"Vua lan" nói về lan đột biến: Việt Nam lặp lại những chuyện tưởng như hoang đường ở Trung Quốc 20 năm trước

14/04/2021 09:03 AM | Kinh doanh

"Cay đắng phết!" - "vua lan" Trần Tuấn Anh nói.

Ông Trần Tuấn Anh sống tại Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội coi việc gắn bó với hoa lan như một cái nghiệp và yêu lan đến mức đã từng đánh đổi tất cả vì nó. Ông cũng là người phát hiện ra 4 loại lan quý của thế giới, được thế giới đặt tên cho 3 loài gồm: Paph.trantuanhii, Den.trantuanii, Vanda tuananhii và 1 loài cho tên nước Việt Nam: Den.vietnamica.

Để có vốn kiến thức cho mình, Trần Tuấn Anh không ngại bị mọi người gọi là "gàn" khi sẵn sàng bỏ ra vài trăm USD để mua sách về lan. Tài liệu của ông về lan có thể tính bằng tạ, nhiều hơn cả thư viện của trường Nông nghiệp hay bất cứ một thư viện nào khác.

Giới chơi lan trong cả nước vẫn gọi ông với cái tên "Vua lan" hay "kẻ sĩ mê lan".

Trong cơn sốt lan đột biến náo loạn Việt Nam thì "vua lan" không hề xuất hiện. Mới đây, trong bài phỏng vấn trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh đã chia sẻ rất nhiều suy nghĩ.

 Vua lan nói về lan đột biến: Việt Nam lặp lại những chuyện tưởng như hoang đường ở Trung Quốc 20 năm trước - Ảnh 1.

Vườn lan rộng hơn 3.000 m2 của "vua lan" Trần Tuấn Anh. Ảnh: Zing

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông chiêm nghiệm, ngày xưa "vua chơi lan quan chơi trà", lan là giống quý phái, không phải ai cũng có điều kiện để chơi. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã khá giả hơn, nhu cầu thưởng lãm cái đẹp không còn là một cái gì đấy quá xa xỉ, thì quan niệm trồng lan cũng là một cách tích đức.

 Vua lan nói về lan đột biến: Việt Nam lặp lại những chuyện tưởng như hoang đường ở Trung Quốc 20 năm trước - Ảnh 2.

Với thâm niên chơi lan 45 năm, Trần Tuấn Anh giờ đã sở hữu cả một gia tài lớn. Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Kể về thời điểm giá lan đột biến bắt đầu sốt ở Việt Nam, "vua lan" hồi tưởng về sự kiện toàn số 6 và 8. Cụ thể, ngày 6/8/2018 giao dịch lan 5 cánh trắng giữa một nhà vườn tại La Gi (Bình Thuận) và CLB Hoa lan sông Hàn với giá 6,8 tỷ. Lúc đó ông đang ở Tây Nguyên, vẫn làm Chủ tịch Hội Hoa lan Việt Nam.

Trần Tuấn Anh nhận xét, thế giới cũng chơi lan nhưng không đến mức "Thị Nở" với hoa hậu như ở ta. Người Tây chơi lan thiên về màu sắc sặc sỡ còn người Á Đông chơi trầm hơn, kín hơn nhưng hương phải thực sự đẳng cấp.

Ông nói: "Mình mà hô chỉ bằng một phần giá lan đột biến đang bán ở Việt Nam thôi là thế giới người ta đã cười rồi". Rất nhiều bạn bè của ông là người chơi lan của nước ngoài đã nhận xét rằng: "Người Việt chúng mày chơi ngông quá!". Bởi những cây đột biến đang giao dịch tiền tỷ ở Việt Nam có khi chỉ được định giá cỡ 1.000 USD tức hơn 20 triệu mà thôi.

Thực tế, ở nước ngoài cũng có những giò lan được định giá cả chục ngàn, trăm ngàn thậm chí cả triệu USD. Đấy là những cây lan thực sự đặc biệt về gen, quá quý hiếm gần như không tìm ra được.

 Vua lan nói về lan đột biến: Việt Nam lặp lại những chuyện tưởng như hoang đường ở Trung Quốc 20 năm trước - Ảnh 3.

Trần Tuấn Anh cũng là người phát hiện ra 4 loại lan quý của thế giới. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Như cây hài bóng của Việt Nam được định giá hàng trăm ngàn USD tức hàng tỷ đồng hay bên Đài Loan họ vừa bán một cây hài hằng màu đỏ quy ra cũng khoảng hơn 1 tỷ đồng. Mấy loại 5 cánh trắng của ta họ cũng có chơi nhưng không có giá trị cao đến mức như vậy.

Ông thừa nhận, người Việt ta đang chơi lan là để thể hiện, kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, người này có thì người kia phải có và đè nhau để trấn áp cuộc chơi. Cũng như cả hội bạn bè một loạt đi ô tô đẹp mà mình đi cái rẻ tiền là dễ bị kỳ thị lắm!

Theo "vua lan", cách chơi của người Việt cũng bị ảnh hưởng giống Trung Quốc . Gần 20 năm trước ông có sang Trung Quốc thấy người ta đấu giá những cây địa lan quy ra tiền Việt cỡ hơn 30 tỷ, lúc ấy cũng nhiều người có suy nghĩ họ đang làm trò, nhưng đến nay ta lại đang lặp lại đúng những chuyện tưởng như hoang đường đến thế.

Ông mong muốn lan là dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai nhưng với giá tiền tỷ như hiện nay chắc cả đời ông cũng không thể mua được một mẩu lan đột biến để chơi và nhiều người khác cũng thế.

"Tôi không nghĩ rằng nay ta lại lặp lại đúng chuyện như thế. Cay đắng phết!" - Ông Trần Tuấn Anh nói.

Mặt khác, không chỉ các nhà kinh tế mà bản thân ông cũng thấy chao đảo với lý luận, lan đột biến là sản phẩm tạo hiệu ứng cho nhiều thứ trong đời sống, an sinh như tạo việc làm, tạo dòng chảy của đồng tiền. Và khi người ta kinh doanh có lãi, có thể mua bất động sản, ô tô, các thứ khác.

 Vua lan nói về lan đột biến: Việt Nam lặp lại những chuyện tưởng như hoang đường ở Trung Quốc 20 năm trước - Ảnh 4.

Chậu lan hài biến dị có giá lên tới hơn 50 triệu đồng ở vườn lan của Trần Tuấn Anh. Ảnh: Zing

"Đúng là có chuyện đó thật nhưng mặt trái của nó cũng không phải ít. Nhà nước phải có chế tài làm sao để cho người dân trồng lan và tin tưởng vào nó. Các cơ quan đầu ngành, chủ quản của ta không có chính sách đãi ngộ cho ngành lan" - Ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Phàm cái gì hiếm thường quý mà quý thì quy ra giá trị, có thể quy đổi ra vàng, đô la. Tây chơi đa dạng, miễn là lan, nuôi trồng được là chơi chứ không thiên về phong lan, địa lan. Tuy nhiên họ dựa trên sự hiểu biết, khi biết chắc chắn rằng loài này hiếm thì mới đề cao, ví dụ như những cây lan hài để đột biến thì rất hiếm nên giá rất đắt.

Ông kể rằng, cách đây hơn 20 năm đã bán một cây lan hài đột biến vào loại hiếm trên thế giới, ước chỉ có vài cây với giá trên 10.000 USD tức hơn 200 triệu đồng cho giới chơi của nước ngoài đã là đắt lắm rồi. Bố ông hồi đó đi nhận tiền về mới bảo tôi rằng: "Con ơi, con có lừa người ta không vậy?".

"Vua lan" hy vọng việc tiếp cận ngành lan của ta ra thị trường thế giới sẽ trong tương lai gần. Ông muốn ngành lan của Việt Nam sống khỏe mạnh, thành một ngành nghề chứ không phải vừa hình thành xong đã chết yểu. Nước ta cực thuận lợi trong việc nghiên cứu, nuôi trồng lan bởi hệ sinh thái của chúng ta là đa dạng bậc nhất trên thế giới.

Thị trường lan đột biến hiện nay như một cơn lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến rất nhiều ngành kinh tế. Ông này ông kia thấy lan kiếm được cũng nhảy vào dù đang ở bất kì ngành nghề nào. Biết bao nhiêu tiền của xã hội được đổ vào đó.

Nhà nước cần có một chế tài quản lý, tuy nhiên không hề đơn giản bởi nếu ở các nước phát triển người ta biết chắc chắn cây này nguồn gốc ở đâu thì lại dễ còn ở Việt Nam chúng ta chưa xác định được điều đó.

Hải Yến

Cùng chuyên mục
XEM