WHO: Ung thư gan có thể khiến 1,3 triệu người tử vong vào năm 2040

18/10/2022 11:34 AM | Sống

Đến năm 2040, số người mắc hoặc tử vong do ung thư gan trên toàn cầu sẽ tăng 55% nếu thế giới không nỗ lực hơn nữa để phòng ngừa căn bệnh này.

Theo Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư gan nguyên phát (ung thư bắt đầu từ gan) là một trong ba bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở 46 quốc gia. Ung thư gan nằm trong số 5 nguyên nhân khiến nhiều người tử vong do ung thư ở gần 100 quốc gia vào năm 2020.

Thống kê năm 2020, cả thế giới có khoảng 905.700 người được chẩn đoán ung thư gan và 830.200 người chết vì căn bệnh này. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất ở Đông Á, Bắc Phi và Đông Nam Á.

Để ước tính gánh nặng toàn cầu và dự đoán số trường hợp mắc, tử vong vào năm 2040, các nhà điều tra đã lấy dữ liệu ung thư gan từ Globocan 2020, dự báo dân số của Liên hợp quốc. Các tác giả dự đoán số ca mắc mới và tử vong do ung thư gan hàng năm sẽ tăng hơn 55% (với 1,4 triệu người được chẩn đoán, 1,3 triệu người tử vong) trong 20 năm tới.

WHO: Ung thư gan có thể khiến 1,3 triệu người tử vong vào năm 2040 - Ảnh 1.

Số người mắc ung thư gan đang gia tăng nhanh trên toàn cầu

Tiến sĩ Isabelle Soerjomataram, Phó trưởng chi nhánh Giám sát ung thư của IARC ở Lyon, Pháp, cho biết, ung thư gan gây ra gánh nặng bệnh tật lớn cho nhiều quốc gia trên toàn cầu mỗi năm. Để tránh sự gia tăng này, các quốc gia cần giảm tỷ lệ ung thư gan hàng năm ít nhất 3%.

"Số người được chẩn đoán hoặc tử vong vì ung thư gan mỗi năm có thể tăng gần 500.000 trường hợp vào năm 2040 trừ khi chúng ta đạt được mức giảm đáng kể về tỷ lệ ung thư gan thông qua việc phòng ngừa ban đầu", Tiến sĩ Soerjomataram nói.

Tại Mỹ, hàng năm ước tính có khoảng 25.000 nam giới và 11.000 phụ nữ được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Và có tới khoảng 19.000 nam giới và 9.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, loại ung thư gan phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Một số trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan bắt đầu như một khối u và tiếp tục phát triển lớn hơn. Chỉ đến giai đoạn muộn, bệnh mới lan sang các bộ phận khác. Song, căn bệnh này có thể phòng ngừa nếu kiểm soát các yếu tố nguy cơ chính bao gồm viêm gan B, C; lạm dụng rượu bia, thừa cân và các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2.

Bác sĩ Bassam Estfan, công tác tại Bệnh viện Cleveland Clinic, Mỹ (người không tham gia nghiên cứu của IRAC) cho biết, viêm gan B có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu nhưng có thể phòng ngừa được. Ngoài ra, viêm gan B cũng có thể truyền từ mẹ bầu nhiễm bệnh sang trẻ sơ sinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC của Mỹ, trẻ sơ sinh mắc bệnh sẽ được điều trị trong vòng 12 giờ đầu sau khi sinh.

"Ở Mỹ, hầu hết các nguyên nhân cơ bản của ung thư gan đều liên quan đến viêm gan C và uống rượu. Lạm dụng thức uống có cồn này có thể dẫn đến xơ gan, tăng nguy cơ ung thư gan. Mọi người kiêng cữ rượu sẽ hạn chế được nguy cơ", bác sĩ Estfan nói thêm.

WHO: Ung thư gan có thể khiến 1,3 triệu người tử vong vào năm 2040 - Ảnh 2.

Hạn chế rượu để bảo vệ sức khỏe của chính mình!

Một nguyên nhân gia tăng khả năng mắc gan nhiễm mỡ và xơ gan là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, thường là kết quả của béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường. Người bệnh nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt các tình trạng này. Nếu bạn mắc bệnh gan hoặc có nguy cơ cao do tiền sử gia đình thì nên thăm khám thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ dẫn.

CDC Mỹ cũng đưa ra một số khuyến cáo bổ sung giúp giảm nguy cơ ung thư gan như sau:

- Hạn chế uống rượu: Nam giới uống không quá hai ly rượu và phụ nữ không quá một ly mỗi ngày.

- Duy trì trọng lượng phù hợp: Điều này có thể làm giảm nguy cơ phát triển gan nhiễm mỡ hoặc các yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này.

- Nam và nữ giới không nên hút thuốc.

- Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B. Xét nghiệm viêm gan C và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nếu mắc căn bệnh này.

Theo Everydayhealth

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM