Vừa tắc đường và ô nhiễm không khí nặng, Trung Quốc đã dùng cách này để giải quyết

19/10/2016 15:26 PM | Công nghệ

Trong mắt người Trung Quốc, xe đạp là loại phương tiện lạc hậu chỉ dành cho người nghèo. Thế nhưng, họ sẽ phải thay đổi cách nhìn với xẹ đạp khi nó đang trở thành cứu tinh cho tình trạng tắc đường ở nước này.

Người Trung Quốc vốn không xa lạ gì với xe đạp. Đến tận năm 1986, 63% người dân Bắc Kinh vẫn còn dùng xe đạp làm phương tiện giao thông chính. Tuy nhiên, đến năm 2013, con số này đã giảm xuống chỉ còn 14%. Tính trên cả nước, tỷ lệ sử dụng xe đạp giảm từ 2% đến 5% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2010.

Lý do dẫn đến sự sụt giảm trên không có gì bất ngờ. Tỷ lệ sở hữu ô tô đã tăng vọt ở Trung Quốc trong 30 năm qua khi kinh tế nước này tăng trưởng mạnh mẽ. Với thu nhập gia tăng, người dân cũng muốn tìm những phương tiện nhanh và thoải mái hơn để di chuyển trong những thành phố ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Đáng tiếc là số lượng ô tô gia tăng cũng khiến các đô thị lớn của Trung Quốc chìm trong ách tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Khi các con đường ngày càng trở nên đông đúc, người dân, giới doanh nhân và chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm những giải pháp mới.

Các chương trình đi chung xe đạp đã được thử nghiệm lần đầu tiên (nhưng không thành công) ở Amsterdam, Hà Lan vào năm 1965. Nhưng hiện nay, ý tưởng này đã sống lại như là một trong những giải pháp triển vọng nhất cho tình trạng tắc đường.

Theo Bloomberg, chỉ trong vài tuần qua, hai dịch vụ chia sẻ xe đạp lớn nhất Trung Quốc đã gọi được 200 triệu USD vốn đầu tư. Trong đó, một công ty tên là Ofo có trụ sở ở Bắc Kinh đã được định giá tới 500 triệu USD.

Didi, công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư 100 triệu USD vào Ofo. Công ty này cũng đang cân nhắc tích hợp 70.000 chiếc xe đạp và 500.000 lượt đi xe mỗi ngày của Ofo vào ứng dụng gọi xe của họ.

Lâu nay, xe đạp vẫn là đối tượng bị lãng quên đối với các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc. Chưa có nhiều công nghệ mới được áp dụng cho loại phương tiện hai bánh này. Xe đạp cũng bị xem là loại phương tiện lạc hậu trong mắt thế hệ người tiêu dùng mới ngày càng hiện đại và sành sỏi của Trung Quốc.

Vào năm 2004, trong một nỗ lực hiện đại hóa thành phố, Thượng Hải đã cấm xe đạp di chuyển vào trung tâm thành phố nhằm giúp ô tô lưu thông thuận lợi hơn. Thái độ coi thường xe đạp được thể hiện rõ nhất vào năm 2010, khi một cô gái tham gia chương trình hẹn hò trên truyền hình Trung Quốc nói rằng: “Tôi thà khóc trong BMW còn hơn cười sau xe đạp”. Câu nói này sau đó đã lan truyền rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội của Trung Quốc.

Nhưng khi tình trạng tắc đường và ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, vị thế của ô tô bắt đầu bị lung lay. Các nhà quy hoạch giao thông lại phải tìm cách thuyết phục người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Thế nhưng, họ phải đối mặt với một vấn đề mà nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang gặp.

Người dân càng sống xa các bến xe bus hoặc tàu điện ngầm, họ càng ngại sử dụng giao thông công cộng. Đó là vì họ phải đi bộ xa hơn đế đến các bến tàu hoặc xe bus. Đây là bài toán các nhà chức trách phải giải quyết nếu muốn nâng cao tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng của người dân.

Ở Trung Quốc, đi chung xe đạp là giải pháp không thể phù hợp hơn. Người Hà Lan đã khởi xướng ý tưởng này với một cách nhìn lý tưởng hóa: đặt xe đạp ở khắp Amsterdam để bất cứ ai cũng có thể sử dụng cho bất cứ mục đích nào. Tuy nhiên, nhiều chiếc xe đạp đã bị lấy trộm và chương trình phải chấm dứt không lâu sau đó.

Mãi cho đến giữa thập niên 1990, các chương trình đi chung xe đạp tiếp theo mới được triển khai. Lần này, với sự phát triển của công nghệ, xe đạp được quản lý bằng cách quẹt thẻ từ để thuê. Hiện nay, các chương trình tương tự đang được triển khai ở hàng trăm thành phố trên toàn thế giới.

Các chương trình đi chung xe đạp đang được triển khai với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc. Tổng số xe đạp đi chung ở nước này đã lớn hơn phần còn lại của thế giới vào năm 2015. Các thành phố Hàng Châu, Thái Nguyên và Thượng Hải đang vận hành các chương trình đi chung xe đạp lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư thế giới.

Quy mô của chương trình trên là rất lớn: Dịch vụ xe đạp công cộng Hàng Châu, được một công ty nhà nước và chính quyền địa phương cùng thành lập vào năm 2008, hiện nay điều hành tới 78.000 chiếc xe đạp ở 2000 trạm chứa. Dịch vụ này có kế hoạch mở rộng lên 175.000 xe đạp vào năm 2020. Tính trung bình, người dùng thực hiện 240.000 chuyến đi mỗi ngày.

Các khảo sát sơ bộ cho thấy người dân Trung Quốc sẵn sàng sử dụng xe đạp và hệ thống giao thông công cộng. Một nghiên cứu năm 2010 về Hàng Châu cho thấy, người sở hữu ô tô có tỷ lệ dùng dịch vụ đi chung xe đạp nhiều hơn cả người không có ô tô.

30% người tham gia giao thông đã sử dụng dịch vụ đi chung xe đạp để đi lại hàng ngày. Nói cách khác, nhiều người sở hữu ô tô ở Trung Quốc sẵn sàng dùng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nếu họ cảm thấy chúng thực sự thuận tiện.

Các công ty vận hành dịch vụ chia sẻ xe đạp của Trung Quốc tin tưởng, số người sử dụng dịch vụ của họ sẽ ngày càng tăng. Ofo đã trang bị hệ thống mã QR cho xe đạp của họ, giúp người dùng có thể quẹt thẻ để thanh toán và lái xe (phí thuê xe của Ofo là 0,15 USD một giờ, sau khi đặt cọc 15 USD).

Một công ty khác là Mobike ở Thượng Hải đã lắp đặt thiết bị định vị GPS cho các xe đạp, để người dùng không cần phải trả xe lại các trạm chứa và có thể để ở bất cứ đâu họ thấy thuận tiện. Xe đạp điện, vốn đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, cũng sẽ sớm được triển khai dịch vụ trên.

Có lẽ người Trung Quốc không ngờ rằng, thứ phương tiện họ muốn ruồng bỏ trong quá khứ lại đang trở thành cứu tinh cho tình trạng tắc đường và ô nhiễm không khí ở nước này. Nếu chương trình đi chung xe đạp được triển khai thành công, Trung Quốc sẽ cho thế giới thấy, quá khứ cũng có thể là thứ giúp nâng bước tương lai.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM