Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành "đất vàng" với mức giá trên trời

22/11/2022 11:41 AM | Kinh tế vĩ mô

Chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đang có những kế hoạch lớn lao hơn cho sông Hàn.

Theo báo Korea Joongang Daily, việc sở hữu một căn hộ nhìn ra sông Hàn được coi là biểu tượng của sự giàu có và thành công ở Hàn Quốc. Một căn hộ trong khu phức hợp Mark Hills ở khu Heukseok-dong ở phía Nam Seoul gần đây được bán với giá khoảng 8,5 tỷ won (6,0 triệu USD), gấp 10 lần giá bán một ngôi nhà trung bình ở Seoul.

Căn hộ này được bán với mức giá cao chót vót như vậy không chỉ bởi nó rộng 240 m2 và nằm gần các khu phố lớn ở khu Gangnam sầm uất, mà còn bởi vì nó nhìn thẳng ra Sông Hàn và Đảo Nodeul.

Nhưng sông Hàn không chỉ nổi tiếng vì những căn hộ sang trọng với giá bán đắt đỏ, mà đây là điểm đến được nhiều người ưa thích như một nơi "xả stress" để tạm rời xa cuộc sống bận rộn của thành phố.

Thường xuyên xuất hiện trong nhiều video ca nhạc, phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc, con sông gắn liền với tên gọi "Kỳ tích sông Hàn" được coi là một trong những địa điểm vui chơi hoàn hảo ở Hàn Quốc, nơi mọi người gặp gỡ, vui chơi, đi dạo và thư giãn.

Theo dữ liệu của Chính quyền Thủ đô Seoul, vào năm 2021, sông Hàn đã đón tổng cộng 57 triệu lượt khách. Nhưng làm thế nào mà sông Hàn lại trở thành một phần quan trọng trong văn hóa của thành phố Seoul rộng lớn và rực rỡ như vậy?

Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành đất vàng với mức giá trên trời - Ảnh 1.

Vì sao sở hữu căn hộ nhìn ra sông Hàn lại là biểu tượng của sự thành công?

Nói một cách đơn giản, người ta tin rằng một căn hộ có "view" sông Hàn nghĩa là căn hộ đó có vị trí thuận lợi về giao thông và cơ sở hạ tầng, tọa lạc ở một trong những khu vực nổi tiếng - và hiếm hoi - của thành phố và có tầm nhìn đẹp.

Do đó, những căn bất động sản bên sông Hàn thường thuộc hàng top đắt giá nhất ở Seoul.

Căn hộ áp mái rộng 264 m2 ở Seongsu-dong, phía Đông Seoul có view sông Hàn đã được bán với giá 13 tỷ won vào tháng 9 năm nay. Thực tế, giá bán căn hộ này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, từ 6,05 tỷ won vào năm 2017.

Một căn hộ khác nổi tiếng với vị trí cạnh sông Hàn và giá bán tọa lạc ở Banpo, quận Seocho, Nam Seoul. Theo dữ liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, một căn hộ rộng 140 m2 ở đó đã được bán với giá 7,3 tỷ won hồi tháng 9.

Nhiều người nổi tiếng của Hàn Quốc, chẳng hạn như nam diễn viên Lee Je-hoon và cặp đôi diễn viên Joo Sang-wook và Cha Ye-ryun, Baekhyun của nhóm nhạc Nam Exo, nữ ca sĩ IU, hay Jimin của BTS,,, được cho là sở hữu một trong những căn hộ ven sông Hàn.

Ông Lee Chung-kee, một giáo sư kiến trúc tại Đại học Seoul, cho biết: "Ngày nay nhiều người ưu tiên chất lượng nhà ở, chẳng hạn như quang cảnh. Những ngôi nhà ven sông Hàn được đánh giá là có vị trí đắc địa vì giao thông thuận tiện."

Ngoài vị trí thuận tiện và tầm nhìn, việc những căn hộ này nằm gần các công viên dọc sông Hàn cũng là một điểm cộng lớn.

Một sinh viên 20 tuổi sống trong căn hộ ven sông Hàn cùng bố mẹ cho biết: "Ngày nào tôi cũng đến công viên sông Hàn để chạy bộ, đi dạo và xả stress. Cũng có rất nhiều người như tôi, họ đi bộ hoặc đạp xe dọc theo bờ sông vào buổi tối."

Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành đất vàng với mức giá trên trời - Ảnh 2.

Vậy còn những người không sống ở khu vực ven sông Hàn thì sao?

Đối với những người không sống trong những căn hộ ven sông, thì các công viên ở hai bên bờ sông vẫn là nơi tuyệt vời để họ có thể đi chơi cùng bạn bè hoặc gia đình.

Sông Hàn hiện có 11 công viên trong thành phố Seoul: Công viên Nanji, Gangseo, Yangwha, Mangwon, Yeouido, Ichon, Banpo, Jamwon, Ttukseom, Jamsil và Gwangnaru Hangang.

Người dân trong thành phố chủ yếu đến đây để đi dã ngoại, ăn uống, tập thể dục, và ngắm cảnh.

Về cơ bản, các công viên này đều có bãi cỏ rộng để mọi người có thể trải thảm dã ngoại hoặc dựng lều, và có đường đạp xe chạy dọc bờ sông.

Thậm chí có những khu giao đồ ăn dành cho những người thích dã ngoại nhưng không có thời gian chuẩn bị đồ ăn từ trước.

Các cửa hàng tiện lợi trong công viên cũng có những chiếc máy đặc biệt để nấu mì ăn liền, và bạn chỉ cần vài phút để có một bữa ăn nhẹ nóng hổi bên bờ sông.

Các lễ hội, chẳng hạn như lễ hội hoa anh đào mùa xuân và Lễ hội pháo hoa quốc tế mùa thu, đều diễn ra ở Công viên sông Hàn. Ngoài khu vực cắm trại, một số công viên như Yeouido còn có Quảng trường Ánh sáng, đài phun nước và sân khấu hoành tráng.

Bên cạnh Đảo Nodeul, sông Hàn còn có nhiều điểm tham quan khác thu hút hàng ngàn người đến nơi đây mỗi ngày.

Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành đất vàng với mức giá trên trời - Ảnh 3.

Chẳng hạn, Đài phun nước Cầu Vồng Ánh Trăng trên cầu Banpo đã lập kỷ lục Guinness vào năm 2008 là đài phun nước trên cầu dài nhất thế giới với tổng chiều dài hai bên cầu là 1.140m, 10.000 đèn LED tạo nên 200 màu sắc kết hợp cùng nhạc nước lung linh huyền ảo.

Đài phun nước Cầu Vồng Ánh Trăng trên cầu Banpo là trọng tâm trong Dự án Phục hưng sông Hàn do Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon lãnh đạo trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2006.

Công viên Banpo cũng nổi tiếng vì có Quần đảo Sevit, một hòn đảo nổi nhân tạo có sân khấu và phòng trưng bày nghệ thuật truyền thông. Quần đảo Sevit từng xuất hiện trong phim "The Avengers: Age of Ultron" vào năm 2015.

Ngoài ra, trong khu vực còn có rất nhiều khu tập thể dục, sân bóng đá, sân bóng rổ và hồ bơi, phục vụ nhu cầu của người dân sống trong và ngoài khu vực ven sông Hàn.

Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành đất vàng với mức giá trên trời - Ảnh 4.

Trước đây sông Hàn không náo nhiệt và hấp dẫn như vậy

Sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố Seoul và là con sông dài thứ tư ở Hàn Quốc - với chiều dài 41,5 km. So với các con sông chảy qua các thành phố lớn ở các quốc gia khác, chẳng hạn như sông Thames ở London và sông Seine ở Paris, sông Hàn rộng hơn gần 5 lần.

Nhưng trái ngược với vẻ hào nhoáng và những tiện ích bên sông mà chúng ta thấy hiện nay, vào khoảng đầu thập niên 1960, bờ sông Hàn vẫn còn là những bãi cát trắng, và người dân đến nơi đây để giặt giũ và đánh cá.

Giáo sư danh dự Lee Yeon-taek từ Khoa Du lịch của Đại học Hanyang cho biết: "Sự phát triển của cơ sở hạ tầng quanh sông Hàn bắt đầu từ việc sử dụng nguồn nước trước Thế vận hội Seoul năm 1988".

Việc đăng cai Đại hội Thể thao châu Á 1986 và Thế vận hội Seoul năm 1988 là động lực để chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy dự án phát triển sông Hàn kéo dài 4 năm.

Dự án phát triển sông Hàn với chi phí 965 tỷ won (678 triệu USD) đã hoàn thành chỉ hai tuần trước Đại hội Thể thao châu Á 1986, theo Cục lưu trữ quốc gia Hàn Quốc.

Trong vòng 4 năm (1982-1986), chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như Công viên sông Hàn, và cải thiện chất lượng nước.

Cùng lúc đó, đường cao tốc Olympic-daero và Gangbyeonbuk-ro chạy song song với dòng sông đã được xây dựng. Các bờ sông cũng được xây dựng để người dân có thể theo dõi các môn thể thao dưới nước và du ngoạn bằng phà, cùng với đó là các con đê định hướng cho dòng sông.

Vào thời điểm này, chiều rộng của dòng sông đã được thiết lập bằng đê đập để đảm bảo nó duy trì hình dạng gần như đồng nhất khi chảy qua thành phố.

Vùng đất ven sông lột xác ngoạn mục: Từ 1 nơi để giặt giũ, đánh cá thành đất vàng với mức giá trên trời - Ảnh 5.

Tương lai của sông Hàn ra sao?

Chính quyền thành phố Seoul đang có những kế hoạch lớn lao hơn cho sông Hàn.

Vào đầu tháng 8 năm nay, chính quyền thành phố Seoul đã công bố một dự án mang tên Great Sunset River Han, phần tiếp theo của Dự án Phục hưng sông Hàn nhằm thu hút 30 triệu khách du lịch nước ngoài đến Seoul.

Dự án bao gồm xây dựng vòng đu quay cao nhất thế giới, được đặt tên dự kiến là Con mắt của Seoul. Các sân khấu bên bờ sông giống như sân khấu The Float của Vịnh Marina ở Singapore, nơi các nghệ sĩ K-pop như BTS và Blackpink dự kiến sẽ biểu diễn, cũng đã được lên kế hoạch xây dựng.

Ông Choi Won-cheol, giáo sư tại Đại học Hanyang, người phụ trách dự án Đảo Sevit, cho biết: "Trước đây chưa có một điểm tham quan điển hình nào ở Hàn Quốc, đó là lý do chính để Dự án Phục hưng sông Hàn được khởi xướng. Trong tương lai, nếu chúng tôi có một địa danh biểu tượng như như Nhà hát Opera ở Sydney, chúng tôi sẽ có thể thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài".

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM