Vietjet đã phải hoãn kế hoạch niêm yết ở nước ngoài, ông Đặng Văn Thành liệu có làm được với SBT?

04/10/2016 16:03 PM | Kinh doanh

VNM, GMD, KDC, FPT, PVD và mới nhất là Vietjet Air từng đề cập đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài nhưng đều đã hoãn lại. Liệu ông Đặng Văn Thành có trở thành người thành công đầu tiên khi ra biển lớn?

Phát biểu trên truyền thông mới đây, đại diện của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh ( SBT ) cho biết sau khi hoàn tất việc sáp nhập với một công ty mía đường, SBT sẽ tiến hành niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Đây là kế hoạch trong 5 năm tới, và dự kiến sẽ huy động khoảng 600 triệu USD cho công ty.

SBT là đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) – tập đoàn gắn liền với tên tuổi của doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành. Có thể thấy mục đích của TTC là trở thành doanh nghiệp có quy mô toàn cầu, và mía đường – ngành chủ lực của Tập đoàn này đang có nhiều điều kiện hơn cả để thực hiện mục tiêu đó.

Nhưng trước Thành Thành Công, có nhiều “đại gia” từng muốn góp mặt tại TTCK nước ngoài

TTC đã chuẩn bị cho việc lên sàn Singapore được một thời gian. Phó chủ tịch SBT – bà Đặng Huỳnh Ức My – đã chuyển tới làm việc tại Singapore. Năm 2015, doanh nghiệp thành lập một công ty con là TSU Investment Pte. Ltd tại Singapore với tổng vốn đầu tư là 12 triệu USD. Và gần đây, SBT đã chấm dứt hoạt động của Thành Thành Công Gia Lai tại Singapore để sáp nhập vào TSU.

Một lần nữa, kế hoạch niêm yết trên TTCK Singapore của một doanh nghiệp Việt Nam (tất nhiên phải là “đại gia” trong ngành) được công bố trong sự kỳ vọng lớn lao nhưng lại khiến cho nhà đầu tư nhớ đến những doanh nghiệp trước đó.

Trước đây một số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam từng đề cập đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài như VNM, GMD, KDC, FPT và PVD. Tuy nhiên cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành kế hoạch do những khó khăn gặp phải trong quá trình xin niêm yết ở nước ngoài. Mới đây nhất, hãng hàng không VietJet cũng đã phải từ bỏ kế hoạch niêm yết ở TTCK nước ngoài (Singapore hoặc Hồng Kông) sau khi IPO để tiến hành niêm yết tại Việt Nam trước.

Và như thế, mặc dù Singapore đã là nơi niêm yết của hơn 70 công ty đến từ các nước láng giềng Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa có công ty nào của Việt Nam.

Trong nước, TTC là một đế chế mía đường với tổng thị phần khoảng 30%. Bên ngoài Việt Nam, TTC sở hữu diện tích trồng mía khoảng 8.000 ha tại Campuchia và dự kiến sẽ tăng diện tích trồng mía lên 20.000 ha.

TTC cho biết họ đang mua một nhà máy đường với công suất thiết kế 70.000 tấn và 6.000 ha đất trồng mía từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Thương vụ trị giá 100 triệu USD dự kiến kết thúc vào tháng 10/2016. Bà Đặng Huỳnh Ức My tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng nhà máy sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 12 và sản lượng dự kiến tăng gấp 5 lần với 1/3 sản lượng sẽ được xuất khẩu sang châu Âu trong 5 năm tới.

Như thế, đế chế mía đường TTC đã vươn tầm ảnh hưởng từ Việt Nam sang đến Lào và Campuchia. Theo đánh giá của CTCK HSC, việc mở rộng sang 2 quốc gia này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đường TTC so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (hiện tại phần lớn đường nhập lậu vào Việt Nam là từ Thái Lan).

Và thực sự, việc niêm yết SBT trên sàn chứng khoán Singapore sẽ giúp TTC gia nhập thị trường thế giới.

Điều gì cản trở?

Niêm yết trên một thị trường phát triển hơn sẽ phải khó khăn hơn. Theo CTCK HSC, muốn niêm yết trên TTCK Singapore, các công ty phải thỏa mãn các điều kiện như:

(1) LNTT hợp nhất tối thiểu (dựa trên BCTC cả năm hợp nhất kiểm toán) là 30 triệu USD cho năm tài chính gần nhất và đã hoạt động trong ít nhất 3 năm.

2) Có lợi nhuận trong năm tài chính gần nhất (LNTT dựa trên BCTC cả năm hợp nhất đã kiểm toán gần nhất), đã hoạt động ít nhất 3 năm và có vốn hóa thị trường không ít hơn 150 triệu USD dựa trên giá phát hành và vốn cổ phần sau chào bán.

(3) Có doanh thu hoạt động (thực tế hoặc pro forma) trong năm tài chính hoàn tất gần nhất và vốn hóa thị trường không thấp hơn 300 triệu USD dựa trên giá phát hành và vốn cổ phần sau chào bán.

Ngoài ra, về chuẩn mực kế toán, trong trường hợp niêm yết lần đầu, BCTC nộp trong hồ sơ xin niêm yết lần đầu và BCTC thường kỳ công bố trong tương lai sẽ phải lập theo Chuẩn mực kế toán của Singapore (“FRS”) hoặc theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (“IFRS”) hay Nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại Mỹ (“US GAAP”). Trong trường hợp niêm yết không phải lần đầu, BCTC nộp trong hồ sơ xin niêm yết và BCTC thường kỳ công bố trong tương lai chỉ cần phù hợp với FRS, IFRS hoặc US GAAP.

Không những thế, trở ngại lớn mà các DN Việt Nam gặp phải trước đây khi “ra biển lớn” là việc niêm yết ở nước ngoài đòi hỏi giữa các Sở GDCK phải có cơ chế tương thích, tức là Cơ quan quản lý của Việt Nam và Singapore cần có cơ chế và thủ tục cụ thể nhằm tạo điều kiện cho việc niêm yết. Gần nhất, chưa có một cơ chế nào như vậy.

Và trên thực tế đối với một doanh nghiệp niêm yết đầu tiên từ Việt Nam thì SGX sẽ thận trọng hơn trong việc thẩm định để đảm bảo việc niêm yết diễn ra suôn sẻ và thành công.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành của Vietjet từng cho biết, Vietjet và các nhà tư vấn cũng không thể lường hết lượng công việc giấy tờ khổng lồ phải xử lý và hoàn chỉnh để phục vụ cho kế hoạch niêm yết ở thị trường nước ngoài. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã từng gặp phải. Liệu ông Đặng Văn Thành có trở thành người thành công đầu tiên?

Thủ tục niêm yết trên SGX – Trừ khi có hướng dẫn khác của SGX, còn nếu không những bước chính thông thường sẽ phải thực hiện khi niêm yết trên SGX gồm:

1. Nộp một bộ hồ sơ xin niêm yết (cho Bộ phận niêm yết) theo đúng các quy định niêm yết;

2. SGX sẽ xem xét hồ sơ xin niêm yết có đáp ứng các tiêu chí niêm yết hay không và sẽ quyết định có cấp thư công nhận đủ điều kiện niêm yết (kèm hoặc không thèm theo các điều kiện). Công ty xin niêm yết chỉ được phép niêm yết khi đáp ứng tất cả điềukiện đề ra trong thư công nhận đủ điều kiện niêm yết.

3. Trong trường hợp cần có bản cáo bạch hoặc bản công bố thông tin, thì công ty xin niêm yết phải nộp bản cáo bạch hoặc bản công bố thông tin cho cơ quan quản lý có liên quan (nếu có quy định) và nộp một bản copy cho SGX.

4. SGX sẽ thông báo cho công ty xin niêm yết bổ sung thông tin (bên cạnh thông tin đã đề cập) cần công bố trước khi bắt đầu chính thức giao dịch.

5. Nếu đòi hỏi phải chào bán chứng khoán ra công chúng, thì công ty xin niêm yết phải mời NĐT đăng ký hoặc mua chứng khoán cần chào bán. Sau khi chào bán xong, công ty xin niêm yết phải công bố kết quả chào bán và nếu cần thiết là cả khối lượng chứng khoán được đăng ký mua và cơ sở phân phối; ở đây tỷ lệ đăng ký mua chứng khoán sẽ cho thấy mức độ quan tâm thực sự của NĐT đối với chứng khoán chào bán.

Theo Minh Châu

Cùng chuyên mục
XEM