Việt Nam vào ASEAN: 50 năm rồi làm gì và được gì?

30/08/2016 09:59 AM | Kinh tế vĩ mô

Thật trớ trêu khi ASEAN đã thành lập được 49 năm nhưng hiện hàng triệu lao động phổ thông nhập cư giữa các nước thành viên vẫn đang phải làm việc bất hợp pháp, bị đối xử bất công và phải trốn chạy lực lượng an ninh quốc gia.

Việc thỏa thuận thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được ký kết ngày 22/11/2015 tại Malaysia được giới truyền thông đánh giá là dấu hiệu cho sự trỗi dậy của một thế lực mới tại Châu Á. Với kỳ vọng trở thành một thị trường chung như Liên minh Châu Âu (EU) đã làm vào thập niên 50, ASEAN đang cố gắng để thúc đẩy sự dịch chuyển tự do thương mại, dịch vụ, lao động tay nghề vao nhằm gia tăng lợi ích cũng như vị thế của các thành viên như mục tiêu thành lập ban đầu.

Giới truyền thông cho rằng AEC là đỉnh cao của cố gắng hội nhập từ cộng đồng ASEAN kể từ đầu thập niên 2000. Với 4,46 triệu km2, tương đương 3% tổng diện tích đất liền trên trái đất và khoảng 600 triệu người, tương đương 8% dân số toàn cầu, AEC hứa hẹn là một thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù thị trường 600 triệu người này khá tiềm năng nhưng kích thước không quan trọng bằng chất lượng.

Cấu trúc quản lý của cộng đồng ASEAN hiện khá yếu kém với đội ngũ thư ký không nhiều hơn 400 người và ngân sách hàng năm chưa đến 17 triệu USD. Đó là chưa kể những mục tiêu đầy tham vọng của khối này được thực hiện khá chậm và chưa chắc đã có thể làm được.

Với AEC, cộng đồng ASEAN cho rằng họ đang ở một bước chuyển mình quan trọng, nhưng có vẻ mọi người đã quên mất 2 điểm vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, liệu ASEAN có hội nhập được kinh tế một cách hiệu quả trên cơ sở tự nguyện, đặc biệt là khi các thành viên có sự đa dạng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa?

Tiếp theo, liệu cộng đồng các thành viên ASEAN cần làm gì để hoàn thiện AEC khi nước láng giềng Trung Quốc đang được coi là thành viên không chính thức của khối và đang có xung đột lợi ích với một số quốc gia?

Khi cam kết chỉ nằm trên giấy

Với việc thành lập AEC, nhiều báo cáo chỉ ra rằng thị trường chung ASEAN sẽ trở thành thị trường chung lớn thứ 7 thế giới.

Dẫu vậy, sự phức tạp và mẫu thuẫn về lợi ích cũng như sự đa dạng trong văn hóa, kinh tế, chính trị của các nước là một rào cản vô cùng to lớn với AEC.

Về chính trị, rất khó để có thể hòa hợp chế độ dân chủ tại Indonesia và Philippines với kiểu chính quyền quân sự của Thái Lan. Về kinh tế, những thành viên phát triển và có nền kinh tế thuộc hàng cao trên thế giới đang phải cố gắng hòa nhập với những nước kém phát triển, thậm chí có thu nhập thuộc hàng thấp nhất toàn cầu.

Về văn hóa xã hội, rất khó để có thể thống nhất sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và cách sống của các nước khác nhau. Ví dụ cộng đồng Hồi giáo Malaysia và Indonesia khó có thể chấp nhận tư tưởng của những người theo đạo Phật tại Myanmar hay cộng đồng đạo Thiên chúa của Philippines.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng sự tuân thủ một cách thái quá quan điểm đồng thuận cũng như không can thiệp vào nội bộ các thành viên đang biến ASEAN thành một cấu trúc yếu kém, không có tính ràng buộc. Chính yếu tố này khiến những mục tiêu to lớn của cộng đồng ASEAN bị nghi ngờ sâu sắc.

Bất chấp những cam kết, thỏa thuận về AEC, cộng đồng ASEAN vẫn thiếu những yếu tố nhằm kết dính các nước thành viên, đặc biệt là một cơ chế hoạt động bao trùm chính phủ, các bộ ngành liên quan của các quốc gia thành viên nhằm tổ chức phối hợp trơn tru để hoàn thành mục tiêu.


Tốc độ tăng trưởng GDP chênh lệch giữa các nước thành viên ASEAN

Tốc độ tăng trưởng GDP chênh lệch giữa các nước thành viên ASEAN

Hệ quả là, những kết quả đạt được từ khi thành lập tới nay của ASEAN là vô cùng hạn chế. Mặc dù khoảng 95% các rào cản thuế quan tại khu vực này đã được miễn nhưng những rào cản phi thuế quan lại khiến các doanh nghiệp phải “than trời”. Nào là luật người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư, giấy phép mua bất động sản...

Không những thế, các quy tắc kinh doanh, đầu tư tại các nước còn bất đồng trong khi hệ thống ngân hàng, tài chính không được đồng bộ hóa hoàn toàn. Việc thiếu vắng một đồng tiền chung hay những phương thức thanh toán nhanh chóng, hiệu quả đang cản trở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực.

Thậm chí, quan điểm thúc đẩy tự do dịch chuyển lao động tay nghề cao tại ASEAN cũng chỉ mang ý nghĩa ngoại giao khi nhiều nước thành viên áp đặt những quy định bất hợp lý lên các doanh nghiệp muốn sử dụng nhân viên nước ngoài.

Thật trớ trêu khi ASEAN đã thành lập được 49 năm nhưng hiện hàng triệu lao động phổ thông nhập cư giữa các nước thành viên vẫn đang phải làm việc bất hợp pháp, bị đối xử bất công và phải trốn chạy lực lượng an ninh quốc gia.

Để hội nhập thành công, các nước thành viên ít nhất phải có sự đồng điệu về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ASEAN là khá lớn và việc thiếu một cấu trúc điều hành, quản lý thị trường chung hiệu quả đã khiến cộng đồng này bị chia rẽ sâu sắc.

Xét về kinh tế, ASEAN đang bị chia thành khối các nước phát triển (ASEAN 6) và khối các nước kém phát triển hơn như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV). Đó là chưa kể đến sự chia rẽ giữa lợi ích các nước, lợi ích nhóm trong khối. Một minh chứng rất rõ ràng tổng kim ngạch thương mại của Myanmar năm 2013 chỉ đạt 23 tỷ USD trong khi Singapore đạt 783 tỷ USD, một sự cách biệt khá lớn và rất khó để “thống nhất” 2 nền kinh tế cũng như lợi ích của cả đôi bên.

Trong khi đó, diễn đàn xã hội ASEAN (ACSC) và diễn đàn nhân dân ASEAN (APF) đã cảnh báo về rủi ro tăng trưởng kinh tế không đồng đều và không bền vững giữa các nước thành viên trong khối. Nguyên nhân này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực từ tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, mất cân bằng về tài nguyên, năng lượng. Đặc biệt, sự mất cân bằng vị thế giữa những nước nghèo với nước giàu cũng như sự xung đột lợi ích giữa các chính phủ có thể khiến ASEAN trở nên bất ổn.

Một số ý kiến cho rằng cộng đồng ASEAN nên giảm các mục tiêu tăng trưởng của mình nhằm phù hợp hơn cho những thành viên kém phát triển, đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, nếu kế hoạch này được thông qua thì cũng phải mất hàng thập niên để hoàn thành và đấy là chỉ khi ASEAN cung cấp đầy đủ nguồn lực tài chính, nhân lực cũng như hỗ trợ tối đa để đạt mục tiêu hội nhập kinh tế trong khu vực.

Trung Quốc- thành viên thứ 13 của ASEAN

Việc AEC được thành lập là một nỗ lực của ASEAN trong việc nâng tầm vị thế cạnh tranh với các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ. Rất không may, lợi ích kinh tế thường gắn liền với lợi ích chính trị và đây là bước cản rất lớn với ASEAN khi các nước thành viên có chế độ khá khác nhau.

Thêm vào đó, hầu hết các nhà lãnh đạo tại ASEAN thường có quan điểm ôn hòa khi xung đột xảy ra nhằm tránh gây căng thẳng tình hình.

Đây là một điểm mạnh khi giữ vững được nền hòa bình và ổn định nhưng cũng là điểm yếu khi không có một thành viên nào đủ mạnh để dẫn dắt và ảnh hưởng những nước còn lại.

Hãy nhìn EU với sự mạnh mẽ của Đức, nền kinh tế chủ chốt tại Châu Âu và là một lực lượng quân sự đáng gờm trên thế giới. Trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) có Ả Rập Xê Út đóng vai trò quan trọng với sản lượng dẫn đầu cũng như vị thế chính trị to lớn trên thế giới.

Ngoài ra, việc những cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào khu vực này nhằm đảm bảo lợi ích của họ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong khi Philippines, Singapore, Thái Lan là những đồng minh truyền thống của Mỹ thì Campuchia và Lào lại có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, còn Malaysia và Indonesia thì lại đang cố gắng trung lập trong mọi xung đột.

Trên thực tế, chính sách “chờ đợi và xem xét” của các nước khi có xung đột trong khu vực khiến tư tưởng ban đầu của ASEAN là thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa các nước thành viên trở thành lời cam kết không đáng tin cậy. Minh chứng dễ thấy nhất là vấn đề biển Đông gần đây.

Một ví dụ khác cho thấy sự yếu thế của ASEAN trên cộng đồng quốc tế là việc gần đây Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập tổ chức NAPCI nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... mà không hề có sự tham gia của ASEAN. Rõ ràng, việc không chủ động tham gia vào các sự kiện trên thế giới cho thấy rằng nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại trong cộng đồng ASEAN.

Năm 2016, Lào là nước chủ tịch ASEAN nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng điều hành của nước này trước những xung đột lợi ích giữa các thành viên.

Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng việc Lào gặp khó xử giữa việc bảo đảm lợi ích của ASEAN và phụ thuộc kinh tế cũng như nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào uy tín của cộng đồng chung Đông Nam Á.

Tờ Diplomat nhận định Trung Quốc hiện là thành viên không chính thức thứ 13 của ASEAN khi hầu như bất cứ quyết định nào của cộng đồng này cũng ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến lới ích kinh tế, chính trị của chính quyền Bắc Kinh.

Chúng ta là người ASEAN?

Cộng đồng Đông Nam Á (ASEAN) đã kỷ niệm 49 năm thành lập vào tháng 8 vừa qua, nhưng có thể nói hầu như chả ai hiểu ý nghĩa của tổ chức này.

Nhiều trường học vẫn thường nói về người Đông Nam Á (ASEAN people) nhưng chẳng ai quen dùng khái niệm này. Mọi người có thể nói họ là người Việt Nam, người Malaysia, người Hồi giáo... nhưng hầu như không ai có khái niệm họ là người “Asean”.

Khu vực ASEAN đã gìn giữ được hòa bình trong gần 50 năm qua và sức ép về kinh tế khiến nhiều nước ngồi lại với nhau để tạo nên thị trường chung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính sự hòa bình thái quá này đang khiến khu vực này trở nên khó thống nhất do khác biệt về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... quá lớn.

Minh chứng rõ ràng nhất là giao dịch thương mại trong nội khối ASEAN chỉ chiếm 30% tổng giao dịch cả khối, trong khi giao dịch với các nước trong khu vực Châu Á của cộng đồng này chiếm tới 53%. Cũng dễ hiểu khi Singapore, Việt Nam, Malaysia tham gia Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi thỏa thuận này có thể làm chia rẽ thêm ASEAN.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia nhận định việc người dân các nước ASEAN ít khi trao đổi văn hóa hay chia sẻ giá trị cho nhau khiến việc thành lập cộng đồng chung trở nên khó khăn. Người dân các nước biết về Anh với những giải bóng đá ngoại hạng, Trung Quốc với những bộ phim cổ trang nổi tiếng, Hàn Quốc với làn sóng K-pop hay Mỹ với những bộ phim Hollywood. Tuy nhiên, hầu như người dân các nước ASEAN chẳng mấy khi tìm hiểu về nhau.

Có lẽ, đã đến lúc các nhà lãnh đạo cần nhìn nhận lại sự cần thiết của ASEAN cũng như những mục tiêu mà cộng đồng này đề ra thay vì chỉ để một cái tên trên giấy như vậy.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM