Vợ chồng nghèo tay trắng đến với nhau, ăn rau chấm muối nuôi con trở thành Phó giáo sư

26/07/2022 10:01 AM | Sống

46 năm bên nhau, chú Thơm, cô Nghĩa đồng sức đồng lòng, cùng vượt qua những lúc gian khó nhất để xây dựng cuộc sống, nuôi dạy các con trưởng thành.

Nên duyên nhờ mai mối, hôn nhân gần 50 năm bền chặt

Kết hôn rồi chung sống với nhau đến nay đã được 46 năm, chú Nguyễn Văn Thơm (68 tuổi) và cô Huỳnh Thị Nghĩa (64 tuổi), hiện ở quận 9, TP.HCM chưa một lần cãi vã, lớn tiếng. Để làm được điều đó, chú Thơm nói công lớn là nhờ cô Nghĩa, bởi mỗi lần chú nóng nảy, cô đều nhẫn nhịn, bình tĩnh giải quyết mọi việc đâu lại vào đó.

Họ lần đầu gặp nhau khi chú Thơm mới 10 tuổi, còn cô Nghĩa 6 tuổi. Gia đình của cô chú cùng đi làm ở lò gạch, sống gần nhau. Được một thời gian thì gia đình chú Thơm chuyển đi.

Nhiều năm trôi qua, đến năm 1971, mẹ của chú Thơm tìm hiểu rồi ngỏ ý muốn vun vén cho chú và cô Nghĩa thành một đôi. Lúc đó, chú Thơm nói với mẹ: "Nhà mình còn nghèo quá, làm gì có tiền mà cưới hả mẹ?". Mẹ chú trả lời: "Mẹ thấy con và Nghĩa hợp tuổi lắm đó. Nếu con không đồng ý thì chuyển ra ngoài mà ở, thích làm gì thì làm". Chú Thơm nghe vậy nên đồng ý làm theo lời mẹ.

Về phía cô Nghĩa, năm đó cô mới chỉ 17-18 tuổi, là chị lớn trong nhà, ở dưới còn đông em út nên cô muốn có trách nhiệm với gia đình, không muốn đi lấy chồng sớm. Thế nên, cô từ chối lời đề nghị của gia đình chú Thơm.

 Vợ chồng nghèo tay trắng đến với nhau, ăn rau chấm muối nuôi con trở thành Phó giáo sư - Ảnh 1.

Vợ chồng chú Thơm, cô Nghĩa đã ở bên nhau được 46 năm.

Nhưng rồi một năm sau, mẹ của chú Thơm một lần nữa lên hỏi chuyện. Cô Nghĩa được ba khuyên: "Con lấy Thơm đi, ba thấy nó hiền lành, dễ thương, xứng đôi với con". Thế rồi cô cũng đồng ý gặp mặt chú.

Chú Thơm hài hước kể: "Ngày ấy tôi lên, thấy tôi đẹp trai quá nên bà ấy kết luôn". Đó cũng là một phần lý do, nhưng điều thực sự khiến cô Nghĩa cảm mến chú Thơm là bởi chú hiền lành, chịu thương, chịu khó. Lần nào lên chơi, chú cũng đi quét dọn nhà cửa, rồi tắm cho các em của cô Nghĩa. Nhìn những hành động đó, cô Nghĩa thấy lời khuyên của ba là đúng đắn.

Tình yêu thời ấy giản dị, trong sáng, lần đầu chú Thơm mạnh dạn nắm tay cô Nghĩa, cả hai đều run bần bật, nhìn nhau cười đầy ngại ngùng. Đi lại được 6-7 tháng thì hai bên gia đình quyết định tổ chức đám cưới cho cô chú. Ngày về nhà chồng, cô Nghĩa khóc rất nhiều, vừa nhớ nhà, vừa không biết cuộc sống của mình từ nay về sau sẽ ra sao.

Nhưng rồi, cô Nghĩa nhận ra mình may mắn khi được cả chồng và gia đình chồng yêu thương, đối xử tử tế. Hai cô chú lấy đồng ruộng, nương rẫy làm kế sinh nhai, cùng nhau làm lụng, xây dựng cuộc sống.

 Vợ chồng nghèo tay trắng đến với nhau, ăn rau chấm muối nuôi con trở thành Phó giáo sư - Ảnh 2.

Dù cuộc sống khó khăn, 46 năm qua cô chú vẫn luôn hạnh phúc, yêu thương nhau.

Vợ chồng nghèo nuôi con thành Phó giáo sư

Bảy người con của cô chú lần lượt ra đời, cuộc sống cũng thêm gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Đặc biệt, cô Nghĩa có một khoảng thời gian rất vất vả khi các con sinh ra bị ốm liên tục.

Thời điểm sinh con thứ hai là khó khăn nhất vì cô chú phải chịu cảnh đói khổ, cấy lúa không trổ bông nên không có gạo ăn. Hai vợ chồng chỉ ăn rau chấm với nước muối qua ngày. Trong cái khó, cô chú vẫn vượt lên, cùng nghĩ cách để nuôi sống bản thân và các con. Năm sau, hai vợ chồng phá mảnh đất hoang cạnh nhà để trồng lúa cứu đói, từ đó mới lúa gạo để ăn.

Sau này, chú Thơm, cô Nghĩa tiết kiệm được một số vốn và đóng chiếc thuyền nhỏ để chở lúa đem bán. Hai vợ chồng thường xuyên lênh đênh, xa nhà cả tuần mới về. Nhưng nhờ đó mà cuộc sống của cả nhà cũng đỡ cực.

 Vợ chồng nghèo tay trắng đến với nhau, ăn rau chấm muối nuôi con trở thành Phó giáo sư - Ảnh 3.

Các con của chú Thơm, cô Nghĩa xúc động khi nghe câu chuyện của bố mẹ.

Anh hai lớn rồi phải đi thuyền cùng ba mẹ, còn anh ba ở nhà trông nom các em. "Tội nhất là anh hai, anh ba, không được học hành tới đâu. Nhà nghèo, đông con nhưng các con của cô đều rất ngoan, cô chú rất tự hào. Hai anh lớn hy sinh cho 5 người em. 5 người em có trách nhiệm lo học nên học giỏi lắm. Bố mẹ không có nhà nhưng các con đi học về đều được khen thưởng, mỗi đứa ôm một hộp quà, cô nhìn mà rơi nước mắt", cô Nghĩa kể.

Sau này, các con của chú Thơm, cô Nghĩa đều giỏi giang, có công ăn việc làm ổn định, giúp ích cho xã hội. Anh hai hiện tại làm trong lĩnh vực bất động sản, anh ba mở tiệm sửa xe. Con gái thứ 4 của cô chú từng giành học bổng du học toàn phần tại Hàn Quốc. Hiện tại chị là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trải qua không ít chông gai, chú Thơm, cô Nghĩa bây giờ đã có được cuộc sống vẹn tròn, hàng ngày ở bên nhau, trồng cây, chăm vườn, tập thể dục, vui vầy bên các con, các cháu. Mong ước lớn nhất của cô chú bây giờ là cả hai được khỏe mạnh để có thể đồng hành cùng nhau một chặng đường thật dài ở phía trước.

Nguồn: Tình trăm năm

Theo Lam Giang

Cùng chuyên mục
XEM