WHO: Tái dương tính với SARS-CoV-2 không phải tái nhiễm mà là một phần của sự hồi phục

07/05/2020 16:00 PM | Xã hội

Theo đó, việc bệnh nhân khỏi bệnh sau đó tái dương tính là vì phổi của họ đang đào thải tế bào chết còn sót lại.

Ngày 6/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các bệnh nhân đã khỏi Covid-19 nhưng sau đó vẫn xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là do phổi đang đào thải tế bào chết chứ không phải tái nhiễm.

Tháng trước, Hàn Quốc báo cáo có hơn 100 trường hợp dương tính trở lại với SARS-CoV-2, làm dấy lên mối lo ngại rằng bệnh nhân đã hồi phục có thể bị tái nhiễm và lây lan cho cộng đồng.

Một phát ngôn viên của WHO nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi biết là một số bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau khi đã hồi phục lâm sàng. Dựa trên các dữ liệu gần đây nhất, có vẻ như họ đang đào thải những gì còn sót lại trong phổi, như một phần của giai đoạn phục hồi".

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng những người nhiễm SARS-CoV-2  vắt đầu có kháng thể sau khi bị nhiễm khoảng một tuần hoặc trong thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu cơ thể của họ có sản xuất đủ kháng thể để ngăn virus tấn công trở lại hay không và kháng thể đó tồn tại trong bao lâu.

Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính. Người phát ngôn cho biết: "Chúng ta cần thu thập nhiều mẫu có hệ thống từ bệnh nhân đã phục hồi để hiểu rõ hơn việc họ có thể phóng thích virus trong bao lâu".

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerkhove đã giải thích về vấn đề "tế bào chết" như sau: "Khi phổi lành lại, vẫn tồn tại những phần có tế bào chết chứa các đoạn ARN của virus dẫn tới kết quả xét nghiệm dương tính. Đây không phải virus truyền nhiễm và không gây bệnh trở lại mà thực sự là một phần của quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa xác định được điều đó có phải là những người tái dương tính có khả năng miễn dịch hay không".

Đối với một số loại virus như virus gây bệnh sởi, người mắc bệnh sẽ miễn dịch suốt đời. Trong khi đó, với các loại virus corona như SARS gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, khả năng miễn dịch chỉ kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

WHO: Tái dương tính với SARS-CoV-2 không phải tái nhiễm mà là một phần của sự hồi phục - Ảnh 1.

Một người đàn ông đang được lấy mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ngoài WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cũng nói rằng bệnh nhân tái dương tính ở nước này gần như không có khả năng lây lan virus. Nhìn chung, cộng đồng khoa học trên thế giới đều đồng ý với quan điểm những người hồi phục không tái nhiễm SARS-CoV-2 mà chỉ bị dương tính giả.

Hơn nữa, quá trình tạo ra virus SARS-CoV-2 mới chỉ xảy ra ở tế bào vật chủ và không xâm nhập vào nhân tế bào. Như vậy, có rất ít khả năng SARS-CoV-2 tái kích hoạt trong cơ thể người vừa nhiễm và khỏi bệnh cũng như việc những người này có thể truyền bệnh cho người khác trong cộng đồng.

Tính đến ngày 7/5, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Toàn cầu ghi nhận hơn 3,8 triệu ca mắc SARS-CoV-2 và hơn 264.000 trường hợp tử vong. Trong đó, Mỹ vẫn là điểm nóng hàng đầu với hơn 1,2 triệu người nhiễm và hơn 74.000 ca tử vong.

Duni

Cùng chuyên mục
XEM