Vỡ mộng vì cả ngày chôn chân ở văn phòng, cắm mặt vào máy tính: Nỗi lòng chung của những sinh viên mới đi làm ra trường

07/09/2019 11:08 AM | Kinh doanh

Công việc là một hành trình khổ luyện. Tìm kiếm công việc mình yêu thích cũng là một quá trình gian khổ.

Vỡ mộng đi làm

Có thể bạn sẽ thấy đoạn đối thoại sau khá quen thuộc: A là một sinh viên mới ra trường, vừa nhận công việc đầu đời và nhắn tin cho Rosie Nguyễn- tác giả cuốn sách nổi tiếng Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?

- Em có công việc làm đầu đời rồi chị ơi. Mà công việc chán ngắt à.

- Ủa, chán sao?

- Việc gì mà suốt ngày ngồi trong văn phòng, cắm mặt vào số liệu và mấy bảng tính excel không thôi. 

- Em đã hình dung công việc đầu tiên của mình ra sao?

- Em đã nghĩ nó phải như mấy video clip của Google, mỗi ngày đi đến sở làm là một ngày vui, thoải mái vẽ ra ý tưởng đẹp đẽ sáng tạo. 

Quãng thời gian từ lúc rời ghế nhà trường để ra đời tự lực cánh sinh là thực sự khó khăn. Việc không chuẩn bị cụ thể cho cú nhảy này có thể làm người trẻ bị sốc khi bước vào thế giới, đối đầu với bao điều mới lạ. Tự tìm việc làm, tự chủ về tài chính, tự đặt nền móng quan trọng cho những điều mang tính ảnh hưởng cả đời của mình: sự nghiệp, công việc, cuộc sống.

Bên cạnh đó, xã hội hiện đại lại thiếu những tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ người trẻ chuẩn bị cho các bước chuyển tiếp vào đời. Trong lúc chưa thể trông chờ vào những chương trình, tổ chức như vậy từ cộng đồng, thì việc chủ động tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ là điều có thể giúp người trẻ đỡ hoang mang lạc lối.

Vỡ mộng vì cả ngày chôn chân ở văn phòng, cắm mặt vào máy tính: Nỗi lòng chung của những sinh viên mới đi làm ra trường - Ảnh 1.

Tìm người giúp đỡ

Người giúp được ta có thể ở ngay bên cạnh mình mà ta không hay biết.

Đó có thể là cha mẹ, anh chị, Cô chú họ hàng, những người bạn lớn tuổi hơn, hay bác hàng xóm với thâm niên mấy chục năm làm việc.

Nếu biết tìm cơ hội gặp mặt hỏi thăm những người đó về công việc của họ, chia sẻ chuyện vui buồn công sở, con đường tìm việc và sự nghiệp của mình, thì A và những người bạn như mình có thể chuẩn bị tốt hơn cho bản thân trên con đường tìm việc.

Miễn sao cách hỏi lịch sự và bày tỏ quan tâm đích thực, thì hầu hết những người đã từng trải qua thời trẻ tuổi đều sẵn sàng dành ít thời gian để chia sẻ. Ai cũng muốn được làm người tốt, muốn có cảm giác là mình có ích. Chỉ cần chuẩn bị khéo léo khi đặt câu hỏi.

Trong quyển sách Getting from college to career (tạm dịch: Từ đại học đến sự nghiệp), tác giả Lindsey Pollak có chia sẻ cách thực hiện một informational interview - buổi hẹn gặp để phỏng vấn thông tin trước khi tìm việc. Sách viết rất chi tiết từ cách tìm kiếm những người phù hợp để hỏi, đến cách viết tin nhắn, gửi email hỏi thăm, đến việc chuẩn bị cho buổi hẹn gặp với bảy bước gồm: xác nhận thông tin một ngày trước buổi hẹn, chuẩn bị phục trang và mang theo những gì, đến nơi sớm hơn giờ hẹn 15 phút, bắt đầu một cách ấn tượng, kết thúc buổi gặp thế nào và viết thư cảm ơn sau đó. Những lời khuyên trong sách rất hữu ích cho sinh viên sắp hoặc mới ra trường.

Nhưng cần hỏi gì trong những buổi hẹn gặp như thế?

Kinh nghiệm của tôi là, bạn có thể hỏi những câu đơn giản để tìm hiểu về môi trường làm việc, như:

- Công việc đầu tiên của anh/chị/cô/chú ra sao, anh/chị/cô/chú có nghĩ rằng đó là công việc tốt không?

- Anh/chị/ CÔ/chú có thể chia sẻ cho em/cháu một số mẹo tìm việc không?

- Nghề nghiệp hiện tại của anh/chị/cô/chú là gì?

- Điều gì anh/chị/cô/chú thích và không thích trong công việc của mình?

- Điều gì anh/chị/cô/chú ước rằng mình đã biết lúc bằng tuổi em/cháu?

Vỡ mộng vì cả ngày chôn chân ở văn phòng, cắm mặt vào máy tính: Nỗi lòng chung của những sinh viên mới đi làm ra trường - Ảnh 2.

Học cách hỏi

Việc sử dụng các buổi hẹn gặp để tìm kiếm thông tin như thế này cũng có thể được áp dụng trong những trường hợp khác. Ví dụ, bạn đang thích một nghề nào đó nhưng không biết mình có phù hợp với nó hay không. Làm sao biết chắc là công việc đó đúng như mình tưởng tượng. Có thể bạn có hứng thú với một lĩnh vực ngành nghề nào đó bởi vì bạn biết ai đó làm trong nghề này, nghe nói về ngành này, hoặc có dịp tiếp xúc sơ lược với nó. 

Nhưng đó cũng chỉ là một vài ấn tượng ban đầu, những ý niệm chung chung. Từ bên ngoài, ta chưa thể nào biết được những ưu điểm và khó khăn của ngành, chỉ thấy được bề ngoài hào nhoáng, mà chưa biết được những mặt trái, góc khuất, những thách thức, những bất lợi vất vả đặc thù riêng của ngành.

Không ít bạn trẻ nói với tôi rằng em rất thích làm du lịch, được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người, hiểu biết về phong tục, văn hóa, vân vân. Nhưng họ không biết rằng người làm du lịch như làm dâu trăm họ, chín người mười ý, phục vụ người khác, ngày nghỉ ngày lễ đều phải làm việc trong khi người khác đang vui chơi nghỉ ngơi. Một số bạn khác không thích làm công việc văn phòng, thích làm nghề tự do, những nghề đang lên, có vẻ khá hấp dẫn như chụp ảnh, viết lách, làm phóng viên báo chí... 

Nhưng những nghề không làm việc trong văn phòng thì cần có sức khỏe, lúc nào cũng phơi mặt ngoài đường, đi sớm về tối không có giờ giấc cụ thể. Mặt khác, làm việc tự do có khó khăn riêng là không có cấp trên hỗ trợ, mà chỉ có khách hàng tạo áp lực. Nhiều khi không ai hướng dẫn, không ai chịu trách nhiệm thay cho mình, thu nhập lại không ổn định, tài chính bấp bênh. Không có hiểu biết về ngành, không có đam mê với nghề, không có ý chí mạnh mẽ, làm sao trụ lại những lúc khó khăn.

Đối với những trường hợp như vậy, chỉ là sự thích do ý chủ quan của bản thân mà chưa có tìm hiểu. Nên sau này giả sử được nhận vào làm, nếu ý chí tốt thì trụ vững, không thì lại bỏ nghề và lang thang lạc lối như cũ. Do vậy, điều ta có thể làm để giảm bớt những cú sốc này là tìm những người trong ngành mình biết, hoặc nhờ quan hệ bạn bè, người quen giới thiệu, để hẹn gặp những người làm trong lĩnh vực này, và hỏi thăm thông tin.

Những câu hỏi tham khảo là:

- Anh chị bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này như thế nào?

- Công việc thường ngày của anh chị là gì?

- Ưu và nhược điểm của công việc này theo anh chị là gì?

- Để làm tốt công việc này/thành công trong lĩnh vực này thì cần những kỹ năng, tố chất gì?

- Anh chị có lời khuyên nào cho người mới vào nghề không?

Một cách khác tuy không thường xuyên được sử dụng nhưng rất hữu ích là tìm kiếm ai đó có thể cho mình đến thăm văn phòng làm việc của họ. Những buổi tiếp xúc thế này giúp bạn hiểu rõ hơn về môi trường công sở và chuẩn bị tốt hơn cho công việc tương lai. Những cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc mình muốn làm là ở mọi nơi. Chỉ cần chủ động, bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình và hỏi, tìm kiếm sự giúp đỡ, sẽ luôn có ai đó giúp bạn.

Công việc là một hành trình khổ luyện. Tìm kiếm công việc mình yêu thích cũng là một quá trình gian khổ.

Khi chuẩn bị kỹ, ta sẽ tránh được rất nhiều những bối rối và thất vọng hay khủng hoảng sau này khi bước vào thế giới

Và dù cho đã tìm ra được công việc mình yêu - đừng nghĩ đó là hết. Công việc ta yêu thích bây g sau này sẽ không còn phù hợp. Cứ sau mỗi chặng đường ta lại thay đổi, lại lớn lên. Đó là lúc cần xác định lại hướng đi mới cho công việc. Nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn, tìm kiếm cách thức mới để làm mới công việc, chuyển sang tìm kiếm một vị trí khác, phòng ban khác. Hoặc lựa chọn thay đổi công ty, tìm kiếm môi trường làm việc khác. Điều đó là tất yếu. Ta phải liên tục định hướng nghề nghiệp trong suốt quá trình phát triển của mình.

Hướng nghiệp là công việc cả đời.

(*) Nội dung tham khảo cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Tác giả Rosie Nguyễn.

Rosie Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM