Walmart muốn vào Việt Nam: Không có đối thủ?

16/05/2016 08:39 AM | Kinh doanh

Nếu vào Việt Nam, Walmart sẽ cạnh tranh với Big C và các đại gia bán lẻ nước ngoài khác, đồng thời là đối thủ đáng gờm của doanh nghiệp Việt.

Đó là nhận định của một số chuyên gia khi tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart đang ngấp nghé vào Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Walmart đã tìm hiểu thị trường bán lẻ Việt Nam cách đây hơn 1 năm.

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết trong thời gian tới, hiệp định sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước thành viên TPP vào Việt Nam, đặc biệt là Walmart.

"Walmart đang tìm hiểu thị trường Việt Nam, đặc biệt họ đang theo dõi con đường đi của thương hiệu thức ăn nhanh McDonald's. Trong 1-2 năm đầu tiên vào Việt Nam, con đường đi của McDonald's chưa mấy thành công và nếu nhìn vào đó Walmart có thể phải lưu ý 3 vấn đề:

Thứ nhất, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam không giống thị hiếu của người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ.

Thứ hai, thời gian đầu tiên McDonald's chưa đáp ứng được nhu cầu của người Việt từ cách trưng bày sản phẩm đến giá thành.

Thứ ba, trước khi qua Việt Nam, McDonald's đã mở nhà hàng ở một số quốc gia Đông Nam Á khác và tương đối thành công. Nhưng khi vào Việt Nam, theo kế hoạch ban đầu họ sẽ mở vài chục cửa hàng không chỉ ở TP.HCM mà ở cả Hà Nội và các tỉnh thành khác của Việt Nam.

Ngoài McDonald's, Walmart cũng sẽ tìm hiểu bước đi của Big C, Aeon... bởi họ là người đi sau. Ngoài ra, Walmart cũng sẽ chờ TPP ký chính thức để được hưởng các ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác", TS Bùi Quang Tín nhấn định.

Từ cách thâm nhập thị trường các quốc gia châu Á của Walmart, vị chuyên gia kinh tế dự đoán, nếu và Việt Nam, đại gia bán lẻ Mỹ sẽ không đi theo con đường M&A (mua bán&sáp nhập). Lý do là năng lực tài chính của Walmart rất mạnh và họ đi theo cam kết giữa Mỹ và các quốc gia, theo đó Walmart được hưởng rất nhiều ưu đãi.

"Đường đi của Walmart khác với các đại gia bán lẻ châu Á - thường thì các đại gia này đi theo con đường M&A nhằm giúp giảm thiệt hại và thâm nhập thị trường Việt Nam theo cách tốt nhất. Nhưng Walmart không đi như vậy, họ 'dòm chừng' Big C, Aeon, McDonald's..., đợi TPP có hiệu lực thì mới nhảy vào.

Một khi đã vào thị trường Việt Nam, họ sẽ tham gia rất mạnh mẽ chứ không như Thái Lan. Đến khi ấy, doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ. Trường hợp của Big C vừa rồi có thể coi là một phép thử tương đối mạnh với doanh nghiệp Việt", TS Tín cho biết.

Trong khi đó, nhìn nhận về tín hiệu Wamart sắp vào Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thị trường Việt Nam đã mở cửa, nếu hấp dẫn thì các nhà đầu tư sẽ lần lượt vào. Chỉ có điều họ vào theo kiểu nào và họ sẽ chú ý một số vấn đề, chẳng hạn tiềm năng của thị trường Việt Nam có lâu dài, hấp dẫn không; chính sách có rõ ràng, thông thoáng không; thị phần, địa điểm thế nào, sức mua ra sao...

"Bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào, dù là Walmart hay đại gia Thái Lan, Nhật Bản... đều sẽ không vội vã như doanh nghiệp Việt. Họ phải tìm hiểu kỹ, chắc chắn có hiệu quả mới làm. Họ sẽ vào dần dần, rồi từ đó mới nhân rộng ra. Giống như Lotte Mart ban đầu vào 1 điểm, giờ phát triển thành 11 điểm. Big C, Metro, Aeon... cũng vậy.

Theo tôi, xu hướng các nhà đầu tư ngoại sẽ vào theo xu hướng M&A là chính, chứ không vào thẳng 100% để Việt Nam kiểm tra yêu cầu kinh tế của họ", ông Phú nhận định.

Riêng đối với Walmart, theo ông Vũ Vinh Phú, đây là là chuỗi thu mua, phân phối toàn cầu cho nên cơ chế tài chính của Walmart rất đặc biệt. Họ có thể lỗ 5 năm vẫn trụ được ở thị trường Việt Nam nhưng cuối cùng năm tài chính ở công ty mẹ vẫn có lãi bởi còn rất nhiều thị trường khác ngoài Việt Nam có lãi, không giống như doanh nghiệp Việt chỉ có duy nhất một thị trường nên lỗ là lỗ, lãi là lãi.

"Các nhà đầu tư nước ngoài là dân chuyên nghiệp, có hàng chục năm kinh nghiệm và được sự hỗ trợ của Nhà nước từ lãi suất ngân hàng, tuyên truyền quảng cáo, vốn công ty mẹ, nhất là kinh nghiệm đối phó với các đối thủ.

Họ nghiên cứu các đối thủ rất kỹ, có thể là đối thủ Việt hay đối thủ ngoại, tùy theo phân khúc nào (cửa hàng tự chọn, đại siêu thị hay đan xen giữa các loại hình)... Walmart hay bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào đều có thể vào Việt Nam. McDonald's đã vào TP.HCM và rồi cũng sẽ ra Hà Nội.

Họ sẽ tiến công dần, chứ không làm theo kiểu Tổng Công ty thương mại Hà Nội mở toàn bộ các chuỗi siêu thị ở các tỉnh, như ở Thái Nguyên mở 2 siêu thị thì đóng cửa 1; đầu tư nhà xưởng tốn kém quá mức và tự đẩy mình vào chỗ chết. Vấn đề của doanh nghiệp Việt là thiếu sự điều tra trước khi mở siêu thị, phiêu lưu, mạo hiểm, thậm chí sử dụng tiền chùa.

Còn doanh nghiệp ngoại trước khi đầu tư phải tìm hiểu thị trường Việt Nam có méo mó không, có đối xử công bằng không. Tóm lại, thị trường VN còn hấp dẫn thì còn các nhà đầu tư vào, nhưng vấn đề là vào bằng cách nào, vào thời điểm nào, vào quy mô nào... lại là chuyện khác.

Walmart đã tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm ngoái nhưng họ còn tính toán rất kỹ trước khi chính thức thâm nhập", ông Phú chỉ rõ.

Đối thủ trên cơ của người Thái, áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt

Đề cập tới áp lực nếu Walmart tham gia thị trường bán lẻ, theo TS Bùi Quang Tín, Walmart đã thâm nhập thị trường nhiều nước châu Á, do đó khi vào Việt Nam, họ sẽ trở thành một đối thủ ngang cơ, thậm chí trên cơ so với hàng Thái Lan, Nhật Bản, đặc biệt hàng hóa của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ bị cạnh tranh rất mạnh với hàng hóa Walmart.

Theo TS Tín cho biết, sau một thời gian sống ở Mỹ, ông thấy Walmart dường như không có đối thủ, người người, nhà nhà đều biết tới Walmart giống như người Sài Gòn biết tới Co.opmart.

"Với Big C, họ có thể mở nhiều siêu thị cho người bình dân, và sắp tới sẽ mở siêu thị cho người trung lưu, thượng lưu, nhưng Walmart không đi bằng 2-3 phân khúc. Phân khúc Walmart nhắm tới không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu là phân khúc bình dân.

Cho nên, nếu vào Việt Nam, họ sẽ cạnh tranh với Big C, Aeon và các đại gia bán lẻ nước ngoài khác tại thị trường Việt Nam ở phân khúc bình dân. Walmart cũng sẽ là đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp trong nước, thậm chí nó còn dữ dằn hơn nhiều so với các đại gia nước ngoài nhảy vào Việt Nam thời gian qua vì Walmart nhắm vào chính phân khúc của doanh nghiệp Việt.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, cách làm việc của người Mỹ không giống Thái Lan hay các nước trong AEC mà nhẹ nhàng hơn nhiều, họ thâm nhập vào thị trường để tìm hiểu.

"Cách làm việc của Walmart ở nước ngoài rất nhẹ nhàng, họ không ào ào nhảy vào rồi đẩy hàng Việt ra như người Thái bởi văn hóa của người Mỹ không giống văn hóa Đông Nam Á", ông Tín nói.

Bởi thế, TS Bùi Quang Tín khẳng định, con đường doanh nghiệp Việt cần đi từ trước tới giờ vẫn không thay đổi: đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, thành lập chuỗi cung ứng, liên kết với nhau, điển hình là liên kết với hệ thống siêu thị Co.opmart.

Co.opmart là thương hiệu bán lẻ của gần như đứng đầu Việt Nam, cùng với Vinmart là những người dẫn đường cho chuỗi cung ứng của nngười Việt.

"Co.opmart, Vinmart vì họ là những người đi đầu, đã phát triển khá thành công và các doanh nghiệp Việt không có lý do gì mà không thực hiện góp vốn cùng. Chẳng hạn, hiện Co.opmart góp vốn với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đánh vào thị phần trung lưu và thượng lưu.

Doanh nghiệp trong nước không nên ngần ngại hợp tác với họ và góp vốn theo hình thức M&A để thành lập ra các siêu thị tập trung vào các phân khúc bình dân", TS Bùi Quang Tín gợi ý.

Theo Thành Luân

Cùng chuyên mục
XEM