Vui buồn lẫn lộn trong mùa Giáng sinh giữa đại dịch Covid-19

23/12/2020 20:46 PM | Xã hội

Việc nhiều quốc gia cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 được cho là thông tin không thể tích cực hơn trong dịp Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người được gỡ bỏ, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới không ngừng gia tăng.

Các vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng mang đến niềm vui và sự hài lòng cho nhiều người trong dịp Giáng sinh năm nay nhưng chưa đủ để nhà chức trách dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại hay tụ tập đông người.

Giới khoa học và lãnh đạo các quốc gia "ca ngợi" các dòng vaccine Covid-19, coi đó là thành công lớn trong công cuộc chống Covid-19, nhưng chỉ khi chúng được phân phối rộng rãi - quá trình có thể lên tới vài tháng tại ngay những quốc gia giàu có.

Hơn 78,4 triệu người đã nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và hơn 1,7 triệu người tử vong. Mỹ là quốc gia đứng đầu cả hai tiêu chí trên.

Làn sóng Covid-19 mới tại Mỹ khiến cho nhiều bệnh viện quá tải, chỉ vài tuần sau khi hàng triệu người dân quốc gia này sử dụng các phương tiện đường không và đường bộ để di chuyển trong lễ Tạ ơn vừa qua. Số ca nhập viện liên tục lập kỷ lục trong 19 ngày liên tiếp.

Vui buồn lẫn lộn trong mùa Giáng sinh giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giáng sinh năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa bị kiểm soát. Ảnh: Reuters.

“Vẫn có một sự khác biệt lớn giữa những điều bạn được cho phép làm bởi chính quyền các quốc gia và những điều nên làm”, ông chia sẻ. “Điều an toàn nhất ở thời điểm hiện tại là các bạn nên ở nhà”.Hiện tại, nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho Giáng sinh và Hans Kluge, giám đốc văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết họ không nên mạo hiểm để người dân có thể tự do đi lại.

Các kế hoạch di chuyển của hàng nghìn người dân Australia bị ảnh hưởng khi các bang và địa phương ban hành các sắc lệnh thắt chặt ranh giới sau khi 28 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện tại Sydney.

Phần lớn lãnh thổ Anh đã được đặt dưới “mức cảnh báo rất cao” trong cuối tuần qua. Người dân Anh phải chấp hành những biện pháp cách ly xã hội khắt khe nhất dù London có những nỗ lực để duy trì một quãng thời gian “nới lỏng” kéo dài 5 ngày trong dịp Giáng sinh năm nay.

“Đáng buồn, dường như hệ thống các mức độ cảnh báo không giúp đẩy lùi được dịch bệnh”, John Edmuns, thành viên Nhóm cố vấn khoa học các trường hợp khẩn cấp của chính phủ Anh, chia sẻ với Sky News.

“Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải nhìn thẳng vào những biện pháp đó và thắt chặt chúng hơn”.

Hàn Quốc, vốn được cả thế giới ngưỡng mộ khi đối phó rất tốt với đại dịch trong giai đoạn đầu, cũng ghi nhận tới 1.062 ca nhiễm mới trong ngày 18/12, số lượng bệnh nhân cao thứ 2 từng được ghi nhận trong một ngày, khi Seoul do dự trước việc thắt chặt hơn các biện pháp cách ly xã hội.

Công dân Áo ở nước ngoài đang trở về quê hương sớm hơn trong dịp Giáng sinh năm nay trước khi các quy định cách ly chính thức có hiệu lực từ ngày 19/12. Quốc gia này cũng sẽ chính thức bước vào giai đoạn cách ly xã hội thứ 3 sau Giáng sinh, theo hãng tin quốc gia APA.

'Không nơi nào an toàn'

Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset yêu cầu các thành viên trong chính phủ đồng ý cho đóng cửa các nhà hàng trong một tháng.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, một trong những điểm nóng Covid-19 tại châu Âu hồi đầu năm nay, có nhiều thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh cho dù đã không phải cho đóng cửa toàn bộ các cửa hàng cũng như vũ trường. Nhưng với tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 244 ca/100.000 dân trong vòng 2 tuần,  thành phố này đang dần quay trở lại với tình trạng trước khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 nổ ra.

Ba Lan có thể sẽ ban hành nhiều hơn các quy định cách ly xã hội, Thủ tướng Mateusz Morawiecki phát biểu trong một bài phỏng vấn hôm 18/12, một ngày sau khi Warsaw thông báo một giai đoạn “cách ly xã hội toàn quốc” sẽ được ban bố ngay sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Cảnh sát tại Litva cũng đang cho thực hiện các lệnh cấm đường để triển khai một giai đoạn cách ly xã hội mới.

“Không có nơi nào an toàn tại Litva cả”, Thủ tướng Ingrida Simonyte chia sẻ với các phóng viên.

Khi lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt công bố những kế hoạch nhằm chống lại đại dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tỏ ra “im hơi lặng tiếng”. Ông bị một số người chỉ trích là thiếu trách nhiệm khiến cho số lượng các ca nhiễm bệnh tăng cao.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tiêm vaccine trực tiếp trên sóng truyền hình hôm 18/12, trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của công chúng cho công tác tiêm chủng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 17/12, khởi đầu cho một cuộc truy vết quy mô lớn trên toàn châu Âu khi ông có một loạt các cuộc gặp mặt với  nhiều lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU).

Các thành viên EU sẽ bắt đầu tiêm chủng phòng Covid-19 từ ngày 27/12 khi châu lục này muốn bắt kịp Anh và Mỹ trong việc cấp phép cho các dòng vaccine phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM