Walmart, McDonald's, Home Depot và 5 nhà bán lẻ chia sẻ về tình trạng của mình trong cơn bão dịch coronavirus

02/03/2020 09:12 AM | Kinh doanh

Các nhà bán lẻ đã đóng cửa hàng của mình ở khắp Trung Quốc để ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus.

Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc tế đang theo dõi tình hình, đưa ra dự báo tiêu cực về sự sụp đổ của chuỗi cung ứng. Theo viễn cảnh ảm đạm trước mắt, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái. Và các thương hiệu đồ ăn nhanh và bán lẻ lớn đang phải chật vật như thế nào để đối phó trong tình cảnh khó khăn này?

Walmart

Giám đốc điều hành Walmart đã có những chia sẻ về phản ứng của gã khổng lồ bán lẻ về sự bùng phát coronavirus tại Trung Quốc trong sự kiện với nhà đầu tư vào ngày 18/2.

"Chúng tôi đang xử lý các vấn đề liên quan đến coronavirus hàng ngày", CEO Doug McMillon nói trong bài thuyết trình. "Trọng tâm chính của chúng tôi tất nhiên là hướng về các đối tác và khách hàng của chúng tôi."

Công ty đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý đầu tiên do hậu quả của dịch bệnh. Walmart cũng đã giảm một nửa số lượng giao hàng thông qua các công ty logistics và giao hàng Trung Quốc Dada-JD Daojia.

Nhưng nhà bán lẻ này vẫn đang giữ hầu hết các địa điểm của mình tại Trung Quốc hoạt động, dù phải cắt giảm số giờ hoạt động. "Chúng tôi muốn các cửa hàng tiếp tục mở cửa," McMillon nói. "Khách hàng cần chúng tôi. Chúng tôi đã làm điều đó khi xảy ra những cơn bão ở Mỹ. Chúng tôi đang làm điều tương tự ở Trung Quốc."

Burberry

Sự bùng phát bệnh dịch đã đặt ra một thử thách lớn cho Burberry và các thương hiệu thời trang xa xỉ khác.

"Sự bùng phát của coronavirus ở Trung Quốc đại lục đang có tác động tiêu cực về chi tiêu đối với hàng xa xỉ", Giám đốc điều hành Burberry Marco Gobbetti chia sẻ với Business Insider. "Mặc dù hiện tại chúng tôi không thể dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, chúng tôi vẫn tự tin vào chiến lược của mình."

24 trong tổng số 64 cửa hàng của hãng ở Trung Quốc đại lục đã đóng cửa, trong khi 40 địa điểm còn lại đều hoạt động với phương thức giảm giờ hoạt động, khi mà lượng khách đến các cửa hàng đều sụt giảm. Ông Gobbetti tiếp tục chia sẻ rằng công ty đang "thực hiện các hành động giảm nhẹ thiệt hại và mọi biện pháp phòng ngừa để giúp đảm bảo sự an toàn và phúc lợi cho nhân viên."

Home Depot

Theo Seth Basham, giám đốc điều hành vốn cổ phần của Wedbush Securities, Home Depot và Lowe's cung cấp khoảng 30% sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

"Đây là một tình huống mang nhiều rủi ro mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ", một phát ngôn viên của Home Depot nói trong một tuyên bố với Business Insider. "Chúng tôi liên lạc thường xuyên với các nhà cung cấp và đang lên kế hoạch dự phòng để đảm bảo tác động tối thiểu đến chuỗi cung ứng."

Basham nói rằng "sự không chắc chắn của người tiêu dùng" cũng có thể khiến người mua sắm "trì hoãn các dự án cải tạo nhà ở", do đó gây tổn hại cho lĩnh vực trang trí nhà.

McDonald's

"Tình hình ở Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ", Chris Kempczinski, chủ tịch và CEO của McDonald cho hay. "Ngay bây giờ, ưu tiên của chúng tôi thực sự là nhân viên và khách hàng, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng họ an toàn và được quan tâm."

Cho đến nay, Kempczinski nói rằng công ty đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, thành lập một đội đặc nhiệm phòng chống dịch bệnh và cung cấp bữa ăn cho nhân viên bệnh viện.

McDonald's đã đóng cửa tất cả các nhà hàng ở tỉnh Hồ Bắc. Ông nói thêm rằng "tác động thực sự của dịch bệnh đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ khá nhỏ", miễn là phần lớn ca nhiễm bệnh chỉ xảy ra ở Trung Quốc. "Quan trọng là, chúng tôi vẫn có khoảng 3.000 nhà hàng vẫn đang mở ở quốc gia này ", ông nói. "Vì vậy, dù hàng trăm cửa hàng đóng cửa, nhưng 3.000 cửa hàng của chúng tôi vẫn đang hoạt động."

Walgreens

Walgreen Boots Alliance hiện đang nhận thấy sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm như khẩu trang và nước rửa tay ở nhiều nơi. "Chúng tôi liên tục làm việc với các đối tác nhà cung cấp để giúp đảm bảo chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng", theo người phát ngôn của Walgreen.

Người phát ngôn nói thêm rằng công ty - đã mua 40% cổ phần thiểu số trong chuỗi nhà thuốc Trung Quốc Sinopharm Holding GuoDa Drugstores vào năm 2018 - đang thực hiện các bước để bảo vệ nhân viên.

"Có một sự kết hợp chặt chẽ giữa các phòng khám và phòng đảm bảo an toàn của chúng tôi, chúng tôi liên tục chia sẻ thông tin với các thành viên trong bộ phận dược phẩm của mình để giúp giải quyết các câu hỏi của bệnh nhân dựa trên thông tin mới nhất có sẵn từ các quan chức y tế công cộng và CDC".

Starbucks

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Kevin Johnson nói rằng "các đối tác ở Trung Quốc đang đưa ra những lời khuyên cho chúng tôi khi các quan chức y tế có động thái ứng phó với coronavirus".

Hơn một nửa các quán Starbucks ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, trong khi giờ hoạt động của tất cả các quán cà phê đều bị cắt giảm "để đối phó với sự bùng phát của coronavirus". Công ty cho biết dự báo kết quả kinh doanh của họ không thay đổi, mặc dù coronavirus là yếu tố khiến lưu lượng khách giảm và "gián đoạn kinh doanh". "Chúng tôi vẫn lạc quan và tin tưởng vào cơ hội lâu dài ở Trung Quốc, dựa trên thương hiệu và 20 năm tăng trưởng có lợi nhuận", Johnson nói.

Macy's

Trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư vào ngày 25/2, CFO Paula Price của Macy's nói rằng trong khi "còn quá sớm để biết" tác động đầy đủ của coronavirus, công ty dự đoán doanh số bán hàng quốc tế có thể giảm và hoãn nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Chúng tôi dự đoán rằng có thể có một tác động nhỏ đến doanh số bán hàng quốc tế từ du lịch," Price nói. "Chúng tôi đang làm việc với các đối tác nhà cung cấp để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào."

Giám đốc điều hành của Macy, Jeff Gennette, nói rằng văn phòng công ty ở Hồng Kông vẫn tiếp tục hoạt động với số giờ bình thường kể từ khi nhân viên trở về sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Macy đang sử dụng các chính sách như phương án hoạt động linh hoạt từng được đưa ra trong đại dịch SARS năm 2002-2003, ông nói.

KFC, Pizza Hut, Taco Bell và các thương hiệu khác của Yum China

Yum China đã tách khỏi công ty mẹ Yum Brands vào năm 2016. Công ty độc lập có trụ sở tại Thượng Hải này điều hành độc quyền các nhà hàng KFC, Taco Bell và Pizza Hut tại Trung Quốc và cũng sở hữu một loạt các thương hiệu khác.

CFO Ka Wai Yeung cho biết dịch coronavirus - đã bùng phát ngay trước Tết Nguyên đán, "gây ra sự gián đoạn đáng kể cho việc kinh doanh của chúng tôi. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa tạm thời, doanh số của các cửa hàng mở cửa cũng sụt giảm đáng kể."

Vị CFO này tiếp tục giải thích rằng "hạn chế đi lại, nhiều sự kiện bị huỷ bỏ và thời gian hoạt động bị rút ngắn" cũng là những điểm bất lợi. Dẫu vậy, Yeung nói rằng "việc giao hàng vẫn đang được duy trì tốt" cho Yum China khi mà hãng chuyển hướng tăng cường bán hàng online.

 Walmart, McDonalds, Home Depot và 5 nhà bán lẻ khác chia sẻ về tình cảnh của mình trong cơn bão dịch coronavirus  - Ảnh 1.

Theo Phạm Cường

Cùng chuyên mục
XEM