Vinamilk hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020 nhờ sức mạnh nội tại “chất lượng”

09/02/2021 13:30 PM | Kinh doanh

Trong một bối cảnh đầy biến động do Covid năm vừa qua, sức mạnh nội tại đến từ việc quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững đã giúp Vinamilk vượt khó để đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi.

Sữa là thực phẩm thiết yếu trong rổ hàng hóa của người tiêu dùng, tuy nhiên, ngành sữa đã tăng trưởng âm 8% trong năm 2020 (theo AC Nielsen). Và theo số liệu thống kê mới đây, cả nước có 32,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và thu nhập bình quân của người lao động giảm 2,3% so với năm 2019.

Có thể đứng vững và ghi nhận tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn bởi Covid, thì ngoài sự linh động để thích ứng, nội lực thực sự chính là "sức đề kháng" mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Với Vinamilk, có thể thấy rõ điều này ở 2 khía cạnh được đánh giá nổi bật trong năm qua là: quản trị doanh nghiệp tiệm cận dần với chuẩn mực, thông lệ của quốc tế và gắn mục tiêu kinh doanh với phát triển bền vững.

Tiệm cận dần với chuẩn mực quản trị quốc tế

Năm 2020, Vinamilk là doanh nghiệp được xét chọn là "Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN" (ASEAN Asset Class). Đây là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong được vinh danh sau nhiều vòng đánh giá chéo của các quốc gia ASEAN, dựa theo Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN 2019. Trong 5 nội dung đánh giá quản trị cấp độ doanh nghiệp, Vinamilk đã ghi điểm ở 2 nội dung chiếm tỷ trọng cao nhất là "Tính minh bạch và công bố thông tin" và "Trách nhiệm của Hội đồng quản trị".

Vinamilk hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020 nhờ sức mạnh nội tại “chất lượng” - Ảnh 1.

Vinamilk đã lọt vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới nhờ mô hình quản trị tiên tiến đang dần tiệm cận với tiêu chuẩn quản trị quốc tế.

Quản trị doanh nghiệp với các mô hình tiên tiến, theo các thông lệ quốc tế đã được Vinamilk thực hiện trong nhiều năm qua. Năm 2020, Vinamilk được vinh danh ở vị trí quán quân của cả 3 giải thưởng quan trọng của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020 bao gồm: giải nhất nội dung quản trị công ty và 2 giải thưởng cao nhất cho cả báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững.

Các kết quả kinh doanh mới công bố của Vinamilk đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở cả thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, lũy kế cả năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.723 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 100% kế hoạch năm. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 59.636 tỷ đồng, trong đó doanh thu thuần trong nước đạt 50.842 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9%, nước ngoài đạt 8.794 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trực tiếp đóng góp 5.561 tỷ đồng và các chi nhánh nước ngoài đóng góp 3.233 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng doanh thu 7,4% so với 2019, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk trong năm 2020 đã tạo nhiều dấu ấn trong bối cảnh khó khăn chung, đóng góp tích cực cho ngành sữa cả nước.

Gắn mục tiêu kinh doanh với phát triển bền vững

2020 cũng là năm Vinamilk là đơn vị dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Đây cũng năm thứ 5 liên tiếp Vinamilk được vinh danh Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam vì sự tiên phong và sáng tạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Vinamilk hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020 nhờ sức mạnh nội tại “chất lượng” - Ảnh 2.

Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp Vinamilk tiết kiệm chi phí vận hành trong sản xuất mang đến những lợi ích đáng kể về môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Điểm nhấn của Vinamilk trong năm 2020 về phát triển bền vững đó là sự tiên phong trong việc vận dụng mô hình "kinh tế tuần hoàn" ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Cụ thể như tại các trang trại bò sữa của Vinamilk, công nghệ Biogas biến chất thải thành tài nguyên, vòng tuần hoàn tái tạo đất theo công nghệ Nhật Bản, canh tác hữu cơ (organic); hay vòng tuần hoàn nước và sử dụng năng lượng tái tạo được Vinamilk áp dụng tại các nhà máy… là những điểm sáng đáng ghi nhận.

Mô hình từng thành công ở nhiều quốc gia phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Singapore… và được nhiều chuyên gia đánh giá là hướng để các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Vinamilk hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020 nhờ sức mạnh nội tại “chất lượng” - Ảnh 3.

Việc áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến đã góp phần giúp thu hút và giữ chân nhân tài, 1 trong những nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Mặc dù năm vừa qua bị ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tìm được những cơ hội để duy trì, phát triển và cải thiện năng lực cốt lõi. Công tác phòng chống bệnh dịch một cách nghiêm túc và hiệu quả đã giúp nước ta thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và trở thành địa chỉ tin cậy, an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các dự đoán lạc quan về triển vọng của 2021 cũng đã được đưa ra, khi việc triển khai vac-xin trong thời gian tới sẽ giúp tình hình dần được kiểm soát. Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6%-11,2% trong năm 2021 với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Các yếu tố vĩ mô này nếu được chủ động nắm bắt và tận dụng sẽ là bệ đỡ để doanh nghiệp có thể bắt kịp, thậm chí đón đầu đà phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM