Việt Nam ở đâu trên bản đồ hàng không dành riêng cho giới tài phiệt châu Á?

05/03/2022 08:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Private jet - phương tiện bay của giới tài phiệt là xu hướng đang được quan tâm tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đại dịch tác động không nhỏ đến cục diện kinh tế thế giới, nhưng đồng thời cũng là lúc phơi bày tiềm lực về tài chính, thế lực, chiến lược và cả sự khôn ngoan vốn có của thế giới xa xỉ. Không nằm ngoài quy luật đó, private jet (tạm dịch là cho thuê máy bay tư nhân) đang ngày càng bùng nổ và trở thành lựa chọn hàng đầu của tầng lớp kinh doanh hoặc giới siêu giàu.

Theo báo cáo của GlobeAir, so với máy bay dân dụng, máy bay tư nhân giúp giảm 30 lần khả năng tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Do đó trong tình hình Covid-19, Jet Maintenance Solutions chỉ ra lượng đặt chỗ private jet đạt tăng trưởng ngoạn mục với con số 400%.

Đất nước giàu máy bay xa xỉ nhất châu Á

Ở thị trường châu Á, năm 2019 ghi nhận vị trí số 3 về doanh thu hàng không tư nhân trên thế giới, với 1.570 máy bay phản lực đăng ký lưu hành từ các quốc gia trên toàn châu lục. Trong đó, Trung Quốc sở hữu 18% và đứng đầu châu Á. Ấn Độ đứng thứ 2 với 9% và Ả-rập Xê-út đứng thứ 3 với 7,6%.

Cụ thể, đến tháng 8/2021, Trung Quốc có 288 máy bay phản lực hàng không được khai thác, Ấn Độ vẫn theo sau với 147 chiếc và 119 là số lượng Ả-rập Xê-út đang vận hành.

Nhiều năm qua, Trung Quốc chưa từng lung lay đẳng cấp "tay chơi" số 1 khi liên tục sở hữu các tên tuổi private jet thống trị bầu trời lục địa. Trong đó, Sino Jet là công ty quản lý hàng không thương gia phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc với hai trụ sở ở Bắc Kinh và Hồng Kông. Công ty đã được trao giải thưởng Công ty Máy bay tư nhân hàng đầu Thế giới 2020 & 2021 bởi World Travel Awards, hiện sở hữu 50 máy bay phục vụ private jet, chiếm 10% thị phần của Trung Quốc, gồm các chuyên cơ "khủng" như Boeing BBJ, Airbus ACJ, Gulfstream G650/G650ER, Dassault Falcon 8X,...

Việt Nam ở đâu trên bản đồ hàng không dành riêng cho giới tài phiệt châu Á? - Ảnh 1.

Sự xa xỉ bên trong một chuyên cơ của Sino Jet

Hiện tuy chỉ chiếm 7% số private jet trên thế giới - con số có phần khiêm tốn, nhưng châu Á đang là thị trường tiềm năng khi chứng kiến xu hướng dịch chuyển hưởng thụ ngày một cao cấp của giới thượng lưu, tài phiệt bất chấp đại dịch. Nhiều "ông lớn" trong ngành xem đây là chốn đắc địa trong tương lai của private jet và bắt đầu đầu tư vào thị trường châu Á.

Việt Nam dần định danh

Thomas Flohr, CEO Tập đoàn VistaJet - đơn vị cách mạng hóa private jet toàn cầu, hiện bao phủ trên 187 quốc gia nhìn nhận, năm 2020, số lượng thành viên mới của VistaJet đã tăng 29%, trong đó 18% đến từ Châu Á, với tỉ lệ tăng 108%.

"Châu Á là một khu vực đặc biệt quan trọng đối với VistaJet, là khu vực chiến lược để tận dụng tối đa ưu thế của Global 7500, máy bay phản lực thương gia duy nhất có 4 không gian sinh hoạt riêng giúp khách hàng dễ dàng di chuyển giữa những thành phố lớn. Đặc biệt, Việt Nam là thị trường chính cho sự mở rộng của VistaJet tại Đông Nam Á. Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của loại hình bay tư nhân tại Việt Nam ngay khi mở cửa hàng không quốc tế" - ông nhấn mạnh.

Như vậy, tại châu Á hay đơn cử là Việt Nam, dịch vụ hàng không tư nhân đang dần tiến đến việc không còn là sự lựa chọn xa lạ. Màn "chào sân" bất ngờ vào ngày 2/3/2022 mới đây của Sun Air (thuộc Sun Group) chứng minh Việt Nam cũng không đứng yên trong cuộc đua tốc độ thượng lưu trên bầu trời.

Việt Nam ở đâu trên bản đồ hàng không dành riêng cho giới tài phiệt châu Á? - Ảnh 2.

Hình ảnh đầu tiên được Sun Air tiết lộ về chuyên cơ Gulfstream G650ER với sức chứa tối đa 17 khách và tầm bay gần 14.000km

Trước đó, Vietstar Airlines (VSA) chính thức ra mắt dịch vụ bay hướng đến phân khúc khách hàng giàu có đầu tiên tại Việt Nam năm 2019. Vào tháng 7/2020, WorldTrans, công ty thành viên của Vietravel gây ấn tượng với chuyến private jet bay thẳng từ Mỹ về nước trong đại dịch.

2 doanh nhân tại Việt Nam cũng từng sở hữu máy bay riêng được nhiều người biết đến là Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Bầu Đức từng sở hữu máy bay Beechcraft King Air350 với sức chứa tối đa 11 người, còn ông chủ Hòa Phát sở hữu máy bay trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi. Giá trị của 2 máy bay này ước tính khoảng 5 triệu USD và sau đó cả 2 đều bán đi.

Ngoài ra, theo Zing.vn, vào tháng 11/2019, một nguồn tin thân cận với hãng sản xuất máy bay riêng Dassault Falcon đã xác nhận có 2 doanh nhân quốc tịch Việt Nam đang sở hữu máy bay riêng do thương hiệu này sản xuất.

Được biết, 2 chiếc Falcon 8X và Falcon 2000S được bàn giao về Việt Nam từ tháng 12/2018. Vị này còn cho biết thêm có tổng cộng 6 máy bay riêng được sở hữu bởi các doanh nhân người Việt. Đồng thời, có 2 chiếc thuộc hãng hàng không Vietstar Airlines.

Theo Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM