#Why: Vì sao Sơn Tùng M-TP nên sử dụng chiến lược bán hàng này của Taylor Swift, Selena Gomez?

24/03/2017 17:43 PM | Kinh tế vĩ mô

Chi phí biên của việc sao chép một bài hát đã giảm xuống gần bằng 0, có nghĩa là việc người ta có thể sao chép các ca khúc mới đã rất dễ dàng. Các ca sĩ phải làm sao để giải quyết vấn đề này?

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

Chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Cách đây hơn một tháng, nhân dịp Valentine, ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc Việt là Sơn Tùng M-TP đã tung ra ca khúc “Nơi này có anh”. Giống như các ca khúc trước đó của Sơn Tùng, “Nơi này có anh” nhanh chóng trở thành một bản hit đình đám.

Hãy thử nghĩ lại xem ở những giây phút đầu tiên khi ca khúc này ra mắt, bạn đã nghe nó như thế nào ? Chắc hẳn đó sẽ là vào Youtube, tìm đến kênh (channel) của Sơn Tùng và bật video được đăng tải mới nhất lên xem.

Sơn Tùng cũng giống như nhiều ca sỹ Việt Nam khác, chọn Youtube là kênh phân phối nhạc chính nhờ tính phổ biến của trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, có một nhược điểm khi phân phối nhạc trên Youtube mà các ca sỹ sẽ phải chịu là họ sẽ không thể thu được tiền trực tiếp từ việc bán nhạc cho người nghe (mà chỉ thu được tiền từ quảng cáo).

Các sao nước ngoài, như Taylor Swift, Selena Gomez, Alan Walker…thì bên cạnh việc phát hành nhạc trên Youtube như một kênh đại chúng thì còn phát hành nhạc của mình trên iTunes. Đây là một cách hữu hiệu để thu tiền người nghe – những người muốn nghe một phiên bản với chất lượng tốt nhất của ca khúc vừa mới phát hành kia.

Hơn nữa, phát hành nhạc trên iTunes còn là một cách để các ca sỹ quảng bá rất tốt cho hình ảnh của mình.

Ở điểm này, có lẽ Sơn Tùng M-TP - chàng ca sỹ vẫn thường dính đến một câu chuyện lùm xùm nào đó cứ mỗi khi ca khúc của anh ra mắt - sẽ cần học tập một ban nhạc nổi tiếng của thế giới là Radiohead.

Vào tháng 10/2007, ban nhạc rock nổi tiếng của nước Anh này đã làm xôn xao làng âm nhạc thế giới khi mời gọi người hâm mộ tải những bài hát trong album mới nhất của họ là In Rainbows với bất cứ giá nào mà người tải mong muốn.

Vì sao ban nhạc này lại, giống như là "biếu không" thành quả của mình như vậy ?

Trước hết, lý do đầu tiên là ban nhạc có thể thu hút rất nhiều sự chú ý từ giới truyền thông.

Một ban nhạc cho phép người hâm mộ mua nhạc với bất cứ giá nào mà họ muốn – Có lẽ đây là cách thu hút cánh báo chí tốt hơn và lành mạnh hơn nhiều so với việc tạo ra những scandal về đạo nhạc hay đạo hình ảnh. Báo giới sẽ viết về Radiohead và album In Rainbows nhiều hơn, từ đó người hâm mộ cũng sẽ quen tai hơn khi nghe đến hai từ này.

Thứ hai, đó là chính sách này sẽ làm người nghe hào hứng mà mua nhạc nhiều hơn, vì đơn giản là họ nghĩ rằng mình được mua theo giá chính họ muốn.

Trong trường hợp của Radiohead, phán đoán này là hoàn toàn chính xác. Chỉ trong tuần đầu tiên kể từ khi ra tuyên bố, 1,2 triệu lượt album đã được tải xuống. Trong khi đó, đĩa đơn ngay trước đó của Radiohead có tên Hail to the Thief thì chỉ bán được có 300.000 bản trong tuần đầu phát hành.

Tuy cho người nghe được trả giá bất kỳ, nhưng thực tế là số tiền mà Radiohead thu được lại cao hơn so với bình thường. Theo thống kê, khách hàng trả trung bình 4 bảng/album, cao hơn nhiều so với doanh thu trên mỗi đĩa đơn mà ban nhạc kiếm được theo hợp đồng ký với các hãng thu âm trước đây.

Nói chung, một thắng lợi toàn diện cho Radiohead trong chiến dịch phát hành album In Rainbows là điều đã không thể bàn cãi. Còn nhìn rộng ra trong thị trường âm nhạc, chiến lược "bán hàng mà cho người mua tự định giá" (Pay What You Wish) này là một thứ rất phù hợp mà nhiều ca sỹ khi phát hành ca khúc mới nên lưu ý.

Bởi lẽ, trong thời đại số này, mô hình kinh doanh truyền thống trong ngành âm nhạc không còn phù hợp và người làm nhạc không còn giữ quyền lực độc quyền trong phát hành những ca khúc mới nữa. Giờ đây, chi phí biên của việc sao chép một bài hát đã giảm xuống gần bằng 0, có nghĩa là việc người ta có thể sao chép các ca khúc mới đã rất dễ dàng.

Ngay cả khi Radiohead không đưa ra chiêu khuyến mãi rằng "hãy trả mức giá bạn muốn khi mua nhạc của chúng tôi", thì thực ra bất cứ ai cũng có thể sao chép miễn phí nhạc của nhóm này, có thể là vì mục đích thương mại, để bán "lậu, hoặc đơn giản chỉ là sao chép từ bạn bè về để nghe.

Do việc người nghe dễ dàng tiếp cận các ca khúc mới như vậy nên Radiohead đã quyết định sử dụng chiến thuật "bán hàng mà cho người mua tự định giá" trên như một nước cờ tiếp thị hết sức khôn ngoan cho hình ảnh của mình.

Tuy có cơ hội nghe nhạc không mất tiền, nhưng rút cục thì hàng triệu người hâm mộ vẫn sẽ trả tiền khi tải nhạc có bản quyền từ iTunes và các nguồn khác, một phần vì tiện lợi, phần khác vì họ biết rằng mình sẽ được nghe những file nhạc chất lượng cao hơn hẳn từ các nguồn khác.

Hành động của Radiohead cũng được đánh giá là rất thiện chí, qua đó lại cũng càng kích thích người hâm mộ trả tiền khi tải bài nhạc mới của nhóm nhiều hơn.

Hơn nữa, giống như Sơn Tùng M-TP với lực lượng fan đông đảo có tên Sky, Radiohead cũng là một ban nhạc nổi tiếng của làng nhạc US - UK (các nước nói Tiếng Anh). Những người hâm mộ thật sự, cuồn tín của nhóm sẽ cho rằng nếu mình nghe nhạc của nhóm mà không trả tiền thì sẽ thật là một "tội lỗi".

Ở Việt Nam, độ nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP có lẽ cũng không thua gì Radiohead tại các nước Anh, Mỹ. Vì thế, anh chàng ca sỹ này hoàn toàn có thể học tập cách "vừa phát hành nhạc, vừa tiếp thị" rất tinh vi này của Radiohead.

Biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng, ví dụ như với người nghe nhạc ở Việt Nam thì rất khó đồng ý với việc bỏ tiền ra để nghe nhạc online, tuy nhiên Sơn Tùng M-TP có thể áp dụng một số hình thức tương tư như chiến lược "bán hàng cho người mua định giá" nói trên, ví dụ như là bán ra các ấn phẩm lưu niệm rồi cho người mua tự định giá chẳng hạn...

Creep - Radiohead

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM