Virus SARS-CoV-2 đang "học cách" sống sót như thế nào?

23/02/2021 11:00 AM | Xã hội

Giống như mọi virus khác, virus SARS-CoV-2 chỉ có một mục tiêu duy nhất: đó là sinh tồn.

Với virus SARS-CoV-2, cách tốt nhất để chúng kéo dài sự sống chính là tiến hóa. Để làm được vậy, virus phải học cách cân bằng. Nếu virus quá nguy hiểm, nó sẽ khiến vật chủ tử vong trước khi tìm ra một vật chủ khác.

Do đó, mánh khóe của virus chính là trở nên dễ lây lan hơn nhưng ít nguy hiểm hơn bởi điều đó cho phép chúng lan rộng và tồn tại lâu hơn.

Chúng ta có lẽ không bao giờ biết chính xác biến thể ở Anh đã sinh ra như thế nào nhưng dường như là trong khoảng 6 tháng đại dịch, virus SARS-CoV-2 đã tìm được một cơ thể hoàn hảo để tạo nên sự chuyển biến này.

Từ một ca mắc đơn lẻ, một thể mới của virus SARS-CoV-2 đã ra đời và nhanh chóng vạch ra một con đường chết chóc trên toàn thế giới.

Bước chuyển biến thay đổi đại dịch

Vào cuối năm 2020, các chuyên gia y tế Anh ngày càng lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai hoành hành ở quốc gia này. Hồi tháng 9, họ nhận thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tỷ lệ nhanh hơn. Đặc biệt khi mùa đông dần tới, số ca mắc ngày một tăng lên.

"Đất nước hiện đối mặt với một bước ngoặt trong việc phản ứng với đại dịch và hiện nay mọi người đều góp phần quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, cũng như bảo vệ mạng sống của chúng ta", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo vào thời điểm đó.

Câu trả lời cho sự gia tăng số ca mắc Covid-19 là một biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Chỉ trong một vài tháng, nó đã lây lan khắp nước Anh.

Biến thể B117 được phát hiện lần đầu tiên ở hạt Kent vào tháng 9/2020 nhưng phải tới ngày 14/12, chính phủ Anh mới xác nhận sự tồn tại của biến thể này. Trong khoảng thời gian đó, biến thể mới đã lan rộng với tỷ lệ đáng lo ngại, gây ra sự tăng vọt số ca mắc ở đông nam England và London.

Các nhà chức trách Anh cảnh báo biến thể mới tăng 70% khả năng lây nhiễm. Những nghiên cứu chi tiết hơn thì cho thấy, biến thể này tăng từ 36 - 71% khả năng lây nhiễm dù xuất hiện ở bất kỳ đâu so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán.

Dù theo cách nào, biến thể B117 thực sự đã thay đổi tình hình đại dịch Covid-19 ở Anh. Chỉ 1 tháng sau, biến thể này đã lây lan ra toàn cầu và tới nay, nó đã hiện diện ở khoảng 80 quốc gia trên thế giới.

Từ một bệnh nhân đến toàn thế giới?

Hoàn cảnh cụ thể dẫn đến sự ra đời của biến thể mới Anh có lẽ mãi là một bí ẩn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng có lẽ nó đã tiến hóa trong cơ thể của 1 bệnh nhân mắc Covid-19 trong khoảng thời gian lâu hơn thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày.

Theo nhà virus học Kirsty Short thuộc Đại học Queensland, bệnh nhân này có thể đã mắc Covid-19 trong thời gian dài.

"Có lẽ đây là một bệnh nhân thiếu khả năng đề kháng", chuyên gia này cho hay.

Lấy ví dụ về virus cúm, bác sĩ Short cho biết: "Những người nhiễm virus cúm trong nhiều tháng có thể tạo ra nhiều biến thể virus hơn một người nhiễm bệnh nặng trong thời gian ngắn".

"Vì thế, hãy tưởng tượng rằng virus biến chủng một lần mỗi khi chúng sao chép. Nếu virus trong 1 bệnh nhân tự nhân lên 500 lần, sẽ có nhiều đột biến hơn một bệnh nhân mà virus tồn tại trong họ chỉ nhân lên 5 lần".

Dù vậy, các nhà khoa học đã xác định được ngay từ đầu rằng virus SARS-CoV-2 biến chủng chậm hơn nhiều so với virus cúm và HIV.

Một nghiên cứu ước tính virus SARS-CoV-2 tạo ra khoảng từ 1 - 2 đột biến/tháng. Thế nhưng, biến thể ở Anh lại không như vậy. Nó có 23 đột biến so với chủng virus ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán với 17 đột biến trong số đó dường như gần đây mới xuất hiện.

Biến thể khiến các nhà khoa học sửng sốt

Damian Purcell đã trải qua "bất ngờ lớn" với dữ liệu giải mã gen của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu trong phòng thí nghiệm của ông ở Melbourne vào cuối năm 2020.

Người đứng đầu phòng thí nghiệm virus học phân tử tại Viện Các bệnh truyền nhiễm Peter Doherty ở Melbourne khi đó đang xem xét những thông tin chi tiết về biến thể mới ở Anh.

"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Chúng tôi đã xem xét điều này và phải thốt lên rằng: ‘Hãy nhìn xem, có bao nhiêu đột biến mà virus đã tạo ra, hãy nhìn xem ở nơi chúng được tạo ra, có quá nhiều đột biến ở protein gai", ông Damian Purcell cho biết.

Protein gai là bộ phận ở mặt ngoài của virus giúp chúng liên kết với các thụ thể trong cơ thể của chúng ta và lây nhiễm virus sang chúng ta. Nó giống như một chiếc chìa khóa để virus mở cửa và xâm nhập vào cơ thể con người.

"Đó là protein mà chúng tôi quan tâm nhất khi cân nhắc đến hiệu quả của các loại vaccine mà chúng ta đang thử nghiệm", giáo sư Purcell cho hay.

Biến thể ở Anh không phải trường hợp biến chủng đầu tiên của SARS-CoV-2. Có hàng nghìn phiên bản khác nhau của virus này trên thế giới hiện nay nhưng thường thì các biến thể không gây ảnh hưởng lớn và nhiều biến thể sẽ nhanh chóng biến mất.

Tuy nhiên, hiện nay, virus đã đạt được bước đột phá trong quá trình tiến hóa của nó. Một số biến thể của virus đã tìm được cách để lây nhiễm sang nhiều vật chủ hơn và dần vượt trội so với các chủng khác.

Trong khi hầu hết thế giới tập trung vào biến thể ở Anh thì các chuyên gia khác đang theo dõi chặt chẽ một biến thể mới được phát hiện ở California, Mỹ.

Nếu nói về một đột biến khiến các nhà khoa học lo sợ nhất hiện nay thì đó chính là E484K bởi nó có khả năng thoát khỏi các kháng thể sinh ra từ miễn dịch tự nhiên hoặc thông qua tiêm vaccine.

E484K khiến hệ miễn dịch gặp khó khăn khi đối phó với virus SARS-CoV-2, thậm chí cả khi cơ thể dường như đã "học" được cách để chống lại virus từ việc tiêm vaccine.

Điều khiến các chuyên gia lo ngại là sự xuất hiện của các biến thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay như thế nào?

Đầu tháng này, Nam Phi đã dừng việc phân bổ vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi một nghiên cứu cho thấy vaccine này chỉ cung cấp được sự bảo vệ tối thiểu với những ca nhiễm biến thể mới ở mức vừa và nhẹ.

Theo chuyên gia Larisa Labzin từ Viện Sinh học Phân tử tại Đại học Queensland, một vaccine Covid-19 hoàn hảo sẽ không bao giờ tồn tại.

Ánh sáng cuối đường hầm

Sự xuất hiện của các biến thể mới cho thấy mối đe dọa từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại, thậm chí ngay cả khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã diễn ra ở một số nước.

Thay vào đó, theo các chuyên gia y tế công cộng, các biện pháp như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, rửa tay và tránh tụ tập đông người vẫn là những công cụ cần thiết hơn bao giờ hết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dù vậy, giáo sư Purcell tin rằng cách an toàn nhất để chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ này là vaccine sẽ được phân phối toàn thế giới.

"Chúng ta phải chặn đứng cơ hội virus tạo ra những đột biến nguy hiểm có thể phá vỡ hệ miễn dịch do vaccine tạo ra. Vì thế, càng nhiều người được tiêm vaccine và chúng ta có thể tiêm vaccine càng sớm thì tình hình càng khả quan hơn", chuyên gia này cho hay.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM