Vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu: Người dân không có nhiệm vụ đi hỏi giấy phép đổi ngoại tệ

02/11/2018 08:31 AM | Xã hội

“Đâu là đại lý được phép và đâu là đại lý không được phép, điều này không thuộc khả năng, không phải nhiệm vụ của người dân. Sinh ra cơ quan quản lý nhà nước, thuộc trách nhiệm là của họ”, luật sư Trần Minh Hải nhận định.

Trao đổi với BizLIVE, Luật sư Trần Minh Hải, Chủ tịch CTCP Đào tạo Nghiệp vụ Ngân hàng, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico đã đưa ra các góc nhìn xoay quanh câu chuyện Cần Thơ quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực, nơi không có phép giao dịch ngoại tệ theo quy định.

Ông có bình luận gì về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ?

Có vài góc nhìn xoay quanh vụ việc này. Thứ nhất, quyết định xử phạt về căn cứ pháp lý là có. Bởi theo Pháp lệnh ngoại hối thì không cho phép việc mua bán ngoại tệ diễn ra ở tổ chức mà không được phép.

Thứ hai, Nghị định 96 năm 2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thậm chí còn dành hẳn mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng cho hành vi đó. Các căn cứ này được nêu lên cho thấy về mặt căn cứ pháp lý là có.

Tuy nhiên có hợp lý không thì khẳng định 100% là không hợp lý. Không hợp lý ở nhiều câu chuyện không chỉ ở mức xử phạt. Đầu tiên, xuất phát xử phạt vi phạm hành chính luôn luôn hướng tới hai mục đích, thứ nhất là phòng ngừa và răn đe riêng dành cho người có hành vi sai phạm, tức mang tính giáo dục; mục đích thứ hai phòng ngừa chung cho trật tự quản lý hành chính nhà nước đối với tất cả mọi người. Theo đó, vụ việc xử phạt không có mục đích nào đạt được bởi một số lý do.

Thứ nhất, việc mua bán ngoại tệ tràn lan là hiện tượng diễn ra đến mức độ người dân không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai vì quá phổ biến. Có nhiều tiệm vàng, tổ chức treo biển đề có thu đổi ngoại tệ và người dân mang đô, ngoại tệ ra đổi mà không thể biết được tiệm nào có tiệm nào không phép. Bởi ngay quy định chỉ đề cập không niêm yết bảng biểu giá dịch vụ chứ không bắt niêm yết giấy phép.

Hiện theo quy định về bảng đổi ngoại tệ của NHNN thì không có quy định nào nêu rõ để người ta nhận biết được. Thậm chí nếu có biết, có đến đúng điểm thì hiện nay trên thị trường tràn lan chuyện các đại lý được phép thu ngoại tệ và trả tiền đồng chứ không được phép bán ngoại tệ và nhận tiền đồng. Thế nhưng hiện nay ra tất cả các đại lý được phép thì cũng thấy hoạt động này còn phổ biến.

Một hiện tượng nữa, suốt thời gian qua có nhiều vụ việc công khai, đó là hành vi niêm yết giá sau đó thanh toán bằng ngoại tệ còn bị coi là nghiêm trọng hơn nhiều lần so với mua bán ngoại tệ, bởi mức phạt lên đến 250 triệu đồng. Nhưng hiện không phủ nhận một điều là hàng loạt giao dịch giữa các doanh nghiệp, người dân với nhau mà niêm yết giá bằng ngoại tệ phổ biến tràn lan. Có thể thấy trên thị trường tại khách sạn, tour du lịch, bán lẻ… thì hiện tượng này phổ biến trên mạng, trên bảng biểu mà chẳng ai quản lý, nghiêm trọng hơn nhiều không thấy xử phạt. Thậm chí thời gian qua còn thúc đẩy hành lang bị phá vỡ hơn bởi các bản án, nghị quyết của tòa khi công khai tuyên bố những giao dịch bằng ngoại tệ nhưng vẫn không bị tuyên vô hiệu. Mà như vậy hoàn toàn trái với Pháp lệnh ngoại hối.

Từ đó dẫn đến việc những sai phạm tràn lan, phổ biến hàng trăm, hàng triệu USD như thế trên thị trường thì không xử phạt bây giờ cái tờ 100 USD xử phạt với mức phạt như vậy thì đương nhiên làm cho người bị phạt cũng như cộng đồng xã hội cảm thấy không có tính công bằng. Như vậy sẽ mất đi mục tiêu là tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.

Thậm chí từ việc xử phạt, ở góc độ của người dân đặt ra vấn đề là làm thế nào để tránh bị phạt khi tràn lan hiện tượng đó đang tồn tại ngoài thị trường. Đâu là đại lý được phép và đâu là đại lý không được phép, điều này đâu thuộc khả năng, đâu phải nhiệm vụ của người dân. Sinh ra cơ quan quản lý nhà nước, thuộc trách nhiệm là của họ. Nếu cơ quan quản lý làm tốt sẽ không tồn tại việc mua bán từ những tổ chức không được phép, nếu cơ quan quản lý tốt mà người ta cố ý xâm phạm thì hãy nên xem xét.

Nếu không đạt mục đích thì cần xem xét lại nhưng điều quan trọng hơn điều rút hay không rút quyết định xử phạt là xem xét lại diễn biến pháp luật thành thứ hài hước. Bởi vì bây giờ nếu Cần Thơ rút quyết định xử phạt thì hóa ra là tính có căn cứ pháp luật trong quyết định của Cần Thơ chẳng có nghĩa lý gì, vậy chúng ta quy định pháp luật để làm gì!

Ông có nhận định gì về khả năng sửa, rút quyết định xử phạt của Cần Thơ?

Việc rút hay không rút quyết định xử phạt không phải là việc quan trọng, mà quan trọng ở đây là hành lang pháp lý cần phải xem lại từ quy định đến việc quản lý. Chúng ta đang duy trì cái gì? Tôi vẫn dùng từ hài hước, anh đưa ra quy định sau đó lại bảo quy định này không nên xử vì nó bất công, hóa ra quy định của anh bất hợp pháp. Câu chuyện ở đây là cách nhìn nhận và trật tự quản lý quy định.

Ông có đồng tình với quan điểm phải điều chỉnh Nghị định 96/2014?

Việc sửa Nghị định 96 là việc hợp lý, cần thiết để xem xét. Bởi nếu như hiện nay chỉ cần 1 USD cũng có thể bị xử phạt đến cả trăm triệu đồng, vì chẳng có hạn mức gì cả, xử phạt đánh vào hành vi chứ không vào định lượng, đến ngưỡng bao nhiêu thì xử phạt chừng nào… không chỉ sửa mà cần sửa toàn diện nội dung điều này.

Vấn đề quan trọng hơn việc sửa nghị định là xem xét lại hiện trạng trong quản lý hiện nay như thế nào. Được hay không được trong quản lý ngoại hối, ranh giới nào để người dân phân biệt, tránh việc người dân sai phạm mà từ nhận thức chủ quan khó có thể nhận thức ra. Không chỉ vậy ngành ngân hàng khi đưa ra quy định thì cũng yêu cầu là ngành tư pháp cũng phải tôn trọng ngành ngân hàng.

Không thể có câu chuyện NHNN đưa ra các quy định, sửa quy định, chấn chỉnh tạo dựng hành lang trong khi đó tòa án đi phá vỡ hàng lang đó bằng các bản án, coi thường pháp lệnh ngoại hối. Một bên NHNN nhằm tránh tình trạng đô la hóa nền kinh tế đưa ra những nguyên tắc rất cần thiết. Quốc gia nào cũng vậy trong lãnh thổ của nước đó thì phải dùng tiền nội địa, không được niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ, không được phép mua bán ngoại tệ ở nơi không được phép… nhưng vấn đề là toàn bộ trật tự hành lang đó chỉ cần một bản án thôi cũng bị phá vỡ, điều này cần xem xét lại, không để ngành ngân hàng đơn độc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM