Vướng mắc kế hoạch quỹ phục hồi Covid-19, Thượng đỉnh EU có nguy cơ đổ vỡ

15/07/2020 19:07 PM | Xã hội

EU chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoạch xây dựng quỹ phục hồi sau Covid-19 và những bất đồng này có thể khiến chương trình nghị sự hội nghị đổ vỡ.

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa, lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp trong hai ngày 17-18/7 để thảo luận về ngân sách của khối trong giai đoạn 7 năm tới (từ năm 2021 - 2027), trong đó có kế hoạch xây dựng quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, cho đến nay, các thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan đến kế hoạch xây dựng quỹ. Bất đồng giữa các nước thành viên có thể khiến chương trình nghị sự hội nghị bị đổ vỡ.

Vướng mắc kế hoạch quỹ phục hồi Covid-19, Thượng đỉnh EU có nguy cơ đổ vỡ - Ảnh 1.
Ảnh minh họa: Reuters

Các Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu liên quan đến vấn đề ngân sách luôn là những cuộc tranh luận căng thẳng nhất. Cuộc thảo luận lần này còn quan trọng và phức tạp hơn vì các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận về quỹ phục hồi, trị giá 750 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Nhóm 4 nước Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển có quan điểm tài chính bảo thủ, đề xuất việc sử dụng quỹ phục hồi để hỗ trợ các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 phải được thực hiện bằng các khoản vay kèm theo các điều kiện chặt chẽ về cải cách kinh tế, thay vì theo hình thức tài trợ. Tuy nhiên, các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra và đều cần hỗ trợ về mặt tài chính thì lại phản đối đề xuất được xem là “ngặt nghèo” này.

Thời gian tổ chức hội nghị đã cận kề song đến nay các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Theo giới chức Liên minh châu Âu, bất đồng giữa các nước thành viên về việc thành lập quỹ có thể khiến hội nghị bị đổ bể.

Với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sánchez đang ở thăm Đức để thu hẹp bất đồng.

Tuy nhiên, cả Thủ tướng Đức và Thủ tướng Tây Ban Nha đều cho rằng, với thời gian cấp bách như hiện nay rất khó để lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận về các đề xuất cho khoản ngân sách dài hạn cũng như một kế hoạch kích thích kinh tế.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, phía Đức sẵn sàng thúc đẩy thỏa hiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu cuối tuần này nhằm mang lại thành công cho hội nghị. Mặc dù vậy, bà lo ngại rằng, nhiều khả năng, Liên minh châu Âu sẽ phải tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo trong trường hợp các bên không nhất trí được về kế hoạch xây dựng quỹ trong cuộc họp ngày 17-18/7 tới. Bà cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối cần phải hành động trong một tình huống bất thường chưa từng xảy ra và học hỏi những kinh nghiệm có được từ đại dịch Covid-19.

“Ai cũng muốn nhanh chóng có được một kết quả tốt đẹp song tôi không rõ là liệu cuộc họp Thượng đỉnh EU trong hai ngày 17-18 tới đây có thành công hay không. Thời gian đang rất cấp bách trong khi chúng tôi phải xây dựng nhiều chương trình. Điều quan trọng là phải có sự chắc chắn để triển khai kế hoạch. Đức sẽ nỗ lực để tạo sự đồng thuận và chúng ta cần đầu tư cho tương lai”.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha thừa nhận rằng các cuộc đàm phán sẽ gặp nhiều khó khăn, song ông một lần nữa kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên EU khác nỗ lực để đạt được thỏa thuận.

“Chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm mọi thứ trong tầm tay nhằm đạt thỏa thuận trong tháng 7 này. Tháng 7 là tháng của thỏa thuận vì chúng ta sẽ không thể hồi phục sau đại dịch nếu không có sự đồng thuận. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải làm mọi thứ để triển khai kế hoạch”.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte – nước đi đầu trong quan điểm tài chính bảo thủ cũng cho biết ông không hy vọng lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này về kế hoạch ngân sách cho quỹ phục hồi kinh tế châu Âu sau đại dịch Covid-19.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Hà Lan ủng hộ phân bổ vốn hỗ trợ cho các quốc gia theo hình thức cho vay, kèm các điều kiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt như thay đổi rõ rệt về chính sách lương hưu và thị trường lao động. Ngoài ra, Hà Lan cũng phải có quyền phủ quyết một khoản hỗ trợ nếu quốc gia thành viên nhận hỗ trợ không thực hiện những cải cách đó.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng các nước Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã đến Hà Lan thảo luận với Thủ tướng Mark Rutte nhằm tháo gỡ vướng mắc nhưng không đạt đột phá./.

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM