Vụ HSBC và chuyện ngân hàng bị "mượn tên"

22/06/2022 08:48 AM | Xã hội

Trong hôm qua 21/6, thông tin Tổng Giám đốc Công ty HSBC Việt Nam bị bắt vì tạo điều kiện cho đồng phạm làm phương tiện lừa đảo đã khiến nhiều người hoang mang.

Thực tế, Trần Quang Sơn, người đứng pháp nhân Công ty HSBC Việt Nam để ký “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại” tạo điều kiện cho đồng phạm làm phương tiện lừa đảo không phải là Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam). Và tất nhiên 2 tổ chức cũng khác nhau.

Vụ HSBC và chuyện ngân hàng bị mượn tên - Ảnh 1.

Trần Quang Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Tập đoàn HSBC Việt Nam vừa bị bắt vì lừa đảo

Song chính vì tên 2 tổ chức gần như giống nhau, đặc biệt nếu viết tắt, nên đây mới là một trong những cơ sở mà theo cơ quan điều tra vụ việc, khi Nguyễn Tấn Sự (Tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Núi Chúa) và Nguyễn Thụy Long Phượng (Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Núi Chúa) "nổ" mình có khả năng quan hệ với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh thanh toán và Công ty Núi Chúa có nguồn ngoại tệ 100 tỉ đô la từ tổ chức đầu tư tài chính “HSBC Vietnam Finance Group” để đầu tư vào dự án xử lý rác thải của ông Tô Quốc Khởi (Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Thổ Nguyên), ông Khởi đã tin và đưa tiền.

Diễn biến về sau, khi nhóm lừa đảo đưa ra “Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại” ngày 25/4/2019 của "Công ty HSBC Việt Nam" do Trần Quang Sơn làm Tổng giám đốc, ông Khởi càng tin và đưa tiếp tiền để nhóm này thành công chiếm đoạt tài sàn.

Cơ quan điều tra xác định, việc đàm phán thỏa thuận, chuyển tiền và ký hợp đồng giữa các bị can với ông Khởi, mặc dù Sơn không tham gia, không biết nội dung và chưa được hưởng lợi, nhưng hành vi của Sơn đã giúp sức cho Phượng, Sự hoàn thành hành vi lừa đảo của ông Khởi. Do đó, hành vi của Trần Quang Sơn đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức. Có thể nói, “công cụ” có giá trị vô hình để Trần Quang Sơn tiếp tay cho đồng phạm lừa đảo số tiền hữu hình, chính là nhập nhằng mạo danh ngân hàng HSBC.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp khi nghe thông tin vụ việc, đã phải nhắn tin trao đổi liệu đây có liên quan gì đến ngân hàng HSBC Việt Nam hay không.

Trường hợp bị nhập nhằng, mạo danh, sử dụng thương hiệu tổ chức tín dụng một cách trắng trợn để thu hút khách hàng, người dùng, thực hiện các mục tiêu đầu tư kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên thị trường thời gian qua không chỉ rơi vào HSBC Việt Nam như vụ việc nêu trên, mà còn xảy ra với nhiều tổ chức “bị hại” khác.

Điển hình như cách đây chưa lâu, khi thị trường tiền ảo ngày càng thu hút nhà đầu tư mong muốn “đổi đời qua một đêm” và tìm kiếm kênh bỏ tiền để sinh lời lớn, người dân cũng đã liên tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền, phản ánh về việc tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB llife, OCB Lending... lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Tập đoàn này từ 2019 đã kêu gọi người dân đầu tư vào đồng tiền ảo mang tên OCB, được phân phối và phát hành trên hệ thống chính của nó là nền tảng Blockchain Ethereum và rao bán ra thị trường hứa hẹn thu lời cao. Rất nhiều người đã đầu tư tiền vào OCB Coin vì tin tưởng đó là thương hiệu của OCB .. Tuy nhiên sau một thời gian, tập đoàn OCB Life đã khóa tài khoản và không chi trả tiền hoa hồng như đã cam kết, cũng không hoàn trả lại số tiền gốc mà nhiều người đã đầu tư ban đầu.

Vụ HSBC và chuyện ngân hàng bị mượn tên - Ảnh 2.

OCB Life không liên quan đến Ngân hàng Phương Đông (OCB), bị Ngân hàng Phương Đông tố cáo là quảng bá thương hiệu gây nhầm lẫn, có dấu hiệu bất minh, vi phạm bảo hộ thương hiệu

Sự nhầm lẫn này được OCB cảnh báo tới khách hàng cũng như người dân, với khẳng định Ngân hàng OCB không liên quan đến tập đoàn tài chính, đồng tiền ảo nêu trên. Ngân hàng TMCP Phương Đông đã chính thức công bố trên các phương tiện truyền thông là việc các tổ chức nói trên gắn “Nhãn OCB” để sử dụng đã gây nhầm lẫn với thương hiệu “OCB” của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Ngân hàng. Thương hiệu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã được đăng ký bảo hộ theo quy định.

Nhầm lẫn thương hiệu OCB, khách hàng mất tiền tỷ cho đầu tư tiền ảo

Tương tự OCB, Tập đoàn T&T gắn với thương hiệu ngân hàng SHB và thương hiệu nhân hiệu “Bầu Hiển” (Ông Đỗ Quang Hiển, nguyên Chủ tịch Ngân hàng SHB, hiện là Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn T&T và vẫn đang là cổ đông lớn của SHB), năm 2021 đã phải có thông báo khẩn về việc một số sàn giao dịch tiền ảo giả mạo logo và thương hiệu của T&T Group.

Theo đó, T&T Group phản ánh đã phát hiện một số sàn giao dịch tiền ảo giả mạo logo và thương hiệu của T&T Group, với một số tài khoản sử dụng tên thương hiệu T&T Group và logo hình đầu hổ (đã được Tập đoàn T&T Group đăng ký sở hữu trí tuệ) làm tên đại diện nhóm, sử dụng các giá trị cốt lõi của T&T Group làm nội dung quảng bá, lôi kéo, kêu gọi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo có tên Deniex, Binamex…

Đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết đây là hành vi giả mạo, sử dụng trái phép tên thương hiệu và logo của tập đoàn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của tập đoàn.

T&T đã  có các đề nghị mạnh tay sau đó để ngăn hành vi phạm sử dụng trái phép thương hiệu, khi làm việc với đại diện Facebook tại Việt Nam và tố cáo lên cơ quan chức năng (Bộ Công an).

Cũng năm 2021, cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào đồng tiền ảo TCB coin mã hiệu TCFX do sàn TcbTrade.com phát hành. Đây là sàn giao dịch được thiết lập đầu năm 2020, ban đầu có chức năng đánh lệnh BO để huy động người chơi tham gia đánh lệnh lên xuống, thắng thua trong thời gian 30 giây, về sau không trả tiền và không cho phép nhà đầu tư rút tiền. Với việc mạo danh viết tắt dễ gây nhầm lẫn tên tắt của thương hiệu của ngân hàng Techcombank, theo cơ quan chức năng, trong thời gian rất ngắn cho đến khi bị triệt phá, sàn TcbTrade.com với đồng tiền ảo TCB coin mã hiệu TCFX trữ lượng 50 triệu đồng đã thu hút được hàng nghìn tài khoản nhà đầu tư tham gia.

Nhìn chung, mạo danh ngân hàng đã và đang ngày càng nở rộ, là phương thức được tội phạm, các cá nhân cố ý sử dụng khi giao tiếp, tiếp cận để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người bị hại. Các hoạt động mạo danh thương hiệu ngân hàng không chỉ xuất trong các hội nhóm thu hút người dùng tiền thật mua mã thông báo ảo gắn với tên tắt ngân hàng, còn xuất hiện trong các thông báo dạng tin nhắn, email... về biến động liên quan đến tài khoản sử dụng như đã thực hiện giao dịch hoặc có khả năng mất tiền, để tạo sự chú ý của người dùng. Qua đó, “dẫn dụ” người dùng bấm vào các là đường link  gắn kèm để đăng nhập tài khoản dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Chỉ cần người dùng không để ý, có thể truy cập nhầm vào trang web giả mạo website chính thức của các ngân hàng, là sẽ bị đối phương sử dụng công nghệ lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã số OTP để thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, hành vi sử dụng website, Zalo có hình ảnh logo, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn của các ngân hàng…, thậm chí hình ảnh của nhân viên ngân hàng để liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn; sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cần nộp một khoản phí để được hưởng ưu đãi rồi chiếm đoạt... cũng không hiếm gặp. Hoặc thậm chí, mạo danh ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để rao bán các lô đất theo thông tin là do ngân hàng phát mãi thanh lý thu hồi nợ, giá siêu rẻ, hỗ trợ thủ tục giấy tờ.v.v... từ đó thu hút để tiến đến lừa đảo ngườ dân, nhà đầu tư mua đất không đảm bảo thủ tục pháp lý, thậm chí có thể mất trắng tiền cọc khi bên bán đứng tên một ngân hàng giới thiệu nhận cọc rồi... biến mất.

Không chỉ vậy, đã xuất hiện trường hợp đến cả Ngân hàng Nhà nước cũng bị các tội phạm mạo danh thương hiệu thông qua mạo danh các văn bản hành chính để sử dụng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đây là thủ đoạn tinh vi và táo tợn, rất dễ qua mặt người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết.

Có thể thấy từ trường hợp của OCB, T&T (SHB), TCB, thậm chí NHNN và đến gần nhất là HSBC... việc mạo danh thương hiệu ngân hàng đã và đang được các tội phạm quen thuộc sử dụng, với mưu đồ, mục đích, cố ý nhập nhằng.

Một chuyên gia nhận định, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các thao tác để phát triển một website có gắn hoặc y hệt, liên quan thương hiệu một tổ chức là vô cùng đơn giản; chưa kể có sự tiếp tay nối dài mức độ lan truyền, phát tán từ các mạng xã hội qua các hội, nhóm trên Facebook, Zalo, Viber... Ngoài ra, trên thị trường tiền ảo, có rất nhiều mã thông báo được định danh bằng các chữ cái viết tắt trùng với tên tắt của các ngân hàng Việt Nam, ví dụ như SkyHubCoin được viết tắt là SHB; Vanci Bnb - một loại tiền điện tử, được triển khai trên Binance Smart Chain thì được viết tắt là VCB... cũng rất dễ bị các đối tượng lợi dụng.

Do đó để người dùng tránh bị rơi vào bẫy lừa, luôn cần hội đủ các điều kiện từ các phía như: Sự chủ động rà quét, công bố thông tin và cảnh báo thường xuyên của các tổ chức đến khách hàng, cộng với sự cẩn trọng, cẩn thận, trong tiếp nhận và nắm bắt thông tin từ phía người dùng. Đặc biệt đối với nhóm các tổ chức tín dụng là những doanh nghiệp lớn trên thị trường, thì hành vi bị mạo danh không hiếm gặp do đó càng phải chủ động trong bảo vệ thương hiệu cũng như bảo vệ khách hàng, tức bảo vệ uy tín, hình ảnh của mình.

Ngoài ra, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và siết chặt ngay từ khâu đăng ký kinh doanh để tránh các trường hợp đăng ký tên doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhãn hiệu kinh doanh có các dấu hiệu tương tự dễ gây nhầm lẫn, mạo danh.

Theo Lê Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM