Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương

07/02/2020 11:19 AM | Xã hội

"Tôi bảo với bạn bè, kiểu 'Này nghe nói ở nhà đang có chuyện hả?' Họ đáp mọi thứ vẫn bình thường'" - Xiaming Li chia sẻ. Khi ấy, mọi người nghĩ căn bệnh lạ chỉ giới hạn ở một số người, và trong khuôn viên khu chợ mà thôi.

Năm 2003, thời điểm dịch SARS đang lan rộng, Edward Zhang vẫn còn là một đứa trẻ, sông cùng cha mẹ tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Mỗi ngày, cậu nắm bắt thông tin qua tờ báo được phát vào mỗi sáng và bản tin truyền hình vào buổi tối, để biết chuyện gì đã và đang xảy ra ở những thành phố xung quanh.

Thời gian trôi, thế giới đã thay đổi quá nhiều. Giờ đây, dịch viêm phổi do virus corona nCov gây ra biến Vũ Hán thành một thành phố vắng lặng, Zhang cũng không còn ở đó nữa. Anh cập nhật tin tức từ một nơi cách xa Vũ Hán cả vạn cây số: thành phố Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 1.

Vũ Hán những ngày bị phong tỏa

"Tôi cập nhật tin tức có khi còn nhanh hơn bố mẹ," - Zhang nói, đồng thời mô tả những đoạn video, hình ảnh được bạn bè anh tại Vũ Hán chia sẻ. Rốt cục với sự phổ cập của internet, thế giới trở nên thật nhỏ bé. Và lúc này nó thật đúng với những người Trung Quốc tại Pittsburgh - nơi được xem là "thành phố chị em" với Vũ Hán trong 40 năm qua.

Mái nhà thứ 2

Đây thực ra là một biệt danh không chính thức, ra đời từ những đợt hợp tác và trao đổi kế hoạch kinh tế giữa 2 thành phố. Nhưng như vậy cũng đủ để các lãnh đạo tại Pittsburgh và một số người con của Vũ Hán đang sống tại thành phố này đứng ra tương trợ, đưa "người chị em" vượt qua cơn khủng hoảng dịch bệnh đang xảy ra. Như Zhang (28 tuổi), hiện đang vận hành hệ thống bán lẻ kính thuốc trực tuyến. Thông qua các cộng đồng trong thành phố, anh đã huy động được vốn gần 50.000 USD, dùng để cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết cho quê hương.

Vũ Hán, so với Pittsburgh thì lớn hơn rất nhiều, nhưng cả hai có nhiều điểm chung. Trong một cuộc phỏng vấn, thị trưởng Bill Peduto của Pittsburg đã gọi Vũ Hán là "một thành phố hậu công nghiệp, với nền kinh tế mới dựa trên công nghệ và dược phẩm." Cả hai đều là những thành phố đi lên từ công nghiệp thép, nằm tại ngã ba của những con sông lớn. Và cũng giống như Pittsburgh, Vũ Hán hiện đã thay đổi, dọn dẹp tàn dư của một ngành công nghiệp quá nặng nề, và tự vươn mình đi lên.

Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 2.

ĐH Pittsburgh (Hoa Kỳ) nơi có hơn 3000 sinh viên từ Trung Quốc

Pittsburgh vào những năm cuối thập niên 1980 dân số khoảng 300.000, trong đó có nhiều người từ Vũ Hán đã đến đây lập nghiệp. Họ giữ kết nối với nhau qua các nhóm trên ứng dụng WeChat, rồi thi thoảng cùng tụ tập ăn uống, trò chuyện. Hiện tại, cộng đồng người Vũ Hán sống tại Pittsburgh rơi vào khoảng 200 - 300 người.

"Tôi thực sự đã rất ngạc nhiên khi biết cộng đồng người Hồ Bắc ở đây lớn đến thế," - trích Jing He, tiến sĩ khoa học thần kinh sinh ra tại Vũ Hán và mới đến thành phố này từ hơn 2 năm trước.

Sự tương trợ của những người con xa quê

Cũng giống Vũ Hán, Pittsburgh là một nơi phù hợp cho việc học, với rất nhiều trường đại học lớn nhỏ quanh thành phố. NĐH Carnegie Mellon có khoảng 3000 sinh viên Trung Quốc theo học, ĐH Pittsburgh có 1900, và 53 trong số đó đến từ Hồ Bắc. Nhiều năm qua, các sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Vũ Hán đã đứng lớp giảng dạy tiếng Hoa trong khuôn viên ĐH Pittsburgh, dù chương trình này đã tạm ngưng từ hè 2019 do rắc rối liên quan đến thị thực.

Rất nhiều sinh viên từ Vũ Hán theo học ngành y. Bởi vậy, họ gần như trong tâm thế sẵn sàng để hành động, kể từ khi các tin đồn xuất hiện ở quê hương vào tháng 1/2020.

"Tôi bảo với bạn bè, kiểu 'Này nghe nói ở nhà đang có chuyện hả?' Họ đáp mọi thứ vẫn bình thường,'" - trích lời Xiaming Li, một kỹ sư gốc Vũ Hán đã sống tại Pittsburgh 26 năm qua. Li cho biết, mọi người lúc đó nghĩ căn bệnh lạ chỉ giới hạn ở một số người, và trong khuôn viên khu chợ mà thôi.

Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 3.
Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 4.

Tiến sĩ Jing He và Xiaming Li (phải)

Thế rồi đột nhiên, chính phủ Trung Quốc công bố loại virus mới có khả năng lây nhiễm từ người sang người, rồi tiến hành phong tỏa Vũ Hán cùng 11 triệu dân bên trong. Từ một mối lo ngại, thông tin chuyển hướng sang khẩn cấp. Con dân Vũ Hán ở Pittsburgh, rất nhiều người có bạn bè là bác sĩ tại các bệnh viện của Vũ Hán, liên tục cập nhật tin tức.

"Họ thiếu dụng cụ y tế, thiếu nhân lực, thiếu y tá, thiếu tất cả mọi thứ," - Li cho biết.

Tiến sĩ He cũng nhận được các thông tin tương tự. "Thực sự đáng sợ," - ông chia sẻ. "Một cô bạn của tôi làm việc tại các bệnh viện ở Vũ Hán. Tôi cố gắng liên lạc với cổ, nhưng không có hồi âm. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đang quá tải, vì lượng bệnh nhân quá lớn."

Tuy nhiên người Vũ Hán, họ có một lợi thế nhất định, vì Pittsburgh có những người con của mảnh đất ấy. Nhiều người Vũ Hán ở Pittsburgh nắm rất rõ các quy trình y tế, cũng như hiểu rằng các y bác sĩ đang cần rất nhiều khẩu trang, găng tay và các nhu yếu phẩm khác. Bởi vậy, họ có thể lập tức gửi trực tiếp về Vũ Hán, thay vì mất thời gian thông qua bên thứ 3 như Hội Chữ Thập Đỏ. Được biết, chuyến hàng đầu tiên đã được chuyển đi cách đây vài ngày.

Zhang cho biết quá trình gây quỹ vẫn đang tiếp tục được thực hiện, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm sao để tìm ra được nguồn cung. Các tổ chức phân phối tại Mỹ hiện đang chần chừ, không muốn bán với số lượng lớn vì sợ nếu dịch bệnh nổ ra ở Mỹ, họ sẽ không kịp trở tay. Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã có 12 ca nhiễm bệnh.

Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 5.

Dĩ nhiên, Zhang hoàn toàn thấu hiểu sự chần chừ này. Ưu tiên của thành phố rõ ràng là ngăn không cho dịch bệnh xuất hiện, chứ chưa tính đến chuyện chống lại nó. Hiện tại, tình nguyện viên trong các cộng đồng người Hoa đang phụ trách mang nhu yếu phẩm cho những người trở về Trung Quốc. Họ hiện đang tự cách ly, chờ đợi cho hết thời hạn 14 ngày ủ bệnh để biết bản thân có lây nhiễm hay không.

Tại Pittsburg hiện cũng chưa có trường hợp nào mắc bệnh, nhưng Zhang chia sẻ mọi người đều đã sẵn sàng. "Dịch bệnh đã xảy ra ở quê nhà. Tôi không muốn nó xảy ra thêm lần nữa, ở đây."

Tham khảo: NY Times

Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại: https://lotus.vn/lachanviruscorona

Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.

#LaChanVirusCorona #VirusCorona #Lotus #VCCorp

Xa Vũ Hán cả vạn cây số, có một thành phố đang rung chuyển vì cơn bão virus corona: Sự tương trợ từ những người con luôn hướng về quê hương - Ảnh 6.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM