẩn bị cho những thay đổi tích cực.

"Cảm ơn ba", tôi nhắn tin cho ba, không quên chụp lại chiếc làn còn nguyên vẹn. Mãi không thấy ba trả lời.

Ông vẫn kiệm lời, nhưng tôi biết ba yêu mình rất nhiều.

 Xa xã hội, gần tình thân: Tình yêu của ba bằng 5 mớ rau, 2kg thịt heo và lời nhắn hết lại nhắn ba - Ảnh 2.

Minh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM