Vỡ dị dạng mạch máu, chàng trai ôm xô máu mũi chạy vào bệnh viện cấp cứu

23/03/2022 10:32 AM | Sống

Nam thanh niên chảy cả xô máu mũi do dị dạng mạch máu mũi xoang hiếm gặp, đồng thời có tình trạng tăng huyết áp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa cấp cứu một trường hợp hi hữu: nam thanh niên chảy cả xô máu mũi do dị dạng mạch máu mũi xoang hiếm gặp, đồng thời có tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ.

Nằm trong phòng bệnh chờ xuất viện, anh N.D.T. (25 tuổi, ở Cần Thơ) vẫn chưa hết sốc về căn bệnh của mình, bởi nó không hề có dấu hiệu báo trước. Anh T kể buổi sáng anh ngủ dậy, chưa kịp làm gì thì tự nhiên mũi chảy máu ồ ạt, không cách gì cầm được, đến nỗi phải dùng xô để hứng. Gia đình liền đưa anh T vào bệnh viện cấp cứu.

Anh T. làm nghề công nghệ thông tin, công việc phải ngồi nhiều nên thừa cân và thêm bệnh tăng huyết áp mặc dù tuổi còn trẻ, do đó năm 2020 anh đến bệnh viện khám sức khỏe, thời điểm ấy mọi kết quả đều không đáng ngại.

Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám và xác định nguyên nhân gây chảy máu mũi là do vỡ dị dạng mạch máu mũi xoang, anh T. được can thiệp DSA gây tắc mạch bằng keo. Sau can thiệp, anh chỉ thấy mũi hơi "khó chịu", tới ngày xuất viện thì không còn cảm giác khó chịu, thở hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Theo BS.CK2 Ngô Minh Tuấn người trực tiếp can thiệp cho bệnh nhân N.D.T., có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi:

- Chấn thương tại chỗ như: xì mũi (hỉ mũi), ngoáy mũi, tác động trực tiếp của vật có đầu tù…

- Khô niêm mạc mũi do thời tiết lạnh.

Những nguyên nhân ít phổ biến:

- Nhiễm trùng tại chỗ: viêm tiền đình mũi, viêm mũi cấp và mạn tính.

- Các tình trạng bệnh lý toàn thân gây ảnh hưởng đến chức năng đông cầm máu như AIDS, viêm gan…

- Dị vật mũi: hay gặp ở trẻ em.

- Bệnh xơ cứng động mạch ở người lớn tuổi.

- Hội chứng Rendu – Osler – Weber.

- Khối u lành hay ác tính quanh mũi.

- Thủng vách ngăn mũi.

- Bệnh rối loạn đông máu.

- Đăc biệt, tình trạng tăng huyết áp có thể làm cho tình trạng chảy máu mũi trở nên trầm trọng hơn, nhưng chưa chắc nó là nguyên nhân duy nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi như trên, có thể tại chỗ hoặc liên quan toàn thân (ngoại trừ trường hợp có yếu tố rõ ràng như: ngoáy mũi, xì mũi), trong đó cũng có nguyên nhân liên quan dị dạng mạch máu vùng mũi hoặc bệnh Rendu – Osler – Weber. Nếu bệnh dai dẳng tái phát thường xuyên hoặc chảy máu mức độ trầm trọng, khó xử lí bằng các phương pháp thông thường (đè ép vùng mũi, nhét gạc tẩm thuốc tê…) thì cần tìm đến các phương pháp điều trị đặc biệt là các phương pháp có liên quan đến dị dạng mạch máu.

Dị dạng mạch máu mũi thường được phát hiện khi bệnh nhân bị chảy máu mũi và đi khi khám lâm sàng hoặc tình cờ phát hiện ra khi thực hiện các phương tiện chẩn đoán hình ảnh vì bệnh lý khác (CT scanner, MRI, hoặc DSA).

Vỡ dị dạng mạch máu, chàng trai ôm xô máu mũi chạy vào bệnh viện cấp cứu - Ảnh 1.

Hình ảnh vỡ dị dạng mạch máu mũi xoang của bệnh nhân N.D.T.Ảnh: BVCC.

Điều trị chảy máu mũi bao gồm:

- Xử lí cấp cứu tình trạng chảy máu: Cho người bệnh giữ ở tư thế đầu cao kiểu nửa nằm nửa ngồi, hơi cúi đầu về phía trước để tránh máu chảy vào đường hô hấp, trấn an tinh thần, đè ép trực tiếp vào vùng cánh mũi hai bên khoảng 10 phút, hoặc phải dùng đến thủ thuật nhét gạc có tẩm thuốc co mạch vào hốc mũi, đốt điện, phẫu thuật hoặc cầm máu bằng can thiệp nội mạch.

- Xử lí các yếu tố thúc đẩy hoặc bệnh lý toàn thân gây nên tình trạng chảy máu mũi.

- Nếu không tìm ra nguyên nhân cụ thể của tình trạng chảy máu hoặc xử lí chưa triệt để tình trạng bệnh gây nên chảy máu mũi thì bệnh có thể sẽ tái phát hoặc kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Về lý do bệnh nhân còn trẻ bị tăng huyết áp, ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết:

Tăng huyết áp có 2 loại:

Tăng huyết áp vô căn (tỷ lệ 80-90%) có nghĩa là tăng huyết áp không có nguyên nhân, thường xảy ra ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi. Bệnh nhân thường có huyết áp tâm thu tăng cao >140mmHg và huyết áp tâm trương >= 90mmHg. Tăng huyết áp vô căn có liên quan đến tình trạng béo phì, rối loạn lipid máu, gia đình có người tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát (tỷ lệ từ 10-20%) có nghĩa là tình trạng tăng huyết áp do một nguyên nhân nào đó như: hội chứng ngưng thở khi ngủ, sử dụng các thuốc như corticoid, thuốc giảm đau, thuốc kích thích, một số trường hợp do các loại u: u tủy thượng thận, cường aldosterone, cường giáp, suy giáp, hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, các bệnh lý viêm mạch máu…

Việc thăm khám nhóm bệnh tăng huyết áp người trẻ khá phức tạp. Bệnh nhân cần phải thăm khám các dấu hiệu lâm sàng, các biểu hiện của bệnh nhân. Cần làm đầy đủ các xét nghiệm về thận, tuyết giáp, các xét nghiệm máu về hormone như aldosterol, renin, catecholamine, FT3, FT4, TSh, cortisol, xét nghiệm nước tiểu… Bên cạnh đó cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng: siêu âm tim, siêu âm động mạch thận, siêu âm tuyến giáp, điện tim thường và đặc biệt một số trường hợp cần phải chụp thêm CT mạch máu hoặc cộng hưởng từ ngực bụng để tầm soát các nguyên nhân chuyên sâu gây tăng huyết áp.

Anh N.D.T. đã được kiểm tra các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân và chụp CT bụng để kiểm tra, kết quả đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, gia đình anh lại có ba mẹ và anh trai cũng bị tăng huyết áp ở độ tuổi khá trẻ nên trường hợp này người bệnh bị tăng huyết áp thuộc nhóm vô căn và có liên quan đến yếu tố gia đình.

Theo Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM