Việt Nam sẽ tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân vào cuối năm nay

09/11/2021 10:30 AM | Xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao đổi những thông tin trên tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 8-11.

Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng lên tới 200 triệu liều vắc xin

Chiều 8-11, tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận; trong đó có vấn đề vắc xin phòng Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định thời gian qua, Việt Nam triển khai chiến lược vắc xin rất hiệu quả từ mua, nhập khẩu, tổ chức nghiên cứu trong nước, mở rộng chiến lược tiêm chủng.

 Việt Nam sẽ tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Việt Nam sẽ tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho người dân vào cuối năm nay- Ảnh. Nam Nguyễn.

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.

"Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng vắc xin cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7-11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin.

"Số lượng vắc xin hiện tại đã bảo đảm đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau", báo Quân đội nhân dân dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

"Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ"

"Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, đang diễn biến rất phức tạp và gây tổn hại lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng, chống dịch của các nước trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ khi phát hiện ca Covid -19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và đang trong đợt thứ tư. Đáng nói, đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó. Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bằng việc triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội... đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong.

Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bộ trưởng chỉ ra công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; sự lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân. Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

Với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Long chỉ ra những bài học như việc phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân; áp dụng nhiều giải pháp chưa có tiền lệ; huy động lực lượng lớn tham gia...

“Ngành y tế xin được chia sẻ những mất mát, tổn thất nặng nề về con người ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

B. Bình

Cùng chuyên mục
XEM