Vỡ kế hoạch trả góp mua nhà vì thất nghiệp

27/01/2023 10:32 AM | Kinh doanh

Có những trường hợp “dành cả thanh xuân” để trả nợ cho chốn an cư. Nhưng điều đó còn hạnh phúc hơn những người không còn thu nhập để trả tiếp khoản vay ngân hàng mua nhà.

Vỡ kế hoạch trả góp mua nhà vì thất nghiệp - Ảnh 1.

Từ nỗi lo lãi suất tăng…

Mua nhà trả góp là một hình thức được phần đông người mua nhà lựa chọn khi không đủ khả năng tài chính chi trả một lần nhưng vẫn có thể sở hữu chốn an cư. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay tăng mạnh, nhiều người rơi vào cảnh vỡ kế hoạch tài chính, áp lực trả nợ đè nặng.

Từ tháng 9/2022, các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, sau đó, lãi suất cho vay cũng tăng theo. Tính đến tháng 1/2023, lãi suất vay mua nhà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dao động trong khoảng từ 12,5 - 15%/năm.

Diễn biến lãi suất cho vay tăng cao đã khiến nhiều người đắn đo, chần chừ trong việc mua nhà khi áp lực trả nợ nặng nề. Còn nhiều người đã vay ngân hàng và được thông báo tăng lãi suất thì như “ngồi trên đống lửa”. Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp khách hàng cho biết, phía ngân hàng còn thông báo mức lãi suất 12-13%/năm chỉ cố định trong kỳ hạn 6 tháng, sau đó sẽ điều chỉnh theo diễn biến lãi suất thị trường. Nỗi lo lại càng đè nặng vai những người mua nhà trả góp hàng tháng.

Vỡ kế hoạch trả góp mua nhà vì thất nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều người kiệt sức vì lãi suất ngân hàng tăng. Ảnh minh hoạ

Vay ngân hàng hơn 2 tỉ đồng, hàng tháng vợ chồng chị M, ngụ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM trả góp cả gốc lẫn lãi gần 30 triệu đồng. Nhưng mấy tháng nay, chị M phải trả thêm vài triệu cho khoản vay này. Dù không rõ mức tăng lãi suất của ngân hàng chị vay cụ thể là bao nhiêu nhưng tổng tiền phải trả hàng tháng tăng lên khiến vợ chồng chị thêm nỗi lo. Trong khi thu nhập không tăng, thậm chí sụt giảm khiến chị M tằn tiện trong mọi chi tiêu cuộc sống.

Những trường hợp như chị M là không hiếm trên thị trường hiện nay. Nhiều người vay ngân hàng và đang trả góp cho chốn an cư của mình đều lo lắng khi lãi suất liên tục gia tăng. Với những nhà đầu tư BĐS, dùng đòn bẩy tài chính cao cũng lao đao vì cạn dòng tiền.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group, có 3 tác động rõ nét nhất của việc lãi suất tăng đến thị trường BĐS. Thứ nhất, sức cầu thị trường giảm mạnh. Với lãi suất cho vay mua BĐS trên 12%/năm như hiện nay nhà đầu tư e dè, thận trọng hơn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS. Ngay cả việc nhiều nhà đầu tư có dòng thu nhập tốt muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư tuy nhiên việc tiếp cận được nguồn vốn vay hiện nay cực kỳ khó khăn khi “room” tín dụng bị hạn chế.

Thứ hai, hiện tượng cắt lỗ diễn ra trên diện rộng. Trong những năm gần đây khi thị trường BĐS sôi động, lãi suất còn hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ, chấp nhận cắt lỗ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang chững lại, thanh khoản thị trường thứ cấp sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kẹt hàng mặc dù giảm giá sâu. Cuối cùng, người bán kẹt vốn, cắt lỗ để bán thu hồi vốn. Người mua thấy lãi suất cao e ngại, nếu có nhà đầu tư chấp nhập lãi suất cao để vay lại khó tiếp cận nguồn vốn do hết “room”.

…Đến vỡ kế hoạch trả nợ vì thất nghiệp

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối diện tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, thu hẹp sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân sự, lao động. Theo thống kê, hiện nay có tới 51 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp báo cáo thiếu hụt đơn hàng và cắt giảm nhân sự. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các doanh nghiệp địa ốc, dịch vụ…

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người không còn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đặc biệt với những người mua nhà trả góp, đây là gánh nặng không lối thoát.

Có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mua nhà trả góp và dành phần lớn thời gian để kiếm tiền trả nợ. Thậm chí, họ phải nhịn ăn, nhịn mặc, làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập; dành toàn bộ số tiền kiếm được trả nợ ngân hàng.

“Có những trường hợp “dành cả thanh xuân” để trả nợ cho chốn an cư. Nhưng điều đó còn hạnh phúc hơn những người không còn thu nhập để trả tiếp khoản vay ngân hàng mua nhà”, một người trong ngành chia sẻ.

Vỡ kế hoạch trả góp mua nhà vì thất nghiệp - Ảnh 3.

Hiện nay, nhiều người sở hữu nhà trả góp từ khoản vay ngân hàng nhưng mất việc là đáng lo ngại nhất. Họ không biết “bấu víu” vào đâu để lo khoản nợ hàng tháng. Thậm chí, có một số trường hợp mới mua nhà trả góp nhà vài tháng thì thất nghiệp. Khoản vay 50-60% giá trị căn nhà đã khiến nhiều người mua sống trong nỗi lo sợ.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu tính toán vay mua nhà, người đi vay nên cân nhắc khả năng chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng theo lãi suất thả nổi. Ngoài việc không nên chi quá 30-40% thu nhập cho khoản vay, cần ước tính giá trị căn nhà nên mua dựa trên mức thu nhập và tiền mặt có sẵn.

Chia sẻ mới đây, chuyên gia Savills Việt Nam cho hay, trước khi mua nhà trả góp, người mua nhà cần phải tính toán chi tiết, cân nhắc kỹ càng để tránh trường hợp khi lãi suất tăng cao lại nằm ngoài khả năng thanh toán hoặc rơi vào tình huống đã đặt cọc mua nhà nhưng không thể nộp tiền đúng tiến độ vì không vay được tiền từ ngân hàng. Có không ít trường hợp mặc dù đã tính toán kỹ nhưng lại không lường trước được rủi ro, biến số của thị trường nên đuối dòng tiền.

Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia đầu tư bất động sản cho rằng, việc mua BĐS thời điểm này, người mua nên dựa vào vốn tự có, hạn chế vay ngân hàng. Có vay thì cân đối tỉ lệ thấp nhất có thể, tránh rủi ro.

Theo Bảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM