Vụ sinh viên suy sụp vì lương tốt nghiệp chỉ được 7 triệu, Giám đốc nhân sự hé lộ: Đây là yếu tố công ty sẽ đánh giá để xét lương cho nhân viên

06/05/2022 20:03 PM | Sống

'Giá trị công việc thể hiện ở mức lương nên tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: 7 triệu không phải cao, cũng không phải thấp mà 7 triệu phải tương xứng với sức lao động. Còn để đánh giá 7 triệu là cao hay thấp thì phải dựa vào công việc cụ thể', bà Hồng Hoa chia sẻ.

Lương khởi điểm khi mới ra trường luôn là vấn đề được sinh viên các trường đại học quan tâm? Lương bao nhiêu là cao? Mức lương đó đã tương xứng với giá trị sức lao động chưa? Bao nhiêu lâu sẽ được tăng lương và làm thế nào để cải thiện tổng thu nhập?,… Đó là những băn khoăn của không ít sinh viên hiện nay.

Mới đây, một nữ sinh của trường đại học có tiếng ở Hà Nội đã đặt câu hỏi trên MXH gây xôn xao dư luận. Nữ sinh cảm thấy buồn chán khi mức lương của sinh viên mới ra trường chỉ dao động từ 7 – 8 triệu đồng. Nguyên văn dòng chia sẻ của nữ sinh như sau:

"Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ? Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm hai đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi ạ! Nhưng em nghĩ sau khi ra trường sẽ có mức lương cao hơn trường khác chứ ạ. Tự nhiên dạo này mọi người đồn nhau ra trường lương chỉ 7 – 8 triệu mà em thấy buồn quá! Liệu có xứng với 4 – 5 năm đại học, tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không?

Ít nhất nhà tuyển dụng cũng phải nhìn profile của ứng viên xem trường nào tiềm năng, trường nào không chứ nhỉ? Cứ hy vọng học sẽ có tương lai rộng mở mà nhìn các anh chị ra trường đi làm kể chuyện em thấy bi quan quá ạ!".

Trước vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với bà Hoàng Thị Hồng Hoa – Giám đốc nhân sự cấp cao Công ty CP Giáo dục American Study (Hà Nội). Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc, bà Hồng Hoa sẽ trả lời những khúc mắc liên quan đến vấn đề tuyển dụng nhân sự, mức lương thưởng.

Vụ sinh viên suy sụp vì lương tốt nghiệp chỉ được 7 triệu, Giám đốc nhân sự hé lộ: Đây là yếu tố công ty sẽ đánh giá để xét lương cho nhân viên - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Hồng Hoa – Giám đốc nhân sự cấp cao Công ty CP Giáo dục American Study (Hà Nội).

- Trước những dòng chia sẻ của nữ sinh, bà có suy nghĩ gì?

Tôi nghĩ đây là suy nghĩ thật lòng của sinh viên năm nhất, năm hai. Các bạn chưa biết được công việc sau này mình sẽ làm là gì. Và các bạn cũng chưa hình dung được trong 4 năm đại học đã tích luỹ được điều gì, điều đó giúp ích gì cho công việc. Sinh viên cần có trải nghiệm bằng việc đi làm thêm, làm part time để hiểu ra những thứ công ty trả sẽ phải xứng đáng với sự cống hiến.

Tôi đánh giá rằng mức lương 7 triệu đồng khi mới ra trường không là thấp, cũng không cao. Mức lương phụ thuộc vào vị trí công việc tại công ty. Có rất nhiều sinh viên đi làm thêm nhưng thu nhập cao hơn hẳn mức lương trên. Ngay khi chưa ra trường, chưa mất chi phí 4 năm ăn học nhưng các bạn ấy vẫn có thể kiếm được 10 triệu, 15 triệu nếu tìm được công việc phù hợp.

Cũng có nhiều sinh viên ra trường nhưng cả năm vật lộn không tìm được việc. Khi ấy thì 2 triệu cũng không có, chứ chưa nói đến 7 - 8 triệu đồng. Giá trị bản thân như thế nào thì thu nhập sẽ tương xứng như vậy. Không phải tất cả sinh viên đều có năng lực như nhau. Năng lực khác nhau sẽ có thu nhập khác nhau.

- Nữ sinh trong câu chuyện đang trăn trở việc học trường top đầu nhưng lại có thu nhập không cao. Vậy theo bà, học trường top có phải là tiêu chí hàng đầu trong việc tuyển dụng nhân sự không?

Khi lựa chọn ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ xét tuyển qua nhiều yếu tố. Nhà tuyển dụng đưa ra mô tả công việc, yêu cầu vị trí, mức lương cạnh tranh để từ đó tìm ra ứng viên phù hợp. Sau đó, họ sẽ xét đến yếu tố các trường, các ngành đào tạo.

Đối với sinh viên mới ra trường, đầu tiên nhà tuyển dụng sẽ xét ngành học liên quan đến yêu cầu công việc. Chẳng hạn như công việc yêu cầu IELTS 7.0 thì phải xem ứng viên có học chuyên ngành Tiếng Anh không, có chứng chỉ chưa. Hay chuyên ngành Marketing thì cần xem ứng viên có tham gia các hoạt động, câu lạc bộ gì không. Tất cả những yếu tố này đều quan trọng hơn yếu tố "trường".

Có những sinh viên không học ở trường top nhưng là sinh viên chất lượng cao thì vẫn được đánh giá tốt khi tuyển dụng. Sinh viên chất lượng cao là những bạn năng động, có nhiều hoạt động đóng góp chứ không phải chỉ có điểm số cao. Các bạn này sẽ có cơ hội được lựa chọn hơn "sinh viên làng nhàng" của trường nổi tiếng. Trường học chỉ là một yếu tố để xét tuyển chứ không mang tính chất quyết định. Yếu tố quan trọng nhất là xét đến chuyên ngành. Trường đại học đang đào tạo chuyên ngành liên quan trực tiếp đến vị trí công việc sẽ được ưu tiên hơn.

Vụ sinh viên suy sụp vì lương tốt nghiệp chỉ được 7 triệu, Giám đốc nhân sự hé lộ: Đây là yếu tố công ty sẽ đánh giá để xét lương cho nhân viên - Ảnh 2.

Bà Hồng Hoa cho rằng, 7 triệu không phải cao, cũng phải thấp mà 7 triệu phải tương xứng với sức lao động.

- Đối với sinh viên mới ra trường tìm việc làm, ngoài trình độ học vấn, nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có những kỹ năng gì, thưa bà?

Công ty tôi thường chú trọng đến những ứng viên tích cực tham gia các hoạt động trong quá trình học tập như: Tình nguyện viên, tham gia chương trình, câu lạc bộ, hội thảo, sự kiện,... Đấy là điểm cộng rất lớn, giúp đánh giá ứng viên có phải là người năng động, nhanh nhẹn, nhiệt tình và mức độ phù hợp với vị trí công việc. Qua các hoạt động sẽ đánh giá được các kỹ năng mềm như: Giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, tổ chức, quản lý,…

- Sau khi ra trường, nhân sự sẽ mất thời gian bao lâu để mức lương thưởng được cải thiện?

Bậc lương phụ thuộc vào quy chế từng công ty, có thể 6 tháng hay 1 năm sẽ tăng lương một lần. Sau quãng thời gian quy định, công ty sẽ đánh giá lại nhân sự về mức độ hoàn thiện công việc, điểm hạn chế,… Từ đó, công ty điều chỉnh mức lương phù hợp và tổ chức các khoá học giúp nhân sự nâng cao chuyên môn. Có những nhân sự không được tăng lương nhưng lại được đi học, mỗi công ty sẽ có chế độ khác nhau.

- Bà có lời khuyên gì để các sinh viên không bị "vỡ mộng" với mức lương khởi điểm sau ra trường?

Ngành nghề nào cũng có vị trí lương cao và vị trí lương thấp. Quan trọng là ứng viên đó lựa chọn vị trí công việc nào. Chẳng hạn một bạn chọn là nhân viên Marketing khác với nhân viên lễ tân. Cùng ra trường ở thời điểm như nhau, học cùng khoa, cùng chuyên ngành, cùng một lớp nhưng mức lương sẽ khác nhau. Bạn làm lễ tân thích công việc bình thường, không có nhiều áp lực thì lương không cao.

Còn bạn làm về Marketing vất vả hơn rất nhiều. Bạn ấy phải dùng chất xám để viết content (nội dung), phải đi quay chụp rồi về viết bài, chỉnh sửa video trong các sự kiện,… Thậm chí phải đi làm vào cuối tuần, lễ Tết.

Như vậy, sinh viên mới ra trường phải cân nhắc chọn công việc mong muốn và phù hợp. Giá trị công việc thể hiện ở mức lương nên tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: 7 triệu không phải cao, cũng phải thấp mà 7 triệu đó phải tương xứng với sức lao động. Còn để đánh giá 7 triệu là cao hay thấp thì phải dựa vào công việc cụ thể.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM