Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường: Dân mạng tranh luận tìm "phán quyết" của mình

25/10/2018 14:02 PM | Kinh doanh

Không chỉ dự báo hài hước về viễn cảnh... bưu điện kiện Gmail, hay chợ Đồng Xuân kiện Lazada, Sendo, trên mạng còn có những ý kiến rất đáng tham khảo trong vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường.

Những dự báo hài của cư dân mạng

Như ICTnews đã đưa tin, chiều ngày 23/10/2018 Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng, và phải bồi thường một lần. Diễn biến vụ kiện này đang trở thành chủ đề tranh luận cực nóng trong dư luận và trên mạng xã hội.

Sức nóng của cuộc tranh luận đến như một điều tất yếu trong thời đại công nghệ tham gia vào mọi mặt của đời sống. Trên Facebook, đông đảo cư dân mạng bày tỏ cảm giác chung rằng quyết định xử phạt Grab như trên, nếu xảy ra, sẽ kéo lùi sự phát triển của quá trình ứng dụng CNTT từ "4.0 trở về 0.4".

Thêm vào đó, dư luận trên mạng cũng dự báo một tiền lệ xấu các doanh nghiệp kinh doanh kiểu truyền thống khi gặp thất thế trên thị trường sẽ tìm cách kiện ra tòa các mô hình kinh doanh công nghệ. "Dự là chợ Đồng Xuân chuẩn bị kiện Lazada, Sendo, Tiki" - thành viên Nguyễn Dương Minh, một người làm trong ngành công nghệ nhận định có chút hài hước.

Tương tự, cũng có rất nhiều dự báo hài hước khác trên mạng xã hội liên quan đến vụ kiện này. Thành viên Nhido Mai viết: "Sẽ có trào lưu ngành bưu điện kiện Gmail, Yahoo Mail..."; còn thành viên Vũ Hải Đăng thì nói: "Báo giấy kiện mạng xã hội và báo điện tử mới vui chứ".

Nhưng hiện hữu nhất vẫn là nguy cơ các hãng vận tải khác đều có thể kiện Grab vì lý do như Vinasun đưa ra. Thành viên Lê Hồng Kỹ bình luận: "Vụ kiện có thể tạo ra án lệ cho phép các hãng khác như Mai Linh, Thành Công, Taxi Group... tiếp tục khởi kiện và chỉ cần chứng minh được thiệt hại do kinh doanh sụt giảm là sẽ được bồi thường".

"Thaco, Hyundai, Honda, Yamaha... cũng nên tính kiện Grab, nếu lượng người mua xe cá nhân giảm mạnh. Mấy bố shipper và các công ty giao vận cũng kiện Grab Delivery đi, tiền đấy chứ đâu" - thành viên này dự báo thêm khi mà quả thật Grab đang kinh doanh khá hiệu quả và sẵn sàng mở rộng kinh doanh bằng mô hình của mình.

Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường: Dân mạng tranh luận tìm phán quyết của mình - Ảnh 1.

Xuất hiện rất nhiều dự báo hài hước trên mạng xã hội liên quan đến vụ kiện giữa Vinasun và Grab. Thành viên Nhido Mai viết: "Sẽ có trào lưu ngành bưu điện kiện Gmail, Yahoo Mail..., báo giấy kiện Facebook và báo điện tử".

Trong cuộc tranh luận về vụ kiện giữa Vinasun và Grab thì nhiều người cũng khách quan nhận định rằng thực chất Grab cũng không hoàn toàn đúng trong kinh doanh, cụ thể là Grab có nhiều ưu thế hơn hơn thực chất hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhưng không bị áp chế tài quản lý như doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Một nhà báo viết trên Facebook: "Anh kết nối trực tiếp với tài xế, về bản chất là ký hợp đồng với tài xế nhằm mục đích kinh doanh vận tải, sau đó nhận tiền dịch vụ khi mỗi đơn hàng kết thúc. Như vậy, đó là hành vi kinh doanh vận tải".

"Nhiều người đang nhầm lẫn, nói Grab không sở hữu cái xe nào nên không kinh doanh vận tải mà chỉ là doanh nghiệp kết nối. Điều này là không đúng. Anh sở hữu phương tiện vận tải hoàn toàn có thể không kinh doanh vận tải (mà cho thuê) và ngược lại anh không có phương tiện vận tải vẫn có thể kinh doanh vận tải (bằng phương tiện đi thuê)" - nhà báo này làm rõ thêm.

Mặc dù vậy trong câu chuyện này, để làm rõ gốc rễ của vấn đề, thành viên Đức Minh Nguyễn trong bài viết khá dài của mình có nhắc đến ý rằng: "Thực tế thì thời gian qua, Vinasun đã vận động mạnh mẽ để không còn sự bất bình đẳng. Nhưng cái mình không đồng tình là thay vì vận động Bộ Giao thông vận tải gỡ bỏ rào cản cho mình, Vinasun lại đang vận động Bộ quàng thêm rào cản cho Grab".

Hơn nữa, nguồn gốc sâu xa của câu chuyện mà cụ thể là mức doanh thu sụt giảm của những hãng taxi như Vinasun, theo nhiều thành viên cư dân mạng nhắc lại, vẫn là do người ta đã chọn hình thức đi xe taxi mới áp dụng công nghệ thay vì đi taxi như trước kia với rất nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý.

Như thành viên Hoa Ta chia sẻ thì: "Mình thề là từ ngày có Grab và Uber mình không còn đi taxi nữa vì chỉ riêng phải ngồi canh hành trình taxi trước đây đã muốn...".

Nhìn chung, đa phần đều cho rằng những công ty taxi công nghệ như Grab nên được khuyến khích. Thành viên Lê Hồng Kỹ trên cũng chia sẻ quyết định tương tự, đồng thời nói: "Phán quyết cuối cùng thuộc về khách hàng... Tôi biết nhiều người lựa chọn như tôi, khi nhìn vào doanh thu của Vinasun".

Trong khi đó có một ý kiến khá hay khác đến từ một người đang phát triển ứng dụng kết nối dịch vụ ở Việt Nam: "Tốt nhất Vinasun nên nên hợp tác với các công ty công nghệ nội địa, lập thành các liên minh, tận dụng thế mạnh vốn có của các bên để cùng chống lại sự xâm lấn của Grab hay Go-Viet một cách đàng hoàng".

Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường: Dân mạng tranh luận tìm phán quyết của mình - Ảnh 2.

Đa phần đều cho rằng những công ty taxi công nghệ như Grab nên được khuyến khích. Một thành viên trên Facebook chia sẻ: "Phán quyết cuối cùng thuộc về khách hàng... Tôi biết nhiều người lựa chọn như tôi, khi nhìn vào doanh thu của Vinasun".

Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường được Tòa án nhân dân TP.HCM mở lại vào ngày 17/10. Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Nhưng Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

Khi nêu quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở xác định Grab là chủ doanh nghiệp thực thụ trong việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; cụ thể theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, Grab là đơn vị cung ứng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng trong thực tế hoạt động và qua quá trình xét hỏi, tranh luận tại tòa, Grab không đơn thuần là đơn vị kết nối, bán phần mềm.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Grab lợi dụng Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun.

Bên cạnh đó theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu (đã thay đổi lần thứ 6 ngày 23/5/2018) và cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cũng như trong điều lệ của Grab thì đều thể hiện ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này là "vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ xe buýt)".

Từ đó Grab đã lợi dụng việc thí điểm, trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước, thu tiền trực tiếp từ khách hàng thông qua thẻ tín dụng, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại, trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Grab của tài xế, ban hành các quy định thưởng phạt tài xế, kết nối với ngân hàng để giúp tài xế vay 90% giá trị xe và mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế.

Đại diện Viện Kiểm soát chỉ ra: "Từ cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động kinh doanh trên thị trường vận tải của Grab, có đủ cơ sở để xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi... Đồng thời căn cứ vào báo cáo tài chính các năm 2015, 2016 và 2017 đã được kiểm toán và cung cấp thông tin bởi Chi cục Thuế Quận 5 đối với Vinasun đã thể hiện lợi nhuận của Vinasun năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm sút đúng với yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun".

Về phía Grab, sau diễn biến bất lợi trước tòa, ông Jerrry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam bày tỏ sự thất vọng với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM.

Vị Giám đốc này nói: "Hoạt động kinh doanh của Grab ở Việt Nam không thể là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận. Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục đích mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam".

Theo Anh Hào

Từ khóa:  grab , vinasun , taxi
Cùng chuyên mục
XEM