Vingroup, Sungroup, FLC, Vietjet... đã tạo thêm giá trị gì cho du lịch Việt Nam?

17/07/2019 14:17 PM | Bất động sản

Các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, bằng rất nhiều cách, đang góp phần phát triển ngành du lịch văn minh hơn, tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế.

Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực đã trở thành một điểm đến du lịch phát triển nhanh ở top đầu trên thế giới và châu Á. Thành quả này không thể không kể đến những cống hiến của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Vietjet,...

Đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí

Ngày 15/7/2019, tại Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam. Những tổ chức này đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, những cái tên quen thuộc đã gặt hái được nhiều giải thưởng. Vinpearl, Sungroup và FLC đều được vinh danh trong top 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch hàng đầu Việt Nam.

Sun World Ba Na Hills và Sun World Halong Complex vào top 5 khu du lịch, vui chơi giải trí tốt nhất, top 10 khách sạn 5 sao tốt nhất với InterContinental Danang Sun Penisula Resort, top 10 sân golf phục vụ khách du lịch tốt nhất với Bà Nà Hills Golf Club.

Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Halong, tỉnh Quảng Ninh lọt top 10 khách sạn đạt danh hiệu “Khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam năm 2019”. Vinpearl Land Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng “Khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam năm 2019”.

FLC Quy Nhơn Golf Link, tỉnh Bình Định đứng thứ 8 trong hạng mục “Sân gôn phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019”.

Kể từ lần đầu xuất hiện năm 2003 với Vinpearl Resort Nha Trang đến nay, đã có tất cả 33 Vinpearl trên 16 tỉnh thành cả nước. FLC sở hữu 4 quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Quần thể du lịch của Sun Group cũng đã có mặt tại nhiều vùng miền trên cả nước, từ Nam ra Bắc, tại những vùng đất giàu tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai…

Xây dựng được những hệ thống khách sạn – khu nghỉ dưỡng 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đang góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên thị trường du lịch thế giới.

Đầu tư hàng không

Việt Nam đang có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó bao gồm việc cho phép khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào thị trường vận tải hàng không trong nước. Đây được coi như một dấu mốc quan trọng đối với các tập đoàn tư nhân, không chỉ có lợi cho chính họ mà còn là cơ hội để đóng góp cho du lịch nước nhà.

Trên thực tế, phần lớn khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường không. Theo Tổng cục Du lịch, hàng không và du lịch là hai ngành kinh tế gắn bó mật thiết với nhau. Khoảng 70-80% hành khách đi máy bay có mục đích du lịch và cũng tỷ lệ chừng ấy khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không. Ngành hàng không phát triển thì du lịch sẽ thu được lợi nhuận lớn và ngược lại.

Nói về hàng không tư nhân, không thể không kể đến Vietjet - được vinh danh là "Hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất năm 2019". Nhưng bên cạnh đó, ta cũng thấy sự góp mặt của những người chơi mới đang cải thiện đáng kể bộ mặt của ngành hàng không cũng như tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sau cột mốc chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/2019, Bamboo Airways chính thức trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam. Hãng hàng không này cũng là chiến lược để kết nối khách hàng tới các khu nghỉ dưỡng FLC thông qua những gói combo vé máy bay – nghỉ dưỡng.

Trao đổi với Nikkei, ông Trịnh Văn Quyết nói đến cuối năm 2019, Bamboo Airways đặt mục tiêu mở 40 đường bay nội địa và quốc tế. Hãng cũng đang tích cực chuẩn hóa đội bay với việc tăng số lượng tàu bay lên trên 30 chiếc đến năm 2020.

Mới đây, đã có sự xuất hiện của hãng hàng không với cái tên "lạ mà quen" Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup. Nếu Vingroup thực sự thâm nhập thị trường hàng không, cũng có khả năng Vingroup sẽ đi theo hướng bán combo bay Vinpearl Air - nghỉ dưỡng Vinpearl tương tự với bay Bamboo Airways và ở FLC.

Ngày 13/6 mới đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group đã đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh (Thiên Minh Airlines).

Trong hệ thống Group Thiên Minh cũng có Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu hoạt động ở lĩnh vực vận tải hàng không dưới hình thức thủy phi cơ. Loại hình vận tải hàng không này giúp Thiên Minh trở thành cái tên có tiếng trong ngành du lịch, với tour tham quan Vịnh Hạ Long từ trên cao.

Với việc đẩy mạnh phát triển hàng không, khách hàng ở bất cứ phân khúc nào, bất cứ vị trí địa lý nào, cũng sẽ tìm được gói dịch vụ chất lượng, phù hợp. Như vậy, du khách sẽ có thêm sự lựa chọn mới, được hưởng lợi từ dịch vụ bay với giá cả cạnh tranh hơn.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM