WHO: Không yêu cầu "hộ chiếu vắc-xin", bỏ lệnh cấm thông thương quốc tế

14/04/2022 16:01 PM | Xã hội

Tuyên bố mới từ WHO vẫn coi Covid-19 là PHEIC (Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu) nhưng có nhiều sửa đổi quan trọng trong lĩnh vực giao thông, du lịch và ứng phó với dịch bệnh, bao gồm khuyến nghị mới về "hộ chiếu vắc-xin".

Tuyên bố về cuộc họp lần thứ 11 về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) của Ủy ban Khẩn cấp về đại dịch do virus corona (Covid-19) vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đăng tải cho hay Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xác định Covid-19 tiếp tục tạo thành một PHEIC. Ông tiếp thu lời khuyên của Ủy ban và đưa ra các khuyến nghị tạm thời cho các quốc gia thành viên.

 WHO: Không yêu cầu hộ chiếu vắc-xin, bỏ lệnh cấm thông thương quốc tế  - Ảnh 1.

WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng đối với khách du lịch quốc tế nữa (Ảnh minh họa từ Internet)

Cuộc họp vừa được tổ chức ngày 11-4 tại trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) và tuyên bố vừa được WHO đăng tải lên trang chủ ngày 13-4.

Các khuyến nghị tạm thời có 11 mục, gồm khuyến nghị mới hoặc sửa đổi.

Trong đó, nổi bật là khuyến nghị "Bỏ lệnh cấm thông thương quốc tế và tiếp tục điều chỉnh các biện pháp đi lại, dựa trên đánh giá rủi ro". Theo WHO, sự thất bại của các lệnh cấm du lịch được đưa ra sau khi phát hiện và báo cáo về biến thể Omicron nhằm hạn chế sự lây lan ra quốc tế của biến chủng này tỏ ra kém hiệu quả theo thời gian.

"Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch đối với du lịch (chẳng hạn tiêm phòng, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly...) phải dựa trên đánh giá rủi ro và tránh đặt gánh nặng tài chính cho du khách quốc tế, theo điều 40 của IHR'' - WHO cho biết.

Điều đang được các nước trên thế giới lưu tâm là " hộ chiếu vắc-xin ", WHO tuyên bố: "Không yêu cầu bằng chứng đã tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 khi đi du lịch quốc tế như con đường hoặc điều kiện cho phép đi du lịch quốc tế. Các quốc gia thành viên nên xem xét cách tiếp cận dựa trên rủi ro để tạo thuận lợi cho du lịch quốc tế".

Các khuyến nghị còn lại tập trung vào các chính sách ứng phó đại dịch của từng quốc gia; luôn sẵn sàng về mặt khoa học và các biện pháp điều trị tiến bộ, sẵn sàng, cập nhật nhất để giảm gánh nặng do Covid-19; đồng thời đảm bảo các dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ thiết yếu khác, từng bước khắc phục hậu quả đại dịch một cách bền vững.

Theo Anh Thư

Cùng chuyên mục
XEM