WSJ nhắc đến Việt Nam như điển hình của việc hành động sớm ngăn được đại dịch

12/10/2020 16:00 PM | Xã hội

Các chuyên gia cho rằng các nước cần phải đầu tư để chuẩn bị ứng phó sẵn sàng cho đại dịch cũng giống như họ chuẩn bị cho chiến tranh hoặc ngăn chặn các rủi ro quốc phòng.

HÀNH ĐỘNG NHANH GỌN GIÚP NGĂN CHẶN ĐƯỢC ĐẠI DỊCH LÂY LAN

Theo nhiều chuyên gia y tế được Wall Street Journal khảo sát ý kiến, một đợt đại dịch mới có thể bắt đầu theo cách như sau:

Vài người trong thành phố có triệu chứng sốt và ho, có một số người đi bệnh viện. Máy xét nghiệm lập tức phát hiện ra những bất thường trong phổi của họ. Các nhà khoa học nhận thấy có mô hình lây nhiễm kỳ lạ trong các mẫu máu thu thập được. Số lượng những người bị ốm có chung một nguyên nhân đang tăng lên.

Cả hai hệ thống gửi cảnh báo đến giới chức y tế công cộng. Họ nhận diện được loại virus mới trong vòng chỉ vài giờ, sau đó họ cử chuyên viên điều tra đến tận nơi để tiến hành cách ly và điều trị cho những người bị bệnh hoặc có tiếp xúc với người bị bệnh.


Một trong những bài học quan trọng nhất trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 chính là cần phải hành động nhanh. Khi khoảng thời gian ban đầu trôi qua, cơ hội tìm và ngăn chặn virus giảm đi rất nhiều. Ở giai đoạn ban đầu, bất kỳ một sai sót nào cũng không thể chấp nhận được.

Giám đốc tổ chức nghiên cứu Wellcome Trust, ông Jeremy Farrar, khẳng định: “Một khi bạn đã không ngăn được số lượng các ca lây nhiễm tăng cao ngay từ đầu, sau đó sẽ rất khó để thay đổi mọi chuyện”.

Đã từng có rất nhiều bài báo viết về việc chính phủ nhiều nước chậm hành động ở thời điểm ban đầu và sau đó phải trả giá nặng nề. Giới chức Trung Quốc vào lúc ban đầu đã không thể tìm được nguyên nhân của bệnh dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã không nhìn nhận đầy đủ về virus này. Nước Mỹ coi thường bệnh dịch còn thành phố New York đóng cửa quá chậm.

Nhìn chung, cả thế giới đã không hề chuẩn bị để đương đầu với một đại dịch quy mô như vậy. Hơn 1 triệu người đã chết dù rằng đã có vô vàn lời cảnh báo và hàng tỷ USD được tiêu cho công tác chống dịch.

Giới chức y tế công cộng và các nhà khoa học giờ đây đang nhìn lại đại dịch Covid-19 để tính đến cách hướng để ngăn đại dịch tiếp theo. Việc chụp phổi và phân tích mẫu máu được tính đến như lựa chọn phù hợp. Các nhà khoa học cũng đang tính đến tìm ra một số công cụ mới để phát hiện tình trạng lây nhiễm trước khi việc lây lan diễn ra trên diện rộng, đồng thời củng cố hệ thống y tế công cộng, phát triển các loại vắc xin, tăng cường hợp tác trên toàn cầu và phát triển WHO.

RỦI RO DỊCH BỆNH TƯƠNG ĐƯƠNG NHƯ RỦI RO QUỐC PHÒNG

Để có thể làm được điều này, các chuyên gia cho rằng các nước cần phải đầu tư để chuẩn bị ứng phó sẵn sàng cho đại dịch cũng giống như họ chuẩn bị cho chiến tranh hoặc ngăn chặn các rủi ro quốc phòng.

Sẽ cần đến nguồn vốn ổn định, chấp nhận chi tiêu thường xuyên để đảm bảo cho xã hội an toàn ngay cả khi không có đại dịch. Nếu không có các khoản đầu tư như vậy, chính phủ nhiều nước sẽ khó lòng có khả năng ứng phó nhanh chóng. Hành động nhanh sẽ giúp tránh được việc phải phong tỏa toàn diện.

Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Mỹ, ông Anthony Fauci, nói: “Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng đón nhận điều tệ như những gì vừa diễn ra”.

Trong những thập kỷ vừa qua, giới chức nhiều nước cũng đã dự phòng cho khả năng sẽ có đại dịch gây ra bởi một loại cúm mới tiềm ẩn nhiểu rủi ro. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cho thấy giới chức y tế sẽ cần phải dự báo và chuẩn bị cho một loại bệnh X với cách lây nhiễm chưa từng thấy.

Có một điều chắc chắn: sẽ có đại dịch tiếp tục đến. Việc chăn nuôi động vật lấy thịt trên quy mo lớn, hoạt động phá rừng tràn lan và quá nhiều thay đổi kinh tế xã hội đã khiến cho việc lây nhiễm bệnh tật từ vật nuôi sang con người diễn ra dễ dàng hơn. Vì vậy không ít chuyên gia y tế tin rằng bệnh dịch trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra thường xuyên hơn.


Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance, ông Peter Daszak, khẳng định cách tốt nhất để ngăn đại dịch chính là ngăn virus lây lan từ động vật sang con người.

Những nước đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 có hệ thống y tế công cộng mạnh. Nhiều trong số các nước này từng học kinh nghiệm chống dịch từ Mỹ. Giờ đây, nước Mỹ lại phải nhìn vào các nước đó để rút ra bài học cho mình.

Với sự hỗ trợ của giới chức y tế Mỹ, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống phát hiện đại dịch mạnh cũng như năng lực ứng phó tốt sau khi Dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) xảy ra vào năm 2003. Việt Nam hiện có hơn 1.100 ca lây nhiễm Covid-19 và 35 ca tử vong.

Theo WSJ, giới chức Việt Nam đã bắt đầu rà soát tìm kiếm các ca bệnh từ đầu tháng 1/2020, đồng thời họ tiến hành cách ly nhanh chóng người có bệnh. Giới chức Việt Nam đồng thời theo dõi chặt chẽ những người có tiếp xúc với người bệnh và cả những người liên quan đến họ. Tất cả những ai nhập cảnh đều phải cách ly.

Tại Mỹ, chính quyền bang Vermont áp dụng các biện pháp hạn chế và đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Sau đó, chính quyền bang lập tức thuê người theo dấu để kiểm soát bệnh dịch. Hiện số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tại Vermont thấp nhất tại Mỹ. Chính quyền bang cũng đang yêu cầu người đến từ nơi khác bắt buộc phải cách ly trực tiếp để ngăn Covid-19 lây lan.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM